Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Adyen - startup giúp xử lý hàng triệu giao dịch cho Grab và Uber
Adyen - startup về tài chính không mấy nổi tiếng ở Hà Lan, nhưng đang giữ trọng trách xử lý hàng triệu giao dịch trị giá tỷ USD cho Grab và Uber.
TIN LIÊN QUAN
 Adyen dù không mấy nổi tiếng nhưng lại đang giữ trọng trách xử lý các giao dịch trị giá hàng tỷ USD
Adyen dù không mấy nổi tiếng nhưng lại đang giữ trọng trách xử lý các giao dịch trị giá hàng tỷ USD

Uber xử lý hàng triệu hoá đơn giao dịch mỗi ngày. Hệ thống thanh toán của họ thật sự phức tạp và khổng lồ. Bởi các giao dịch đi qua địa phận của nhiều nước, qua nhiều hệ thống thanh toán, và đơn vị tiền tệ hao hụt là điều khó tránh khỏi.

Do đó, những công ty công nghệ như Uber, Airbnb, Netflix khá đau đầu trong việc quản lý các hao hụt trong giao dịch tiền tệ. Và Adyen, một startup về tài chính dù không mấy nổi tiếng, nhưng công nghệ của họ là yếu tố cốt lõi giúp khách hàng hoạt động hiệu quả.

"Các khách hàng không muốn những công ty dịch vụ thanh toán quá nổi bật và được quá nhiều người biết đến", Warren Hayashi, Chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương của Adyen cho biết. "Chúng tôi càng khuất mắt thì càng được khách hàng ưu ái".

Quy mô của Adyen thật sự khổng lồ. Công ty này đã xử lý lượng giao dịch trị giá 56 tỷ USD trong năm 2015. Doanh thu của Adyen năm 2015 là 371 triệu USD, lợi nhuận 45 triệu USD.

Giá trị thị trường của Adyen hiện là 2,3 tỷ USD và họ nhận được nguồn vốn đầu tư từ quỹ Iconiq Capital, được lập nên bởi Mark Zuckerberg của Facebook và Reid Hoffman, người sáng lập LinkedIn.

 Vào tháng 8/2016, đối thủ của Uber là Grab tại Đông Nam Á cũng đã chọn Adyen làm đối tác cho các giao dịch tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Ở các khu vực khác, Grab sử dụng dịch vụ của Stripe là một công cụ tương tự như Adyen.

Với một công ty có hai đối thủ sừng sỏ cùng là khách hàng, Adyen thật sự đã chứng tỏ khả năng của mình. Điều có lẽ làm những người điều hành Adyen hài lòng nhất là công ty của họ liên tục có lời, trong khi Uber và Grab đang chịu lỗ triền miên.

Uber đã chịu khoản lỗ 1,2 tỷ USD từ đầu năm đến nay với các chi phí cho tài xế ngày càng tăng. Các nhà phân tích lo lắng rằng Uber liệu có thể tiếp tục tồn tại đến khi công nghệ xe tự lái được hoàn thiện hay không? Grab cũng đang hợp tác với Công ty nuTonomy về đề án xe tự lái, nhưng vẫn chưa đi đến đâu.

Trong khi các công ty công nghệ khác chật vật để tồn tại, Adyen lại ở một vị thế chắc chắn hơn. Định vị của công ty là một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cho những công ty đang ở thế phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Thay vì đợi hệ thống xử lý các đơn hàng rồi mới nhận tiền hoa hồng như PayPal, các giao dịch qua Adyen mang về doanh thu cho công ty gần như tức thì.

Trong chuỗi giá trị truyền thống, các khách hàng sẽ phải tự quản lý các dịch vụ thanh toán trực tuyến, phân tích rủi ro và kết nối các hệ thống xử lý thanh toán. Adyen đứng ra đảm nhận và đơn giản hoá tất cả các hoạt động này, giúp kho dữ liệu của khách hàng được rõ ràng hơn.

"Với hệ thống dữ liệu này, chúng tôi biết được 100 lý do vì sao các giao dịch bị từ chối, trong khi các hệ thống khác chỉ cho biết tối đa 30 lý do", Warren cho hay.

Bằng việc thâm nhập các hệ thống thanh toán đám mây, Adyen có thể thực hiện những điều chỉnh để tăng tỷ lệ chấp nhận thanh toán lên vài phần trăm. Việc này còn giúp hạn chế các bên khác lợi dụng khác biệt trong hệ thống để bòn rút từ các giao dịch. Kết quả cuối cùng là khách hàng của Adyen tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Một ưu điểm khác của Adyen là hệ thống của họ không phân biệt các giao dịch từ đâu đến. Công ty có thể xử lý 250 hệ thống giao dịch khác nhau từ PayPal của Mỹ, Nets của Singapore, đến Alipay của Trung Quốc và con số này đang tăng không ngừng.

Đối thủ của Adyen là Stripe chỉ có thể xử lý các giao dịch thanh toán qua thẻ tín dụng và tự giới hạn mình ở các nước có tỷ lệ sử dụng thẻ thanh toán cao. Điều này giúp Adyen phát huy thế mạnh của mình ở châu Á và châu Âu, nơi mà các phương thức thanh toán phổ biến khác nhau ở từng nước.

Dù Adyen có quan hệ rất thân thiết với các khách hàng, họ lại không tuỳ chỉnh hệ thống của mình theo yêu cầu của một khách hàng riêng lẻ nào. Họ chỉ làm điều đó khi nhiều khách hàng bắt đầu cùng muốn một thứ.

"Chúng tôi luôn hạn chế việc thay đổi hệ thống theo yêu cầu đơn lẻ. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của chúng tôi", Warren cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư