Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
AEON Việt Nam định hướng phát triển bền vững với "số" và "xanh"
Nguyễn Linh - 12/08/2024 16:48
 
AEON Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm "xanh hóa" hoạt động bán lẻ. Một trong những bước đi đúng đắn là việc thay thế dần các loại bao bì truyền thống bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như túi thực phẩm tự phân huỷ, tô và khay từ bã mía…

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Bằng Lăng, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững & Đối ngoại, AEON Việt Nam tại Tọa đàm “Chuyển đổi kép: Câu chuyện của các doanh nghiệp tiên phong" do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 12/8/2024.

AEON Việt Nam với những “sáng kiến xanh” 

Bà Lăng cho rằng, nhà bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là cầu nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới phát triển bền vững, AEON đã triển khai 2 chiến lược chủ chốt nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.

Chiến lược đầu tiên là xanh hóa và số hóa hoạt động bán lẻ, đồng thời thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong quá trình vận hành. Điều này bao gồm việc giảm thiểu chất thải nhựa và thức ăn thừa, cũng như tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong các cửa hàng bán lẻ. 

Bà Nguyễn Bằng Lăng, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững & Đối ngoại, AEON Việt Nam. (Bìa phải)

Vị này cũng cho biết, kể từ năm 2020, tại các khu vực bán thức ăn chế biến sẵn, AEON đã ngừng sử dụng các sản phẩm bằng nhựa và nilon, thay thế bằng túi phân hủy sinh học và các loại bát đựng thực phẩm làm từ bã mía.

“Ngoài việc thay thế dần các loại bao bì truyền thống bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, Công ty cũng đã dần dần ngưng bày bán các sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt chuyển đổi thẻ thành viên từ dạng nhựa sang các mã điện tử trên di động, cũng như thay thế voucher giấy bằng voucher điện tử”, đại diện AEON Việt Nam cho hay.

Việc chuyển đổi thẻ thành viên kiểu truyền thống sang ứng dụng di động không chỉ giúp giảm thời gian thao tác khi khách hàng đổi điểm thưởng mà còn tăng độ chính xác trong quá trình phục vụ. Trước đây, việc nhập mã thủ công có thể dẫn đến sai sót, nhưng với việc áp dụng công nghệ số, các lỗi này đã được giảm thiểu đáng kể, từ đó nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Đánh giá về mặt lợi ích sau khi áp dụng chuyển đổi kép vào khâu vận hành, bà Lăng cho biết chi phí in thẻ, túi nilon và biên nhận giấy đã được giảm thiểu rõ rệt. “Chẳng hạn, chương trình giảm túi nilon đã giúp AEON tiết kiệm được chi phí liên quan đến 200 tấn túi nilon trong giai đoạn từ năm 2019 - 2024, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi lượng lớn túi nilon này không bị thải ra tự nhiên”, đại diện AEON nói.

Ngoài ra, AEON còn phát triển các sản phẩm nhãn hàng riêng Topvalu tại Việt Nam, đáp ứng bộ tiêu chuẩn COC với nhiều quy định chặt chẽ về môi trường. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn được thiết kế và sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, từ khâu nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất và bao bì.

Chiến lược thứ hai của AEON là thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh và tiêu dùng số trong cộng đồng. AEON đã và đang triển khai nhiều chương trình nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng túi tái sử dụng thay vì túi nilon - một bước quan trọng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. 

Một trong những chương trình nổi bật là "Rent a Bag" - dịch vụ cho thuê túi môi trường, giúp khách hàng dần tạo lập thói quen sử dụng túi Eco. Năm 2023, AEON cũng tổ chức hoạt động "Ngày không túi nilon" và được rất nhiều khách hàng hưởng ứng. 

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã thiết lập các quầy thu ngân xanh, nơi khách hàng có thể thanh toán không tiền mặt, từ đó nâng cao trải nghiệm mua sắm hiện đại và tiện lợi. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt và giấy biên nhận, mà còn giảm thời gian chờ đợi của khách hàng tại quầy thu ngân, góp phần làm cho quy trình thanh toán trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Có thể thấy, những “sáng kiến xanh” của AEON Việt Nam không chỉ đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho mục tiêu kinh doanh và phát triển của Công ty. Cụ thể, việc tối ưu hóa quy trình vận hành thông qua công nghệ số đã giúp giảm thiểu sai sót, tiết kiệm chi phí dài hạn như chi phí in thẻ, chi phí túi nilon… từ đó tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu.

Chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững

Bà Lăng cho biết, AEON đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường, Sở Công thương Hà Nội để tham gia vào các sáng kiến giảm thiểu nhựa, bao gồm việc trở thành một thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon. 

Thông qua đó, AEON có cơ hội đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách của Nhà nước bằng cách cung cấp số liệu thực tế và ý kiến chuyên môn. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của công chúng mà còn thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhất quán trong việc ban hành các cơ chế và chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quá trình chuyển đổi này, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển bền vững mà còn đáp ứng các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, như mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết.

Lợi ích mà chuyển đổi kép mang lại là rất rõ ràng. Trước hết, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất hoạt động, tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu chi phí. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật đang tạo ra cơ hội để doanh nghiệp tự động hóa các quy trình, từ đó giảm thiểu lỗi con người và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Song song với đó, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên và xây dựng một môi trường kinh doanh bền vững. 

Bằng cách áp dụng các công nghệ sạch và giảm lượng khí thải carbon, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo dựng hình ảnh tích cực trong mắt người tiêu dùng, đặc biệt là khi nhận thức về môi trường của xã hội ngày càng được nâng cao.

Ngày Không túi nilon (No Plastic Day) của AEON diễn ra vào năm 2023.


Tuy nhiên, bà Lăng cho biết quá trình chuyển đổi kép cũng đặt ra nhiều thách thức. Đầu tiên là vấn đề chi phí, việc đầu tư vào công nghệ số hóa và các giải pháp xanh thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng. 

Hơn nữa, việc thay đổi cơ cấu tổ chức, điều chỉnh quy trình hoạt động để thích nghi với các công nghệ mới cũng không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ.

Một thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số là đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng. Việc xây dựng hệ thống bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu và thông tin quan trọng trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi là điều cần thiết. 

Đồng thời, khi thực hiện chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo rằng các giải pháp môi trường không ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của mình.

Trong bối cảnh này, AEON đã đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Bà Lăng cho biết, cái đích mà AEON hướng tới là trở thành công dân doanh nghiệp mẫu mực tại mỗi địa điểm mà Công ty hoạt động. 

“AEON hy vọng, thông qua việc tiên phong trong các sáng kiến, công ty có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực, không chỉ đối với khách hàng mà còn với các nhà cung cấp, thúc đẩy họ cùng chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững”, bà Lăng bày tỏ.

AEON Việt Nam mở rộng kinh doanh, mang đến 9.000 cơ hội việc làm năm 2024
Với định hướng mở rộng hoạt động kinh doanh, năm 2024, AEON Việt Nam tích cực tuyển dụng nhân sự, mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm trên toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư