Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Agribank đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt tại nông thôn
Trần Mạnh - 09/05/2022 20:31
 
Bắt tay với hàng ngàn đơn vị cung cấp dịch vụ, Agribank đang nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn.
Agribank tiếp tục phát triển sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, giảm chi phí cho khách hàng



Đưa thanh toán online về tận thôn, bản

Từ chỗ chỉ biết thanh toán bằng tiền mặt, đến nay, 100% cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã và 80% trưởng bản, bí thư chi bộ các bản ở Chiềng Lương (Mai Sơn, Sơn La) đã đăng ký tham gia thanh toán tiền điện qua tài khoản của Agribank Chi nhánh huyện Mai Sơn.

Ông Cầm Văn Mười, Bí thư Đảng uỷ xã Chiềng Lương phấn khởi cho hay: “So với phương thức thanh toán bằng tiền mặt trước đây, thì thanh toán qua tài khoản giúp người dân tiết kiệm thời gian mà cũng rất dễ dàng, thuận tiện, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi”.

Từ khi được cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Mai Sơn và nhân viên điện lực đến tận xã, bản vận động, hướng dẫn, không chỉ ông Mười và các cán bộ xã Chiềng Lương, mà nhiều người dân cũng đăng ký thanh toán tiền điện qua ngân hàng.

Ngoài Chiềng Lương, đến nay, tại nhiều thôn, bản trên cả nước, người dân đã dần làm quen với thanh toán không tiền mặt nhờ sự nỗ lực của Agribank - ngân hàng chủ lực ở nông thôn.

Ông Linh Đức Hoàng, Trưởng ban Khách hàng cá nhân (Agribank) chia sẻ, hợp tác, liên kết cùng phát triển là sự lựa chọn của Agribank trong chiến lược đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài việc kết nối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội… thanh toán thu chi ngân sách qua hệ thống ngân hàng, Agribank còn chú trọng đa dạng hóa hệ sinh thái số bằng việc hợp tác với các công ty fintech cung cấp cổng thanh toán hóa đơn tập trung với trên 15 loại dịch vụ thuộc các lĩnh vực giáo dục, điện nước, viễn thông, bảo hiểm, bệnh viện, tài chính...

Tính đến hết năm 2021, Agribank đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với trên 2.000 nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện các dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Lợi thế mạng lưới và nhân lực

Thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam đang rất sôi động, dự kiến tăng trưởng theo cấp số nhân trong 5 - 10 năm tới. Trong đó, ngân hàng bán lẻ ở khu vực nông thôn còn nhiều dư địa nhất, song cũng là “miếng bánh” khó nhằn nhất, bởi đòi hỏi mạng lưới rộng, chi phí lớn, nhân lực am hiểu địa bàn. Tuy vậy, đây lại là những lợi thế của Agribank.

Agribank cho biết, sẽ tăng cường kết hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã để phổ biến, lan tỏa và nâng cao nhận thức của khách hàng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, ngân hàng bán lẻ; hình thành thói quen thanh toán điện tử…

 

Hiện nay, Agribank có mạng lưới giao dịch rộng lớn nhất hệ thống với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, gần 4.000 ATM, gần 25.000 POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán) và 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng hoạt động tại các địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Agribank đang sở hữu tệp khách hàng “khủng” lên tới 20 triệu. Đây là nguồn tài nguyên quý báu để ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng như dịch vụ bán lẻ khác.

Tính đến ngày 31/12/2021, phương thức thanh toán tự động chiếm khoảng 81% tổng số giao dịch thanh toán của khách hàng tại Agribank. Hằng năm, hệ thống Agibank ghi nhận khoảng 30 triệu giao dịch, với doanh số giao dịch gần 60.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 35%/năm; liên kết với các trung gian thanh toán phát triển các ví điện tử như Momo, Moca, Shopee Pay, VNPT Pay, Zalo Pay, Sen Pay, Smart Pay…, đáp ứng khoảng 18 triệu giao dịch thanh toán/tháng qua các ví điện tử.

Để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, Agribank đã miễn tất cả phí dịch vụ chuyển tiền trong nước, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho khách hàng.

Tất nhiên, với địa bàn nông thôn, việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt là không đơn giản, bởi sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào thói quen của người dân, chưa kể hạ tầng công nghệ còn yếu.

Lãnh đạo Agribank cho biết, hiểu được khó khăn trên, thời gian tới, Agribank sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện tích sử dụng trên nền tảng công nghệ số; tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trù điện tử qua hệ thống thanh toán tập trung, hệ thống thẻ, hệ thống ngân hàng tự động.

Bên cạnh đó, Ngân hàng tiếp tục phát triển sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, giảm chi phí cho khách hàng trên cơ sở tăng cường hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các công ty fintech, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán của các giao dịch thương mại điện tử, đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng. Đồng thời, cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch chuyển đổi theo hướng số hóa và tự  động hóa.

Agribank luôn xác định việc nâng cấp, hiện đại hóa, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, đa dạng hóa khách hàng.

Agribank đón nhận hai giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2021
Agribank vừa vinh dự được trao tặng hai giải thưởng “Ngân hàng có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo tiêu biểu” và “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư