Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ai đủ sức chạy cả 15 giám khảo để làm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ?
Anh Minh - 21/02/2014 14:55
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, với một Hội đồng gồm 15 giám khảo độc lập, sẽ không có chuyện ai đó "lo lót" toàn bộ Hội đồng đồng để được chấm nương tay khi thi tuyển vào vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Bộ trưởng Thăng cũng cho hay, mình không tham gia Hội đồng. Bộ trưởng Thăng "cạo" cán bộ đường sắt mải mê chơi golf
TIN LIÊN QUAN
chạy cả 15 giám khảo để làm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ
Người kế nhiệm ông Nguyễn Đức Thắng (bên phải) giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ sẽ được xác định qua thi tuyển

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định như vậy tại Hội nghị Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) được tổ chức vào sáng nay.

Theo ông Thăng, với một hội đồng Ban giám khảo 15 người do một Thứ trưởng làm Trưởng ban, việc chấm thi sẽ rõ ràng và khách quan. Người ứng tuyển khi đó muốn “chạy” cũng khó vì không thể có sức mà “chạy” đủ cả 15 người chấm thi.

“Sau khi Ban giám khảo chấm thi có kết quả thì Ban cán sự Đảng sẽ thống nhất để ra quyết định bổ nhiệm. Người đạt kết quả cao nhất sẽ là người trúng tuyển và không có lí do nào khác để xem xét thêm. Bộ trưởng không có trong thành phần Ban giám khảo nên cũng không phải lo Bộ trưởng có đồng ý hay không đồng ý”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Thành phần Ban giám khảo sẽ gồm lãnh đạo Bộ GTVT, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GTVT, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Khoa học - Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Tài chính, Thanh tra Bộ GTVT, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT, Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ GTVT. Bộ trưởng Bộ GTVT không là thành viên Ban Giám khảo.

Danh sách Ban Giám khảo sẽ được công bố chính thức sau khi Ban Cán sự đảng Bộ GTVT phê duyệt danh sách người dự thi và được công khai trên Trang Thông tin điện tử của Bộ GTVT để bảo đảm quy định trong Đề án là: “Các thành viên của Ban Giám khảo phải là người không trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật; không có vợ hoặc chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc của chồng là người dự thi”.

Được biết, sau khi Ban giám khảo trình kết quả chấm, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT sẽ tiến hành làm thủ tục bổ nhiệm thí sinh có số điểm cao nhất vào chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Bộ GTVT, đối tượng tham gia dự thi vào vị trí Tổng cục trưởng là các đồng chí đang giữ chức vụ: Vụ trưởng thuộc Bộ GTVT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng các Cục trực thuộc Bộ GTVT; Hiệu trưởng các trường Đại học trực thuộc Bộ GTVT, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam; Viện trưởng các Viện trực thuộc Bộ GTVT; Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT; Giám đốc các Sở GTVT.

Người dự thi phải trải qua 02 (hai) phần thi là thi viết và bảo vệ chương trình hành động. Nội dung này đều được thông báo công khai cho người đăng ký dự thi biết. Cụ thể, người dự thi phải viết chương trình hành động phát triển Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong 10 năm tới theo hình thức tự luận và không được sử dụng điện thoại, tài liệu trong quá trình làm bài. Thời gian làm bài là 240 phút. Bài viết chương trình hành động được chấm theo thang điểm 100.

Nội dung bài viết tập trung vào các nội dung chính sau: Đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân mặt mạnh, điểm yếu; ưu điểm, tồn tại hạn chế và những thuận lợi, khó khăn của Tổng cục trong 3 năm qua (20 điểm); kế hoạch hoạt động, quy mô phát triển Tổng cục trong 10 năm tới (35 điểm); các biện pháp, giải pháp và đề xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng cục trong 10 năm tới (45 điểm).

Bên cạnh phần thi viết, các ứng viên còn phải bảo vệ chương trình hành động. Theo sự điều hành của Ban Giám khảo, người dự thi sẽ lần lượt bảo vệ chương trình hành động của mình theo hình thức thuyết trình và trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Người dự thi thuyết trình tóm tắt chương trình hành động của mình bằng công cụ trình chiếu Power Point; sau khi người dự thi thuyết trình, các ủy viên Ban Giám khảo đặt câu hỏi.

Điểm bảo vệ chương trình hành động của người dự thi được đánh giá theo thang điểm 100. Thời lượng để người dự thi thuyết trình chương trình hành động không quá 45 phút. Các ủy viên Ban Giám khảo đặt câu hỏi và người dự thi trả lời không quá 60 phút/người dự thi. Thời gian nêu câu hỏi của mỗi ủy viên Ban Giám khảo không quá 2 phút.

Nếu việc thí điểm thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ có kết quả tích cực, Bộ GTVT sẽ tổ chức thi tuyển tất cả các vị trí khác, ngoại trừ cấp Thứ trưởng (Thứ trưởng do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, không thuộc thẩm quyền bổ nhiệm cấp Bộ).

"Thi tuyển sẽ loại bỏ được nạn chạy chức, chạy quyền và người tài sẽ được trọng dụng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư