Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ám ảnh hằn lún vệt bánh xe trên Quốc lộ 1
Bảo Như - 12/12/2015 08:18
 
Hầu hết các dự án thành phần mở rộng Quốc lộ 1 vừa được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đều ít nhiều dính hằn lún vệt bánh xe.

Hai công trình nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 vừa được Kiểm toán Nhà nước thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng, quản lý sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là Dự án thành phần 1 – Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 517 – Km 556 và Dự án thành phần 2 đoạn Km 556 – Km 589+600 (cùng qua tỉnh Hà Tĩnh) đều không thoát khỏi vấn nạn hằn lún vệt bánh xe.

Cụ thể, tại Dự án thành phần 1, có tổng mức đầu tư 2.022 tỷ đồng do Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, mặc dù được đánh giá là khá “sạch sẽ” về công tác quản lý vốn, nhưng có ít nhất 4 vị trí xuất hiện các vệt hằn lún, trong đó nặng nhất là đoạn Km 530 + 080 - Km 530 + 200 và Km 530 + 320 - Km 530 + 400, phía trái tuyến, làn xe cơ giới phía trong dài 200 m, chiều sâu vệt hằn < 2,5 cm; đoạn Km 530 + 200 – Km 530 + 320, phía trái tuyến, làn xe cơ giới phía trong, dài 120 m, chiều sâu vệt hằn > 2,5cm.

.
Hầu hết các dự án thành phần mở rộng Quốc lộ 1 vừa được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đều ít nhiều dính hằn lún vệt bánh xe.

Tại Dự án thành phần 2, có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.276 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án An toàn giao thông (Bộ GTVT) quản lý, tình trạng hư hỏng còn trầm trọng hơn, với các vết hằn xuất hiện ngay khi công trình vừa được nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

Cụ thể, tại gói thầu số 9 do Liên danh Đại Hiệp - Hoàng Thiên thi công, tổng diện tích mặt đường bị hằn lún là hơn 4.000 m2 (chiếm khoảng 1,75% khối lượng mặt đường thi công), vị trí hằn lún chủ yếu xuất hiện ở chiều Hà Nội - TP.HCM, vệt hằn lún có chiều sâu trung bình từ 1- 3 cm. Tại Gói thầu số 10 do Xí nghiệp Xây dựng Xuân Trường thi công, diện tích bị hằn lún lên tới 20.986 m2 (chiếm khoảng 3% khối lượng mặt đường thi công), vị trí hằn lún chủ yếu ở làn đường bên trái theo chiều Hà Nội - TP.HCM, vết hằn lún sâu từ 1 - 3 cm.

Trước đó, sau hơn 2 tháng tiến hành kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Dốc Xây – TP. Thanh Hóa do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Tại tiểu dự án 1 (đưa vào khai thác từ cuối năm 2012), đến tháng 4/2013 tại một số đoạn trên tuyến (chủ yếu tại làn xe tải) đã xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Hiện đối với các đoạn có chiều sâu hằn lún vệt bánh xe < 2,5 cm với diện tích 5.712 m2 đã được chủ đầu tư cho cào bóc, thảm lại bê tông nhựa lớp mặt; các đoạn có chiều sâu hằn lún < 2,5 cm đã được cào bóc tạo phẳng với diện tích 5.401 m2 và đang tiếp tục xử lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Điều đáng nói là, theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, đến nay, mặc dù các vị trí hằn lún đều đã được xử lý êm thuận, nhưng các đơn vị quản lý dự án chưa xác định được nguyên nhân của hiện tượng hư hỏng này.

“Bộ GTVT cần sớm xác định nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe để xử lý triệt để và quy được trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân liên quan”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Không ghi nhận bất kỳ sai phạm trong công tác quản lý vốn, nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra một số “sạn” tại cả 2 Dự án qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh.

Tồn tại chung đầu tiên được ghi nhận là giá trị bảo hành công trình mà Bộ GTVT ấn định mức 3%, thấp hơn khá nhiều so với mức 5% được quy định tại khoản 2, Điều 45, Nghị định số 48/2010/NĐ - CP ngày 6/2/2013 của Chính phủ về hợp đồng xây dựng.

Tồn tại lớn thứ hai là, cả 2 dự án đều có những sai sót trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết bế bản vẽ thi công và dự toán; rà soát, kiểm tra khối lượng thanh toán… Tại Dự án thành phần 1, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm trừ 3,9 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 bị yêu cầu xử lý tài chính 2,4 tỷ đồng.

Đây là khối lượng tài chính không lớn và các đơn vị quản lý dự án vẫn còn cơ hội sửa chữa trong quá trình quyết toán, hoàn công công trình”, một chuyên gia nhận định.

Tại Dự án thành phần 2, Kiểm toán ghi nhận thêm một hạn chế trong công tác khảo sát thiết kế tại Gói thầu số 10. Trong đó, riêng tại khu vực Đèo Con, đơn vị khảo sát thiết kế là Công ty CP Tư vấn 497 – Tư vấn Xây dựng Trường Sơn – Thiết kế và xây dựng Nano đưa ra thông số không phản ánh đúng điều kiện địa chất, cấp đất đá làm tăng giá trị dự toán 10,2 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị tư vấn thiết kế đã để xảy ra tồn tại, sai sót được phát hiện.

Cần phải nói thêm rằng, “điểm sáng” lớn nhất được Kiểm toán ghi nhận tại 2 dự án này là việc, cả 2 công trình đều vượt tiến độ khi thi công phải đợi mặt bằng và đảm bảo giao thông thông suốt.

Đối với những hư hỏng trên mặt đường, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng công bố kết luận chính thức về nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe để xử lý triệt để và quy được trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân liên quan.

“Các đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm túc kiến nghị Kiểm toán và báo cáo kết quả trước ngày 31/3/2016”, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.n

Giáo sư, kỹ sư ngành giao thông lại hoang mang vì quốc lộ 1 hằn lún vệt bánh xe?
Các đơn vị thi công đang hoang mang khi hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện trở lại tại một số điểm trên Quốc lộ 1, đoạn qua khu vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư