Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Ấn tượng Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024
Huy Tự - 12/08/2024 11:03
 
Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 sẽ diễn ra liên tục trong 7 ngày, từ ngày 25/8 đến ngày 31/8/2024 (22 - 28/7 Âm lịch), hứa hẹn nhiều sự kiện đặc trưng, ấn tượng, góp phần quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa du lịch tỉnh Trà Vinh.
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cầu Kè đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cầu Kè đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao

Sự kiện đặc biệt

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, Phó trưởng ban Tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 cho biết, đây là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh, với quy mô cấp tỉnh mở rộng, có sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, giá trị của dừa sáp và khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy Lễ hội Vu lan Thắng hội - tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa huyện Cầu Kè, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp tăng cường công tác giao lưu, liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch; xúc tiến, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch Trà Vinh.

Chương trình khai mạc Festival diễn ra lúc 20 giờ ngày 25/8/2024 tại Quảng trường huyện Cầu Kè với các nội dung hấp dẫn như sân khấu hóa tái hiện và tôn vinh vai trò, hình ảnh người nông dân gắn với cây dừa sáp; quảng bá các sản phẩm OCOP được chế biến từ nguyên liệu dừa sáp, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện và của tỉnh...

Đặc biệt, tại Chương trình, sẽ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, còn có hoạt động trưng bày đặc sản trái ngon của huyện Cầu Kè; hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; Hội chợ thương mại Không gian ẩm thực; liên hoan Lân sư rồng; trưng bày hình ảnh văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian; các hoạt động tín ngưỡng Ông Bổn.

Lễ Vu lan Thắng hội - tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) - đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ Vu lan Thắng hội - tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) - đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đưa thương hiệu đặc sản dừa sáp Trà Vinh vươn xa

Dừa sáp là một loại trái cây đặc sản của vùng đất huyện Cầu Kè. Từ năm 2021, dừa sáp trái và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp đã được người dân Cầu Kè nâng tầm với chứng nhận sản phẩm OCOP, đưa nhãn hiệu dừa sáp vươn xa đến với khách hàng trong và ngoài nước qua các hoạt động xúc tiến thương mại; xuất khẩu và ủy thác cho doanh nghiệp xuất khẩu...

Sản phẩm dừa sáp trái của huyện Cầu Kè đã có mặt ở các siêu thị nước ngoài, được các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thực hiện liên kết cung ứng để xuất khẩu với số lượng hàng ngàn trái mỗi năm.

Ngay từ đầu năm, với sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành trong tỉnh, UBND huyện Cầu Kè đã khẩn trương chuẩn bị chu đáo các phần việc, công đoạn được phân công, với mục tiêu tổ chức thành công Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 nhằm tạo khí thế mới, gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách khi đến với lễ hội.

 Những nội dung chính của chương trình, các hoạt động văn hóa, thể thao, hội chợ thương mại, ẩm thực, trưng bày trái cây ngon… sẽ liên tục được cập nhật trên website Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh (https://travinh.gov.vn), mạng xã hội, fanpage Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh; các trang thông tin điện tử và fanpage của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ dừa sáp, qua đó nâng giá trị kinh tế của loại trái cây đặc sản này, điển hình là Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (xã Thạnh Phú). Công ty tập trung chế biến sâu và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ dừa sáp mang thương hiệu Vicosap, trong đó có 9 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm (dừa sáp sợi) đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm được sản xuất theo quy trình HACCP, ISO 9001:2015, ISO 22000:2018 và đạt chứng nhận FDA, HALAL, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục

Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 gắn với Hội thảo Tiềm năng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch với mong muốn giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điểm nhấn của chương trình là Hội thảo về cây dừa sáp được tổ chức vào lúc 14 giờ ngày 26/8/2024 tại Hội trường Huyện ủy Cầu Kè. Hội thảo sẽ đánh giá thực trạng và tiềm năng của trái dừa sáp, đồng thời phân tích, tìm ra giải pháp khả thi để phát triển cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Bên cạnh đó còn có sự kiện Tọa đàm Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu được tổ chức vào ngày 30/8/2024 tại huyện Cầu Kè; khảo sát các điểm đến của huyện Cầu Kè (nhà cổ Cầu Kè, Lễ Vu lan Thắng hội tại Vạn Niên Phong Cung, Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh; điểm du lịch Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Út...

Tạo liên kết và huy động nguồn lực phát triển

Ông Trần Phong Ba, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết, từ năm 2019, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy thành quả đạt được, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra mục tiêu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025. Thực hiện Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy, với quyết tâm chính trị cao, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Xây dựng huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023”, phấn đấu hoàn thành trước 2 năm so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Ngày 2/8 vừa qua, huyện Cầu Kè vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong sự vui mừng, phấn khởi của chính quyền và người dân khi chứng kiến sự đổi thay rõ nét trong đời sống vất chất và tinh thần, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc.

Bằng sự nỗ lực và tinh thần quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, 100% ấp đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 ấp nông thôn mới kiểu mẫu; 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 1 mô hình xã nông thôn mới thông minh, thị trấn Cầu Kè đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Đạt được kết quả trên, huyện đã huy động nguồn lực hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 54%, vốn doanh nghiệp 35%, vốn nhân dân đóng góp 11%. So với thời điểm bắt đầu thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đến cuối năm 2023, nhiều tiêu chí nông thôn mới đạt ở mức cao như: thu nhập bình quân đầu người tăng từ 59 triệu đồng/người/năm (năm 2020) lên 71 triệu đồng/người/năm (năm 2023).

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đến nay, cơ bản 100% đường xã, liên xã được cứng hóa; 100% đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn; đường trục chính nội đồng và đường ngõ xóm được cứng hóa đạt chuẩn trên 94%. Hệ thống công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp; công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn được coi trọng...

Lĩnh vực kinh tế được huyện Cầu Kè chú trọng phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện khá cao, bình quân đạt 13%/năm. Toàn huyện có 205 doanh nghiệp đang hoạt động đều khắp các xã, thị trấn, tổng vốn đầu tư trên 1.544 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động... 

Với mục tiêu nâng cao giá trị, kết hợp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, huyện đã hình thành 8 mã vùng trồng nội địa; tập trung liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu quy mô lớn. Bên cạnh đó, xây dựng thành công 37 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 8 sản phẩm 4 sao và 25 sản phẩm 3 sao; xác lập 1 kỷ lục Việt Nam về sản phẩm dừa sáp. 

Huyện cũng đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập kinh tế.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,58%, giảm 1,62% so với năm 2020; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt gần 80%.

Phát huy lợi thế về tự nhiên, lợi thế về bản sắc văn hóa truyền thống; huyện đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái miệt vườn ở cù lao Tân Quy, cù lao An Lộc trên tuyến sông Hậu; du lịch sinh thái cộng đồng (homestay) ở Hòa Ân, Tam Ngãi; du lịch tâm linh với Lễ Vu lan Thắng hội, các ngôi chùa cổ kính có lịch sử gần 700 năm; du lịch văn hóa, truyền thống với các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh…

Các sản phẩm du lịch của huyện đều hướng tới kinh tế xanh, vừa giữ vững môi trường sinh thái, vừa đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hằng năm, huyện Cầu Kè thu hút gần 30.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Trà Vinh lắng nghe ý kiến đánh giá của doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư
Các chỉ số về PCI, PGI, PAR Index, PAPI và SIPAS của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hữu hiệu để Trà Vinh nâng cao hiệu quả xây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư