Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
[Ảnh] Phật thủ “cháy hàng”, lượng khách mua tăng mạnh vào cận Tết.
Phương Linh - 26/01/2022 12:35
 
Cận Tết Nguyên Đán 2022, người dân tại làng phật thủ xã Yên Thái (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tất bật thu hoạch để có hàng phục vụ khách bán buôn lẫn bán lẻ.

Theo một số chủ hộ nhà vườn, giá thành phật thủ năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.

Vườn phật thủ trĩu quả đã đến ngày thu hoạch. (Ảnh: Phương Linh)

Ngày trước phật thủ sẽ được trồng chủ yếu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức nhưng do cây phật thủ có vòng đời chỉ 5-6 năm, ngoài những yếu tố đất đai, thời tiết, đòi hỏi người nông dân phải chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận. Sau khi hết một lứa cây, đất phải được cải tạo vài năm trước khi trồng lứa tiếp theo., vì thế mà gần đây, nhiều hộ gia đình ở Đắc Sở thuê đất mới ở các khu vực khác như Phùng, Đan Phượng, Phúc Thọ… để trồng phật thủ, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết hàng năm.

Như mọi năm, tháng giáp Tết là thời điểm các hộ dân nuôi trồng lại tất bật thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán đang tới gần.

Quả to đều, dày, nhiều ngón nên “cháy hàng” rất nhanh. (Ảnh: Phương Linh)

Vào những ngày giáp Tết, số lượng phật thủ bán ra của mỗi nhà vườn lên đến hàng nghìn quả. Nhiều tiểu thương từ khắp nơi đã đến thu mua với số lượng cực lớn.

Quả có nhiều tầng, trường trái giống hoa cúc được ưa chuộng. (Ảnh: Phương Linh)
Quả phật thủ nặng hơn 3kg. (Ảnh: Phương Linh)
Khách đến mua trực tiếp tại nhà vườn. (Ảnh: Phương Linh)

Chị Hường- chủ nhà vườn Biên Hường là một trong số rất nhiều hộ trồng cây phật thủ tại xã Yên Thái cho biết: “Những ngày cận Tết, cả gia đình luôn tất bật thu hoạch, gói hàng để giao cho thương lái và bán lẻ cho khách. Sau nhiều năm kinh doanh, chị thuê được hơn 1 ha để trồng cây phật thủ với mong muốn có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.”

Phật thủ vừa được cắt từ cây xuống, chuẩn bị được đem bán ra thị trường. (Ảnh: Phương Linh)
Quả phật thủ bán ra sẽ được tuyển chọn mẫu mã thật kỹ lưỡng. (Ảnh: Phương Linh)
Khâu đóng gói được chú trọng để đảm bảo không bị dập nát khi vận chuyển. (Ảnh: Phương Linh)
Sự tỉ mỉ qua từng khâu đóng gói. (Ảnh: Phương Linh)

Chị Hường cũng cho biết, từ rằm tháng Chạp trở đi lượng khách hỏi và đặt mua phật thủ tăng lên rất nhiều. Nếu như ngày thường chị bán từ 200 - 300 quả thì thời điểm cận Tết chị phải thu hoạch gấp 5 - 6 lần mới có đủ hàng bán cho khách. Thậm chí, có người còn mua trọn vườn, chỉ đợi đến lúc thu hoạch để cắt ra bán ngày Tết. Loài cây “hái ra tiền” này đã giúp nhiều người nông dân có thu nhập cao hằng năm.

Dịp Tết đến, chị Hường phải dậy từ sớm để cắt quả, chuẩn bị hàng giao cho khách. (Ảnh: Phương Linh)

Không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc, phật thủ tại đây cũng được đóng gói, vận chuyển đến các tỉnh thành như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng… Theo một số nhà vườn, dự kiến những ngày sát Tết Nguyên Đán năm nay sẽ “cháy hàng” phật thủ, do số lượng cây và quả ít hơn so với năm ngoái.

Nhân công cật lực đóng gói và vận chuyển hàng. (Ảnh: Phương Linh)

Ngoài ra, giá cả của phật thủ phụ thuộc vào mẫu mã của sản phẩm như kích thước, số múi (ngón), mã quả… “Tùy văn hóa mỗi nơi mà có cách chọn phật thủ khác nhau, người miền Nam thích chơi phật thủ ngón cụp lại.

Đóng gói xong sẽ được vận chuyển đến các tỉnh thành. (Ảnh: Phương Linh)

Còn người Bắc, nhất là người Hà Nội, sành chơi, thích những quả có ngón dài, càng dài trả giá càng cao, có người đã từng trả giá đến 5-6 triệu một quả” - anh Quân, một người dân có sở thích chơi phật thủ cảnh chia sẻ.

Nhiều tiểu thương đến tận nơi để xem mẫu mã. (Ảnh: Phương Linh)

Những năm gần đây, cây phật thủ là nguồn thu nhập chính cho các hộ gia đình ở xã Yên Thái, huyện Hoài Đức. Với biểu tượng nhiều may mắn, tài lộc, quả phật thủ luôn được người dân lựa chọn dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết, xuân về.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư