Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần In Bách Khoa Hà Nội
Ảo thuật gia đường phố và bài học kinh doanh bằng cả trái tim và sự chân thành
Gia Huy - 31/07/2016 09:40
 
Sớm nếm trải những thất bại tưởng chừng không thể vượt qua lúc khởi nghiệp kinh doanh, Nguyễn Văn Chương đã đứng dậy làm lại từ đầu bằng cả trái tim cùng sự chân thành và thành công đã mỉm cười với anh.

Ảo thuật gia đường phố đi kinh doanh

Trong con đường đến với kinh doanh, không phải ai cũng xác định cho mình hướng đi ngay từ đầu, trong đó có những người đi tới kinh doanh chỉ nhờ tài lẻ và bước vào kinh doanh mà không hề nghĩ rằng đó là kinh doanh. Nguyễn Văn Chương là một người như vậy.

Anh kể, những năm còn là sinh viên, có tài lẻ là ảo thuật đường phố, nên cứ tối tối, anh lại tìm đến các quán ăn để trổ tài ảo thuật. Cũng từ những phút diễn xuất đầy đam mê ấy, nhiều vị khách đã chủ động xin số điện thoại để mời anh tới diễn khi công ty họ có sự kiện, nên anh cũng có thu nhập kha khá.

doanh nhân Nguyễn Văn Chương.
Doanh nhân Nguyễn Văn Chương.

“Ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, thấy thị trường có nhu cầu cao với những hộp quà tặng, thiệp chúc mừng…, tôi đã tìm hiểu, tự thiết kế rồi mang đi in thiệp, làm hộp quà để chào bán tại các bệnh viện, trường học… Thậm chí, thấy ở bệnh viện người ta mua khẩu trang hoạt tính nhiều, tôi cũng buôn mang ra đó bán lẻ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm để có kinh nghiệm, nhưng ai ngờ thành công thật”, anh Chương hào hứng kể.

Tốt nghiệp đại học, với kinh nghiệm kinh doanh và mối quan hệ xây dựng từ lâu, Nguyễn Văn Chương về đầu quân cho một công ty bất động sản rồi nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí trưởng phòng, sau đó là giám đốc sàn. Tưởng như cuộc sống vậy là viên mãn, nhưng chỉ sau hơn 1 năm ngồi ghế “nóng” này, thị trường địa ốc đi xuống, công ty phá sản và anh lâm vào cảnh thất nghiệp.

“Đây là thời kỳ khó khăn nhất của tôi, bởi khi kiếm ra tiền, thấy người người, nhà nhà đầu tư bất động sản, tôi cũng a dua tham gia, nên khi thị trường xuống đáy, tôi bị lỗ nặng. Trong tình cảnh trắng tay, thất nghiệp, tôi ‘ủ mưu’ tìm cách làm lại từ đầu”, anh Chương nói.

Trong cảnh thất nghiệp, nhớ lại những gì đã làm thời sinh viên, nhận ra rằng, mình hợp với ngành in ấn và có thể phát triển được nghề này từ những mối quan hệ hiện tại, anh Chương mạnh dạn thực hiện bước ngoặt của cuộc đời mình. Công ty cổ phần In Bách Khoa Hà Nội ra đời từ đây, với số vốn khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn 35 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, anh đi mua từng chiếc máy in, điện thoại để bàn cũ, cũng chẳng ngần ngại đi xin những chiếc bàn, chiếc ghế cũ về dùng.

Với mối quan hệ sẵn có, anh được một trường học và một công ty dược ký đơn hàng trị giá hơn 100 triệu đồng. Hào hứng với những đơn hàng in ấn đầu tiên, anh và cộng sự lao vào làm việc. Nhưng rồi sự hào hứng nhanh chóng tiêu tan khi mà thất bại gọi tên anh. Toàn bộ sản phẩm đều bị sai so với thỏa thuận, Công ty buộc phải đền bù cho khách.

“Lúc ấy, tôi gần như mù tịt về màu sắc, cách in và kỹ thuật in, nhưng vẫn nhận hợp đồng. Vì thế, hộp thuốc in ra trông như là thuốc giả, nên khách hàng không chịu nhận. Bài học đầu đời trong ngành in ấn khiến tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất trong nghề này là sự cẩn thận, làm chuyên nghiệp và chuẩn tới từng chi tiết, không cho phép bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất”, anh Chương nói.

Vượt qua nỗi sợ cạnh tranh

Không chấp nhận thất bại, ngay sau khi đền bù các hợp đồng in sai, anh Chương đi đến từng đơn vị nêu trên để xin lỗi và xin được thực hiện các đơn hàng mới với cam kết in chất lượng tốt nhất. Trước những lời lẽ chân thành, cầu thị xuất phát từ trái tim của anh, các đơn vị đã quyết định cho anh cơ hội khác với số lượng in gấp đôi, lại còn ứng trước vốn để anh thực hiện đơn hàng. 3 tháng sau, anh đã có câu trả lời thỏa đáng đáp lại sự tin tưởng của khách hàng.

Theo anh Chương, bên cạnh nguồn vốn hạn hẹp, khó khăn lớn nhất đối với Công ty lúc đó là sự cạnh tranh về giá thành và chất lượng. Để tiếp tục phát triển thị trường, anh thuê một chiếc ô tô và máy in màu đi tới các tỉnh, đến các công ty đang có nhu cầu để chào hàng, thiết kế lại mẫu mã và in thử ngay tại chỗ cho khách hàng xem. Chính điều này đã mang lại cho anh những đơn hàng mới và giúp anh vượt qua sự cạnh tranh của các công ty in ấn khác. Chân ướt, chân ráo đặt chân vào thị trường, anh Chương rất sợ sự cạnh tranh, nhưng cũng đã nhanh chóng vượt qua nỗi sợ ấy bằng hướng đi riêng.

Đặc thù của những công ty trong ngành in ấn là đơn hàng dù rất đều đặn, nhưng không bền vững. Chỉ cần một đơn vị nào chào giá in rẻ hơn thì đối tác sẵn sàng chuyển sang ký hợp đồng với đơn vị đó. Vì vậy, bên cạnh việc tìm kiếm khách hàng mới, anh Chương cũng đặt nặng vấn đề chăm sóc khách hàng cũ.

Tới thời điểm này, sau 3 năm phát triển, Công ty cổ phần In Bách khoa Hà đã có khách hàng trên khắp cả nước, trong đó thị trường phía Bắc là thế mạnh của Công ty. Anh Chương cho rằng, trong kinh doanh, phải chọn giải pháp an toàn, chậm mà chắc, chỉ khi xây dựng trọn vẹn một thị trường nào đó thì mới mở ra một thị trường khác, không đầu tư dàn trải.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chiến lược khiến anh đứng vững trên thị trường là kinh doanh bằng cả trái tim và sự chân thành, làm việc với cái tâm và trách nhiệm cao, biết chia sẻ khó khăn với đối tác, thì sẽ giữ cho doanh nghiệp của mình một vị thế không thể thay thế đối với khách hàng.

Đội ngũ nhân sự cũng là một bài toán mà doanh nhân cần phải giải. Theo anh Chương, bài toán này tuy khó nhưng lại dễ giải, nếu có chính sách đãi ngộ tốt với người lao động, tạo ra một môi trường làm việc công bằng, minh bạch, luôn lắng nghe chia sẻ của người lao động.

Nói về mục tiêu phát triển dài hạn của Công ty, anh Chương cho biết đang hướng tới xây dựng một nhà máy nhựa để có thể cung cấp mặt hàng vỏ chai nước cho những khách hàng tiềm năng có nhu cầu cao về mặt hàng này.

“Người kinh doanh nên hướng về xã hội, phải hài hòa giữa gia đình và công việc. Khi làm hãy làm bằng trái tim và sự chân thành thì kết quả đạt được sẽ rất khả quan”, anh Chương chia sẻ.

Doanh nhân 9x Đỗ Huy Thành: Người kế vị “vàng” cho thương hiệu trang sức Huy Thanh Jewelry
Tưởng rằng không phù hợp với công việc nào trong công ty gia đình, nhưng cái “duyên” với nghề kinh doanh trang sức vàng vẫn “bén” với chàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư