Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Áp lực chốt lời có thể khiến thị trường chứng khoán xuất hiện rung lắc
Thanh Thủy - 07/06/2021 08:13
 
VN-Index đã có 5 tuần liên tiếp tăng điểm, trong khi một số công ty chứng khoán cho rằng dấu hiệu quá mua đã xuất hiện, vẫn có nhận định tự tin vào đà tăng tiếp tục tuần tới.

Liên tiếp vượt qua các ngưỡng cản, hành trình tới của VN-Index còn dễ dàng?

Thị trường có tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp với mức tăng mạnh nhất trong tuần (+4,06%) qua đó đưa chỉ số VN-Index đạt mức cao kỷ lục mới trong lịch sử 1.374 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index chỉ có một phiên điều chỉnh nhẹ chưa đến 0,1% vào hôm qua (4/6) và vẫn tăng lần lượt 6,22% và 5,2% so với cuối tuần trước.

Đi cùng với đà tăng của cả ba sàn, giá trị giao dịch cũng thiết lập những kỷ lục mới. Trước những mốc mới chưa từng chinh phục của chỉ số chính trên thị trường, các công ty chứng khoán có những nhận định tương đối khác biệt về diễn biến giao dịch tuần tới.

Chứng khoán MB cho rằng, thị trường đang có cơ hội rất tốt để đột phá với kỳ vọng sẽ vượt 1.400 điểm nếu không có biến động lớn trong các phiên tiếp theo. Nguyên nhân bởi, theo chuyên gia từ MBS, thanh khoản đã tăng lên đáng kể trong vòng gần 1 tháng qua và việc thị trường tăng điểm trên diện rộng cho thấy dòng tiền có sự lan tỏa ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chứ không tập trung riêng ở nhóm trụ. Cùng đó các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường.

Theo MBS, đà tăng của thị trường càng được củng cố khi dòng tiền lớn đổ vào không ngừng nghỉ. Mặc dù có nhịp rung lắc trong phiên sáng nhưng thị trường đã nhanh chóng vượt qua trong phiên chiều nhờ các tin hỗ trợ.

Thứ nhất là thanh khoản đã tăng lên đáng kể trong vòng gần 1 tháng qua, thứ hai là độ rộng của thị trường vẫn được duy trì rất tích cực cho thấy dòng tiền có sự lan tỏa ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chứ không tập trung riêng ở nhóm trụ. Cuối cùng là các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường, nếu không có biến động lớn trong các phiên tiếp theo, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ vượt 1.400 điểm. Thị trường đang có cơ hội rất tốt để đột phá và cơ hội cần được tận dụng.

Chứng khoán VietinBank cho rằng, trong ngắn hạn T+3, dư địa tăng giá của VN-Index nhìn chung vẫn đang duy trì kịch bản tăng điểm mặc dù có ghi nhận dấu hiệu suy yếu đặc biệt là tại nhóm VN30 tiếp tục đang tỏ ra yếu hơn so với mặt bằng thị trường chung. Điều này cho thấy kịch bản dòng tiền đang lan tỏa tốt ra nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Theo VietinBank Sc, VN-Index đang trên đường tiến tới ngưỡng kháng cự 1.380 điểm. Nhờ sự hiện diện của dòng tiền hiện tại, VDSC cũng  cho thấy rằng thị trường vẫn tiếp tục tăng điểm lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, nhận định của SHS lại đánh giá cao yếu tố từ áp lực chốt lời. Bên cầm cổ phiếu quyết định chốt lời tại vùng giá hiện tại có thể khiến thị trường sẽ xuất hiện những phiên rung lắc. Chứng khoán BIDV cũng cho rằng dấu hiệu quá mua đã xuất hiện trong quá trình VN-Index thử thách các ngưỡng, nhưng dòng tiền mạnh sẽ khiến cho nguy cơ điều chỉnh không lớn. Ngưỡng kháng cự tại 1.375 điểm tiếp tục được lưu ý quan sát trong tuần tới nếu có phiên sụt giảm đột ngột với thanh khoản cao.

Nhìn xa hơn trong cả tháng 6/2021, Chứng khoán BIDV đặt ra hai kịch bản với xác suất xảy ra tương đương. Ở trường hợp tích cực, VN-Index duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm dựa trên giả định dòng tiền từ các quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường. Diễn biến về việc lây nhiễm mới không quá tiêu cực và làn sóng Covid-19 thứ 4 được đẩy lùi.

Còn trong trường hợp diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn, Chứng khoán BIDV cho rằng VN-Index dao động tích lũy trong khu vực 1.270-1.350 điểm. Nhưng với những phiên bứt phá mạnh mẽ đầu tháng 6, công ty chứng khoán nhận định  thị trường sẽ nghiêng về kịch bản tích cực hơn, có thể ngưỡng 1.400 sẽ là khu vực mục tiêu đối với VN-Index trong tháng.

Chứng khoán SSI cũng đánh giá giao dịch trong tháng 6 tiếp tục tích cực do sự hoạt động tích cực của nhà đầu tư cá nhân khi mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất tiếp tục đình trệ do Covid-19. Cùng đó, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2021 dự kiến vẫn ở mức cao sẽ đưa mức P/E trượt 4 quý gần nhất về mức hấp dẫn hơn. Xu hướng tăng vốn, đặc biệt đợt tăng vốn của các công ty Chứng khoán giúp mở rộng dư địa cho vay ký quỹ, sẽ là các chất xúc tác quan trọng giúp thị trường vượt qua các nhịp biến động ngắn hạn và tiếp tục đi lên.

Tuy nhiên, cũng theo bộ phận phân tích của SSI, việc P/E ước tính năm 2021 vào ngày 03/6/2021 của VNIndex đã tăng lên tương ứng 18,6 lần và 16,8 lần từ mức 18,1 lần và 15,1 lần ở thời điểm cuối tháng 4 hay mức tăng “nóng” của chỉ số thời gian qua có thể sẽ kích hoạt mạnh cung chốt lời trong ngắn hạn. Chứng khoán SSI cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận trong quá trình VN-Index hướng về vùng 1.400 điểm và quay lại tìm cơ hội ở vùng hỗ trợ gần là 1.350 điểm và xa hơn là 1.300 điểm khi có điều chỉnh diễn ra. 

Dòng vốn ngoại giảm sức ảnh hưởng, lưu ý dòng vốn tại các quỹ ETF

Thống kê của bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI cho thấy tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn chứng khoán đã tăng lêni 25.800 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, tổng lượng bán ròng trong tháng 5 là 11.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không riêng thị trường Việt Nam, dòng vốn nước ngoài rút ròng tại khá nhiều thị trường chứng khoán lớn ở châu Á nhưng cũng đang giảm đi sức ảnh hưởng đến thị trường. Như tại Ấn Độ - quốc gia châu Á bị rút ròng mạnh nhất trong tháng 5/2021 (hơn 700 triệu USD), các chỉ số chứng khoán của nước này tăng lên đỉnh lịch sử trong tháng vừa qua, ghi nhận tháng tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Các thị trường chứng khoán Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia tuy không tăng mạnh nhưng vẫn duy trì ở vùng cao dù cũng bị rút vốn lớn. Tương tự Việt Nam, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh, giá trị giao dịch nhà đầu tư cá nhân gia tăng và ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Chứng khoán SSI cũng  lưu ý về việc các quỹ ETF rút ròng trong tháng 5. Sau khi tình hình được cải thiện trong tháng 4 do dòng vốn của quỹ Fubon FTSE Vietnam. Tổng vốn rút ròng trong tháng là khoảng 43 triệu USD (tương đương gần 1 nghìn tỷ đồng), trong đó rút mạnh nhất ở FTSE Vietnam, KIM Kindex Vietnam, VFM VN30 ETF. Dù hiện tại quy mô, chất lượng thị trường đã thay đổi, tác động của dòng vốn ngoại cũng có thể mờ nhạt hơn nhưng nếu xu hướng rút ròng của các quỹ ETF tiếp diễn công ty chứng khoán này cho rằng đây cũng sẽ là một chỉ báo đáng lưu tâm để gia tăng sự thận trọng với thị trường.

Trong tuần này và tuần sau, quỹ DTSE Vietnam sẽ giao dịch để điều chỉnh danh mục đầu tư. Theo tính toán của Chứng khoán BIDV dựa trên số liệu công bố ngày 4/6, cổ phiếu HSG có thể được mua hơn 3,8 triệu đơn vị do được thêm mới tronng kỳ đảo danh mục, trong khi bán ra hơn 4,46 triệu cổ phiếu DXG do cổ phiếu bị loại khỏi danh mục. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác được mua nhiều gồm VIC (1,03 triệu đơn vị), SBT (430.000 đơn vị), VRE (425.000 đơn vị), NVL (hơn 400.000 đơn vị). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG có thể phải bán ra  2,64 triệu đơn vị, VNM cũng có thể phải bán tới 1,27 triệu đơn vị.

Giao dịch dự kiến của quỹ FTSE Vietnam trong kỳ đảo danh mục tháng 6/2021
Giao dịch dự kiến của quỹ FTSE Vietnam trong kỳ đảo danh mục tháng 6/2021 - Nguồn: BSC

Chờ đợi thông tin mới về chính sách điều hành lãi suất của các ngân hàng trung ương

Những ngày cuối tuần qua, các nước G7 đã ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% do Mỹ đề xuất, nhằm tạo sân chơi bình đẳng trong thu hút những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Động thái này nhằm khiến các gã khổng lồ công nghệ chia sẻ công bằng và sẽ mở đường cho một thỏa thuận rộng lớn hơn giữa các quốc gia G20 vào tháng tới.

Đây là quyết định sau nhiều năm thảo luận của Bộ trưởng Tài chính của các nước G7 và cũng dự kiến là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thuế toàn cầu. Theo đánh giá của giới chuyên gian, cuộc họp G7 với định hướng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu khả năng tác động vốn FDI trong dài hạn

Cũng liên quan đến chính sách vĩ mô, ECB sẽ họp và công bố chính sách tiền tệ lãi suất vào ngày 10/6 tới. Cũng trong tuần, dữ liệu CPI Mỹ sẽ được công bố. Theo dự báo, mức tăng CPI có thể lên cao nhất kể từ tháng 9 /2008 và cao hơn nhiều so với mục tiêu  khoảng 2% của Fed. Hai điều trên sẽ phần nào cho thấy tín hiệu rõ nét hơn về định hướng điều hành chính sách của Fed trong cuộc họp dự kiến tổ chức tuần sau.

Ngoài ra, trong tuần, Nga cũng sẽ công bố dự trữ ngoại hối và lạm phát tháng 5, Trung Quốc công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 5 (7/6). Trung Quốc công bố chỉ số lạm phát và chỉ số giá hàng hóa công nghiệp, Đức công bố liệu xuất nhập khẩu tháng 4 (9/6).

Kỷ lục thanh khoản và mở mới tài khoản: Cơn say chứng khoán hút dòng tiền
Thị trường chứng khoán tuần qua liên tục ghi nhận những kỷ lục mới từ điểm số đến giá trị giao dịch. Số tài khoản chứng khoán mở mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư