Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Áp lực hội nhập TPP cận kề với dự án chăn nuôi
Hà Tâm - 06/08/2015 08:47
 
Dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự báo sang đầu năm 2016 mới được ký kết, song thịt nhập khẩu đã ồ ạt tràn vào Việt Nam với giá siêu rẻ. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, khả năng dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn hàng nhập khẩu và khả năng kiện chống bán phá giá là khó khả thi.
.
Áp lực hội nhập đang đè nặng lên ngành chăn nuôi với nguy cơ phá sản rất lớn.

 

Vài tháng gần đây, đùi gà nhập khẩu từ Mỹ ồ ạt tràn vào Việt Nam với giá rẻ đến mức khó tin: chưa đến 1 USD/kg (khoảng 20.000 đồng/kg). Thậm chí, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, đầu tháng 8 này, giá đùi gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ còn khoảng 0,5 USD/kg, với giá bán ra tại Việt Nam chỉ khoảng 15.000 đồng/kg.

Không chỉ thịt gà mà các sản phẩm chăn nuôi khác bán ở Việt Nam cũng đắt gấp 2-3 lần giá bán tại các thị trường trong TPP. Cụ thể, giá thành 1kg sữa tươi ở Việt Nam là 12.000 đồng, gấp đôi New Zealand; giá thịt lợn hơi ở Việt Nam là 45.000-55.000 đồng/kg, gấp 3 lần giá thịt lợn hơi tại Mỹ (chỉ khoảng 15.000 đồng/kg).

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã nhập khẩu hơn 60.000 tấn thịt gà, tăng cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Mỹ chiếm gần 59% thị phần, chủ yếu là các sản phẩm đùi, chân, cánh gà, gà nguyên con (có khả năng là gà thải). Cũng trong nửa đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 200.000 con trâu, bò sống, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt hàng thịt lợn, dù được đánh giá là có thế cạnh tranh nhất, song cũng đang phải đối mặt với sự tấn công của thịt nhập khẩu. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, hơn 2.000 tấn thịt lợn đã được nhập khẩu vào nước ta, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Pháp và Đan Mạch đang đề nghị được xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam - điều chưa ai từng nghĩ đến. Nếu khả năng này xảy ra, thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam sẽ rất rẻ, bởi đây là những quốc gia nổi tiếng về giống và năng suất thịt lợn, lại có giá thức ăn chăn nuôi rẻ. Rõ ràng, áp lực hội nhập đang đè nặng lên ngành chăn nuôi với nguy cơ phá sản rất lớn.

Báo cáo tác động của TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa thực hiện cho thấy, chăn nuôi là ngành kém cạnh tranh và dễ chịu tác động xấu của TPP. Nguyên do là ngành này có quy mô sản xuất nhỏ, lệ thuộc vào việc nhập khẩu giống và thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm chăn nuôi bị chính người tiêu dùng nội địa “tẩy chay” và có tâm lý sính ngoại.

VEPR dự báo, khi Việt Nam tham gia TPP, sẽ có nhiều hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, trong khi những trang trại, doanh nghiệp khác, nếu muốn cạnh tranh để tồn tại, sẽ phải tái cấu trúc mạnh mẽ.

Áp lực hội nhập TPP đã cận kề, song ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, vẫn còn đủ thời gian để đối phó với TPP bằng việc cải cách, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. “Đầu tiên, để cạnh tranh, ngành chăn nuôi cần loại bỏ các khâu trung gian làm tăng giá như 6 - 7% về giống, 9 - 10% về thức ăn chăn nuôi, khâu trung gian giết mổ 8 - 10%. Thứ hai, cần giúp người dân tiếp cận vốn, đất, hỗ trợ liên kết để mở rộng quy mô nhằm tăng sức cạnh tranh (hiện trên 50% là chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ). Thứ ba, Việt Nam phải tăng thêm diện tích đất trồng các loại cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ động dần nguồn thức ăn chăn nuôi”, ông Chinh nói.

Tuy nhiên, thực tế thị trường đã cạnh tranh rất khốc liệt ngay khi TPP chưa được ký kết. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, trong hội nhập, các nước có xu hướng dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Song tại Việt Nam, biện pháp này chưa được áp dụng.

Ông Chinh thừa nhận, việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật đòi hỏi Việt Nam phải có trình độ sản xuất tương đương các nước và phải có phòng thí nghiệm chuẩn để kiểm định chất lượng hàng nhập khẩu - điều Việt Nam còn thiếu.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, thói quen ưa chuộng thịt tươi sống (chiếm 80% tiêu dùng) sẽ là rào cản tự nhiên với hàng nhập khẩu, giúp ngành chăn nuôi có đủ thời gian tái cơ cấu. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ khi TPP được ký kết, thịt ngoại giá rẻ ồ ạt tràn vào, có thể thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi chóng mặt, khi đó, ngành chăn nuôi sẽ trở tay không kịp. 

Niềm hy vọng lớn của ngành chăn nuôi, theo ông Chinh, là các đại gia đầu tư vào nông nghiệp như Vinamilk, Đức Long Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai, TH… Tuy nhiên, khi TPP được ký kết, các đại gia này cũng sẽ gặp khó khăn, nhất là khi phụ thuộc hoàn toàn về giống, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Kinh doanh chăn nuôi mở rộng đầu tư đón cơ hội
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm (từ chăn nuôi) đã triển khai kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô để đón...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư