Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS: “Nữ tướng nông nghiệp” trong kỷ nguyên vươn mình
Thùy Vinh - 30/04/2025 15:20
 
Chặng đường từ một công ty mía đường trong nước trở thành tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao đa quốc gia của TTC AgriS là hành trình bền bỉ của đổi mới, tiên phong, hội nhập và phía sau hành trình ấy là dấu ấn đậm nét của “nữ tướng nông nghiệp” Đặng Huỳnh Ức My.
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS).

Nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ quốc gia thuần nông nghiệp trở thành điểm đến kinh tế năng động bậc nhất khu vực. Trên hành trình hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, đội ngũ doanh nhân đóng vai trò hạt nhân kiến tạo các trụ đỡ kinh tế mới.

Trong số đó, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, HoSE: SBT) nổi lên như một biểu tượng của thế hệ doanh nhân tiên phong, kiên định theo đuổi con đường phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại và mang tầm toàn cầu.

Nâng tầm nông nghiệp Việt trên bản đồ thế giới

Sau hơn 55 năm phát triển, TTC AgriS hiện là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam, với thị phần 46% và hiện diện tại hơn 69 thị trường. Dưới sự tiếp quản, dẫn dắt của bà Ức My, Công ty từng bước mở rộng chuỗi cung ứng nguyên liệu, chế biến tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Australia…, với diện tích vùng nguyên liệu tới 72.000 ha, sản xuất đa dạng từ mía, dừa, chuối, gạo đến các sản phẩm dinh dưỡng tự nhiên.

Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh, TTC AgriS là một trong các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên ứng dụng hệ thống ERP Oracle toàn diện từ năm 2021. Việc chuẩn hóa dữ liệu, truy xuất nguồn gốc và tích hợp các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp hiện cũng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp số (Agtech) và công nghệ thực phẩm (Foodtech), góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh toàn cầu. 

Không chỉ dẫn dắt quá trình đổi mới công nghệ tại TTC AgriS, bà Ức My còn là “kiến trúc sư” của mô hình chuỗi giá trị tuần hoàn - Circular Commercial Value Chain nhằm tối ưu giá trị gia tăng từ nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh giá trị kinh tế, TTC AgriS cũng cân bằng các giá trị môi trường, xã hội thông qua việc thực thi trách nhiệm xã hội (CSR) với các thế mạnh kinh doanh xanh, tích hợp tiêu chuẩn ESG vào toàn bộ quá trình vận hành. Công ty thiết lập hệ thống khép kín từ vùng trồng đến tay người tiêu dùng theo chiến lược “Tạo giá trị chung - Creating Shared Value” (CSV).

Từ chiến lược này đến mục tiêu Net Zero vào năm 2035, TTC AgriS đang định hình một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam - vừa hiện đại, vừa có trách nhiệm.

TTC AgriS và Tập đoàn Sungai Budi ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam - Indonesia ngày 10/3/2025, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và các bộ trưởng hai nước.

Kết nối đa phương - Đưa nông sản Việt ra thế giới

Trên nền tảng phát triển bền vững, TTC AgriS đang đẩy mạnh mở rộng chuỗi giá trị tại Đông Nam Á, châu Úc và châu Âu, tận dụng các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP để thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, mở ra cơ hội vàng để nâng cao thị phần xuất khẩu và khẳng định vị thế nông sản Việt Nam trên thế giới.

Cam kết Net Zero vào năm 2035 đang được hiện thực hóa qua mô hình kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị trách nhiệm. Với những đóng góp tích cực về quản trị hiệu quả, sản phẩm vì khách hàng, đồng hành cùng nông dân và trách nhiệm với cộng đồng, dưới sự dẫn dắt của bà Đặng Huỳnh Ức My, TTC AgriS định vị vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp nguồn lực quan trọng cho chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia.

Cùng với chiến lược mua bán, sáp nhập (M&A) và hợp tác với các định chế tài chính toàn cầu, TTC AgriS thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác quốc tế. Bà Ức My đặc biệt chú trọng việc thiết lập các liên kết đa phương, thông qua các buổi làm việc với đại sứ quán, tổng lãnh sự và các tổ chức xúc tiến thương mại của nhiều nước. Những cuộc gặp gỡ với đại diện ngoại giao từ Australia, Indonesia, Singapore… không chỉ là kênh đối thoại chính sách, mà còn mở ra các cánh cửa hợp tác trong chuỗi giá trị nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống toàn cầu.

Tại Indonesia, TTC AgriS đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sungai Budi - một trong những doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất nước này. Thỏa thuận không chỉ giúp tăng cường liên kết vùng nguyên liệu xuyên biên giới, mà còn tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực mía đường, dừa, dinh dưỡng tự nhiên và phân bón sinh học.

Bên cạnh thị trường Indonesia, TTC AgriS cũng xác lập vị thế tại Singapore - trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực. Tại đây, TTC AgriS hợp tác với Olam Food Ingredients (OFI) - tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nguyên liệu nông sản, nhằm tối ưu hóa giá trị sản phẩm và mở rộng mạng lưới phân phối tại châu Âu, Bắc Mỹ.

Một dấu mốc quan trọng khác là thỏa thuận hợp tác giữa TTC AgriS và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) - thuộc top 15 đại học hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, hai bên thống nhất phát triển Trung tâm R&D Agtech - Foodtech đặt tại Singapore.

Trung tâm dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 6/2025, trở thành đầu mối kiểm soát chất lượng, nghiên cứu sản phẩm và hỗ trợ thương mại hóa quốc tế các dòng sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm của Việt Nam. Đồng thời, nơi đây sẽ là nhịp cầu kết nối giữa tri thức khoa học - công nghệ và thực tiễn sản xuất nông nghiệp, giúp TTC AgriS tăng tốc chuyển đổi mô hình theo hướng đổi mới sáng tạo.

Gieo “tư duy hội nhập”, gặt “giá trị quốc tế”

Dễ thấy rằng, TTC AgriS, dưới sự tiếp quản, dẫn dắt của bà Đặng Huỳnh Ức My, đang trở thành hình mẫu mới cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trong thời đại hội nhập - nơi mà nông sản không chỉ được xuất khẩu, mà còn gắn liền với tiêu chuẩn xanh, công nghệ cao và chiến lược phát triển bền vững.

Cam kết Net Zero đến năm 2035, mô hình chuỗi giá trị tuần hoàn và sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm đã đưa TTC AgriS trở thành đối tác tin cậy của nhiều định chế toàn cầu trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, thực phẩm.

Không chỉ đóng góp về mặt kinh tế, TTC AgriS còn đang tham gia chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh, thông qua việc tích hợp tiêu chuẩn ESG, thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) và hỗ trợ sinh kế bền vững cho hàng chục ngàn nông dân tại Việt Nam và khu vực.

Với góc nhìn của một doanh nhân trẻ, nhưng đầy bản lĩnh, bà Ức My không ngừng đẩy mạnh “quốc tế hóa” chuỗi giá trị nông nghiệp Việt, thúc đẩy các hợp tác xuyên biên giới, đồng thời theo sát xu thế công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm toàn cầu. Bà cũng là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong kết hợp hài hòa giữa chiến lược kinh doanh và cam kết phát triển bền vững, giữa đổi mới công nghệ và trách nhiệm cộng đồng, góp phần quan trọng đưa nông nghiệp Việt Nam chuyển mình - từ vai trò “hậu phương lương thực” trở thành chủ thể cạnh tranh toàn cầu.

Với tư duy quốc tế, tầm nhìn chiến lược và tinh thần không ngừng đổi mới, bà My và TTC AgriS đang góp phần kiến tạo một tương lai nông nghiệp Việt hiện đại, xanh, bền vững, xứng đáng là một trong những trụ cột của ngành nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

TTC AgriS liên tục được vinh danh top doanh nghiệp hoạt động quản trị công ty tốt nhất
TTC AgriS (HOSE: SBT) vinh dự có mặt trong Top 50 doanh nghiệp tiên phong và cam kết nâng cao Quản trị công ty Việt Nam (VNCG50) tại Diễn đàn thường niên về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư