Thứ Ba, Ngày 06 tháng 05 năm 2025,
Ba đột phá chiến lược mở đường cho nông nghiệp và môi trường bứt phá
Linh Nguyễn - 06/05/2025 14:46
 
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành 3 trụ cột chiến lược, quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của ngành nông nghiệp và môi trường.

Huy động toàn lực để chuyển đổi số toàn diện

Ngày 10/5 tới, tại Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là Nghị quyết lần đầu tiên xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “ba đột phá quan trọng hàng đầu” trong phát triển quốc gia.

Hội nghị dự kiến có khoảng 450 - 500 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Đây được xem là sự kiện quan trọng nhằm kết nối nguồn lực, thúc đẩy thực thi chính sách và tạo đà chuyển đổi thực chất trong toàn ngành.

Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phần mềm quản lý Drone cũng như lắp ráp Drone lại xưởng Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu đang ngày càng tăng cao của nền nông nghiệp Việt.

Thông tin tại buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị sắp tới, ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết theo Quyết định 503/QĐ-BNNMT, với 7 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị, đảm bảo ít nhất 25% cán bộ lãnh đạo các đơn vị có chuyên môn về khoa học công nghệ hoặc chuyển đổi số; đồng thời đánh giá tiến độ chuyển đổi qua hệ thống chỉ số định kỳ.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, sửa đổi 17 luật chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cập nhật tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt đối với sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực mới.

Thứ ba, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng khoa học công nghệ và dữ liệu số, từ hệ thống thông tin đất đai (MPLIS), cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia, đến việc ứng dụng AI trong dự báo thời tiết và dịch bệnh, công nghệ blockchain và IoT trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, đổi mới phương thức thực hiện nhiệm vụ khoa học theo cơ chế đặt hàng, ưu tiên các công nghệ chiến lược như AI, sinh học, tự động hóa.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ trong các cơ quan thuộc Bộ, hướng tới 2030 đạt hơn 90% thủ tục hành chính trực tuyến, cá nhân hóa dịch vụ công, phát triển nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi số và cải tiến sản xuất. Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn ngành đã triển khai hơn 1.200 đề tài khoa học công nghệ, tạo ra hàng trăm giống mới, bằng sáng chế và các kết quả khoa học có giá trị ứng dụng cao.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế song phương và đa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tham gia sáng kiến toàn cầu về quản trị số và phát triển mạng lưới nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững.

Ông Long nhấn mạnh, Hội nghị lần này không chỉ là bước khởi động chiến lược mà còn là diễn đàn quan trọng định hình tư duy phát triển mới, huy động mọi nguồn lực để biến công nghệ thành sức mạnh thực sự của ngành nông nghiệp, môi trường.

Cần cơ chế để nhà khoa học thực sự làm chủ nghiên cứu 

Bàn về loạt tồn tại cần khắc phục để khoa học công nghệ thực sự phục vụ sản xuất, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến thẳng thắn nhìn nhận một trong những điểm nghẽn lớn là cơ chế pháp lý.

Theo đó, Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành chưa thực sự đặt nhà khoa học vào trung tâm của hệ thống. Đội ngũ chuyên gia đầu ngành ngày càng mỏng, trong khi chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhân tài, đặc biệt là lớp cán bộ trẻ.

Tiếp đến là quy trình xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ còn quá dài và rườm rà. Có nhiệm vụ mất tới 5 - 6 năm từ lúc đề xuất đến nghiệm thu, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất. Trong khi đó, mô hình nghiên cứu - triển khai - ứng dụng nhanh chóng như ở Israel cho phép các sáng chế được đưa vào thực tế ngay sau khi hoàn thành.

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến trao đổi tại buổi họp báo.

Thứ trưởng Tiến nêu ví dụ về việc sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi, trong đó doanh nghiệp tư nhân có thể chủ động triển khai và thương mại hóa thành công. Nếu giao cho viện hoặc trường đại học theo cơ chế cũ, gần như không thể ra sản phẩm.

Ông cũng chỉ ra nghịch lý trong phân bổ nguồn lực: nhiều địa phương không giải ngân hết mức tối thiểu 2% ngân sách cho khoa học công nghệ vì thiếu nhân lực đủ điều kiện, trong khi các đơn vị Trung ương dù có chuyên gia nhưng lại thiếu kinh phí. Sự thiếu đồng bộ này dẫn đến lãng phí lớn trên phạm vi toàn quốc.

Có thể dễ dàng nhận thấy, tư duy bao cấp vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ và cơ quan nghiên cứu, làm thui chột động lực đổi mới. Mặc dù chủ trương “3 tự chủ” (tổ chức, nhiệm vụ, tài chính) đã được đặt ra từ lâu, nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều rào cản.

“Hiện nay Bộ đang quản lý hơn 11.500 người làm khoa học, 16.400 ha đất nhưng năng suất sử dụng tài sản còn thấp. Thiết bị thừa mà nhân lực thiếu, nhà xưởng có nhưng không vận hành, hay thiếu kinh phí hoạt động… là những hình ảnh phản ánh sự bất hợp lý trong đầu tư công cho khoa học công nghệ”, Thứ trưởng cho hay.

Do đó, Thứ trưởng đề xuất cần giao quyền sử dụng, khai thác và ứng dụng kết quả nghiên cứu cho chính nhà khoa học hoặc tổ chức chủ trì. Đồng thời, nên xây dựng cơ chế tài chính linh hoạt, cho phép nhà khoa học vay vốn ưu đãi để thương mại hóa ý tưởng.

Ông cũng lưu ý việc phân bổ kinh phí cần tính đến chu kỳ sinh học đặc thù của từng đối tượng nghiên cứu. Ví dụ, cây lâm nghiệp cần tối thiểu 8 - 10 năm nghiên cứu, cây trồng nông nghiệp cũng cần 7 - 8 năm, trong khi khung thời gian hiện tại chỉ tối đa 5 năm là không thực tế.

Song song đó, tổ chức nhiệm vụ khoa học theo chuỗi khép kín, từ chọn giống, canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch đến tiêu thụ thay vì chia nhỏ thành từng đề tài đơn lẻ. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả ứng dụng, đồng thời phù hợp với xu hướng truy xuất nguồn gốc và chuyển đổi số toàn chuỗi sản xuất.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị nối lại các chương trình sản phẩm quốc gia như gạo, cà phê, tôm, cá tra, đây là những ngành hàng chủ lực nhưng đã bị tạm dừng trong nhiều năm qua. Các chương trình đặc biệt như DA15, NN08 cũng cần cơ chế riêng để triển khai hiệu quả, cùng với đó là tăng đầu tư cho các đề tài liên ngành, liên vùng để giải quyết các bài toán lớn từ thực tiễn sản xuất.

 

Nông nghiệp công nghệ cao cần thêm nguồn lực từ doanh nghiệp
Dù được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Chỉ 1 - 2% doanh nghiệp trong nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư