Thứ Ba, Ngày 06 tháng 05 năm 2025,
Tiếp tục miễn giảm thuế đất sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp
Hồng Vân - 06/05/2025 11:29
 
Chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp làm hụt thu 7.500 tỷ đồng/năm nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước và được đánh giá cần thiết để thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh ngành nông nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp mang lại nhiều tác động tích cực.

PV: Đâu là lý do Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030? Theo ông, chính sách này kỳ vọng mang lại tác động gì đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là bà con nông dân?

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế và chính trị của đất nước.

Đây cũng là những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và phát triển khu vực nông thôn.

Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện nhằm thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.

Theo quy định hiện hành, thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn đến hết ngày 31/12/2025, căn cứ theo các Nghị quyết 55/2010, 28/2016 và 107/2020.

Những nghị quyết này quy định hầu hết đất nông nghiệp được miễn thuế, đặc biệt là đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất nông nghiệp được giao nhưng không trực tiếp sản xuất mà cho tổ chức, cá nhân khác thuê lại để sản xuất thì không được miễn thuế.

Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng và Nhà nước, đồng thời thúc đẩy tích tụ đất đai theo các Nghị quyết 54/2019, 36/2018 và các Nghị quyết 18, 19, 20 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ sửa đổi chính sách thuế, phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Chính sách miễn thuế này còn mang lại nhiều kỳ vọng tích cực, như tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn; thúc đẩy phát triển nông thôn mới; đồng thời đảm bảo tuân thủ các cam kết và thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

PV: Theo theo tính toán ban đầu, việc tiếp tục miễn, giảm thuế đất nông nghiệp có thể sẽ làm hụt ngân sách nhà nước, mức hụt thu khoảng 7.500 tỷ đồng. Vậy, ông đánh giá thế nào về tác động của đề xuất này đối với ngân sách trung ương?

Qua đánh giá quá trình thực hiện chính sách này trong thời gian qua, số thu từ đất nông nghiệp rất nhỏ, chỉ khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm trong các năm 2022 và 2023. Số thu này chủ yếu dùng để bù đắp chi phí quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước tính đến tháng 5/2023.

Cần lưu ý rằng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không phải là chính sách mới mà đã được áp dụng từ lâu, do đó việc cho rằng chính sách này làm giảm thu ngân sách không hoàn toàn chính xác. Đề xuất kéo dài chính sách miễn, giảm thuế đến ngày 31/12/2030 dự kiến sẽ làm giảm khoảng 7.500 tỷ đồng thuế mỗi năm.

Qua đánh giá tại các địa phương, chính sách này không gặp vướng mắc lớn và được xem là phù hợp, cần thiết để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm trong 20 năm qua (biểu đồ trái) và tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp trên cả nước.

PV: Thực tế, một số địa phương có đất được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng bị bỏ hoang nhiều năm không sử dụng, gây lãng phí. Nên chăng cần rà soát lại đối tượng miễn thuế để chính sách được áp dụng một cách chính xác không?

Nghị quyết không mở rộng phạm vi hay đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất. Thực tế, vẫn tồn tại một số trường hợp đất bị bỏ hoang, nhưng số lượng này rất nhỏ. Về quản lý nhà nước về đất đai, hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý chung, đồng thời các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương cũng tham gia thực hiện.

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 81 Luật Đất đai năm 2024, đối với đất nông nghiệp như đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản, nếu không được sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng; đất trồng cây lâu năm không sử dụng liên tục trong 18 tháng; đất trồng rừng không sử dụng liên tục trong 24 tháng và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn ghi trong quyết định xử phạt thì sẽ bị thu hồi.

Ngoài ra, Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 quy định khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ không bồi thường cho phần đất bị thu hồi. Đây là biện pháp nhằm khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực tế, khái niệm đất bỏ hoang rất hiếm gặp và các trường hợp này không nhiều, đồng thời chưa có định nghĩa cụ thể về đất bỏ hoang trong pháp luật hiện hành.

Từ ngày 1/8/2024, các quy định này chính thức có hiệu lực, nhằm tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp và thúc đẩy sử dụng đất hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư