Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bà Trương Mỹ Lan trả lời vòng vo về vai trò, ảnh hưởng tại SCB
Việt Dũng - 12/03/2024 13:58
 
Trong quá trình trả lời các câu hỏi, bà Trương Mỹ Lan không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi mà trình bày vòng vo, chủ toạ phiên toà phải ngắt lời và nhắc nhở nhiều lần.

Ngày 12/3, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo liên quan đến vụ án xảy tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, cùng các tổ chức khác.

Để làm rõ vai trò, tầm ảnh hưởng, cũng như vị trí của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Luật sư Phan Trung Hoài đã thẩm vấn bà Lan cùng một số bị cáo là cựu lãnh đạo của Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, trong phần trả lời của mình, bà Lan nhiều lần bị chủ toạ phiên toà nhắc nhở vì trả lời không đúng nội dung câu hỏi.

Lý giải về quá trình khởi nghiệp và nguồn gốc tài sản của mình, bà Lan cho biết, mẹ của bị cáo vốn là tiểu thương ở chợ Bến Thành từ xưa. Do kinh doanh buôn bán từ lâu nên tích góp được nhiều tài sản. Năm 1992, gia đình bà thành lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, lúc này bà cũng gặp ông Chu Lập Cơ dẫn nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam đầu tư, rồi nên duyên.

ds
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại phiên toà ngày 12/3. (Ảnh: Việt Dũng)


“Vì sao bà biết đến Ngân hàng SCB cũ, thời điểm chưa hợp nhất từ 3 tổ chức tín dụng?”, luật sư Hoài hỏi.

Lúc này, bị cáo Lan không trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi mà bật khóc rồi đáp: “Nghĩ đến ngày đó tôi lại đau xót”.

Theo bị cáo Lan, thời điểm đó tình hình ở 3 ngân hàng hỗn loạn, Ngân hàng Nhà nước mời nhiều người bên ngoài vào giúp nhưng họ không dám vào. 

“Tính tôi là có bao nhiêu tiền nguyện giúp cho Việt Nam vì mang ơn. Nhà tôi không có ai làm ngân hàng, tôi không biết ngân hàng và không thích. Nhưng Ngân hàng Nhà nước nói tôi làm 3 việc: làm sao cổ phần trên 65% giúp ngân hàng mà không ảnh hưởng các ngân hàng khác, không ảnh hưởng tiền tệ quốc gia; cho mượn tài sản; kêu đối tác nước ngoài vào”, bà Lan nói.

Khi 3 ngân hàng họp vào tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước mời bị cáo tham gia các cuộc họp để cho mượn tài sản. Bà Lan đã cho mượn khách sạn Winsor được định giá 1 tỷ USD, đây là khách sạn 5 sao đầu tiên của Việt Nam, để cho SCB thực hiện tái cơ cấu.

“Lúc đó, tôi chỉ hiểu là tôi cho mượn tài sản, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, tôi có trách nhiệm không để cho SCB sụp đổ. Sau khi thế chấp Winsor cho ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, đã chết) giá 15.000 tỷ đồng, bị cáo nói mượn thêm tòa nhà Times Square, mượn tài sản gia đình bạn bè để đưa vào SCB. Với tư duy bất động sản tôi tin sẽ thành công. Tôi cho mượn nếu ngân hàng vực dậy không được tôi sẽ mất hết”, bị cáo Lan nói đã xác định tinh thần "mạo hiểm" khi đưa tài sản cho SCB.

Lý giải về số cổ phần tại Ngân hàng SCB, bà Lan cho hay, bản thân và con gái chỉ có 15%, số còn lại là của bạn bè và cổ đông nước ngoài.

Tại tòa, luật sư Hoài đã dẫn chứng lại lời khai của các bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên SCB. Bởi các bị cáo này khai rằng, dù không giữ chức vụ gì tại Ngân hàng SCB nhưng bà Lan có quyền lực, vai trò chỉ đạo… “chị có ý kiến gì không?”, luật sư Hoài hỏi.

Lý giải về nội dung này, bà Lan cho rằng, có thể mọi người không thấy ai xuất hiện ở Ngân hàng SCB ngoài bà nên bị ngộ nhận là chủ. Chứ thực chất bản thân bà không có thời gian cũng không có nghiệp vụ ngân hàng. 

“Tôi ngoài việc cho mượn tài sản, tìm nhà đầu tư, tôi không biết gì khác. Các công việc phân công tôi không biết... Tôi đã đưa hết tài sản vào SCB”, bà Lan nói và cho biết thêm, anh em làm việc tại Ngân hàng SCB rất tốt, họ rất khổ, tất cả đều nỗ lực hết mình vì Ngân hàng SCB, nhưng không hiểu sao mọi người không nói sự thật.

Bên cạnh đó, bị cáo Trương Mỹ Lan mong HĐXX xem xét kỹ vai trò của bị cáo trong vụ án, phủ nhận việc tạo lập 1.000 công ty “ma” cũng như hành vi liên hệ công ty thẩm định giá để nâng khống.

Bị cáo bày tỏ mong muốn được khắc phục thiệt hại trong vụ án, nếu có. Bà đề nghị HĐXX giúp chuyển 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho bà để đưa vào SCB. Bởi ngân hàng SCB hiện đang rất cần tiền để giải quyết kinh tế tài chính.

“Trước HĐXX, tôi hứa số cổ phần của tôi, bạn bè và con tôi, xin HĐXX tạo điều kiện, cơ chế như thế nào đó để tôi sẵn sàng ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước để thuận tiện trong việc điều hành”, bà Lan nói.

Cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB thất vọng với bà Trương Mỹ Lan, hy vọng bà Lan "sai thì nhận, không đổ lỗi"
Khi được yêu cầu đánh giá lời khai của bà Trương Mỹ Lan, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nghẹn ngào, bật khóc và hy vọng bà Lan sai thì nhận, không đổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư