Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bạc Liêu: 100 tỷ đồng nâng cấp dự án hạ tầng vùng muối ven biển
Huy Tự - 28/03/2023 14:12
 
Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT) vừa đầu tư 100 tỷ đồng triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng muối tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Theo đó, việc mở rộng các tuyến đường, các công trình thủy lợi tại vùng muối sẽ tạo cơ hội lớn cho diêm dân phát triển nghề, giảm chi phí sản xuất và thuận tiện chuyên chở hàng hóa sản phẩm hơn. Với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng, Dự án được kỳ vọng sẽ đảm bảo lưu thông cho phương tiện vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm của diêm dân và đảm bảo cấp thoát nước phục vụ sản xuất cũng như thuận lợi cho quản lý vận hành của vùng.

Hiện huyện Đông Hải đang hoàn tất hồ sơ thủ tục triển khai nâng cấp cải tạo 5 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Long Điền Đông và xã Điền Hải, với tổng chiều dài hơn 14 km. Song song đó, xây dựng đồng bộ các công trình trên tuyến.

Điểm tham quan cánh đồng Muối Bạc Liêu (Ảnh Phan Thanh Cường)

Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Sản lượng sản xuất hàng năm hơn 15.000 tấn. Đến nay, đã có 10 sản phẩm muối đã được công nhận sản phẩm OCOP, gồm 7 sản phẩm muối của Công ty cổ phần muối Bạc Liêu đạt 4 sao (muối tinh Bạc Liêu, muối tôm Bạc Liêu, muối chay Bạc Liêu, muối hạt Bạc Liêu, muối Iod Bạc Liêu, muối ớt Bạc Liêu, muối tiêu Bạc Liêu) và 3 sản phẩm muối của Công ty cổ phần muối Đông Hải đạt 3 sao (muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy Iod).

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề muối của diêm dân Bạc Liêu đang gặp nhiều khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu và mưa trái mùa xuất hiện ngày càng nhiều trong vụ mùa sản xuất muối, môi trường nước có nguy cơ ô nhiễm. Hơn nữa, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất truyền thống, một bộ phận thiếu vốn đầu tư cũng như thiếu các thông tin kỹ thuật mới.

Đặc biệt, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp bước đầu được triển khai nhưng còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm dẫn đến phát triển chưa bền vững nên hiệu quả kinh tế trung bình nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết, tuy nghề muối Bạc Liêu phải đối diện với những thách thức, khó khăn nhất định, nhưng chủ trương của tỉnh là phải giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều đó đã được thể hiện bằng việc, phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, tỉnh xây dựng và phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch địa phương và ổn định đời sống của người dân làm muối.

Quảng Bình chú trọng phát triển mô hình sản xuất muối sạch
Tỉnh Quảng Bình dự kiến dành hơn 20 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục phát triển sản xuất muối; định hướng sẽ quy hoạch 83 ha đất dành cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư