Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bạc Liêu chủ động thực hiện “nhiệm vụ kép”
Huy Tự - 22/06/2020 11:46
 
Tuy phải chịu những tác động tiêu cực của Covid-19, nhưng những tháng đầu năm 2020, tỉnh Bạc Liêu đã trở thành “điểm sáng” khi thu hút được 4.279,94 tỷ đồng và 4 tỷ USD vốn đầu tư.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (đứng giữa) trao đổi và lắng nghe ý kiến nhà đầu tư.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (đứng giữa) trao đổi và lắng nghe ý kiến nhà đầu tư.

Điểm đến của nhiều dự án năng lượng tái tạo, xanh và thân thiện môi trường

Nhìn chung, các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2019, đến thời điểm hiện tại đều đảm bảo tiến độ triển khai cũng như tiến tới hoàn thiện các thủ tục pháp lý như xin phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… để đảm bảo khởi công dự án đúng theo tiến độ đã đăng ký. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến một số doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu dự trữ, thị trường tiêu thụ giảm, khó khăn về lao động, ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án đầu tư cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong điều kiện nền kinh tế bị tác động và ảnh hưởng sâu sắc bởi COVID-19, nhưng với quyết tâm chính trị cao thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chỉ đạo “chưa cắt giảm các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra trong kế hoạch năm 2020” và để cụ thể hóa quyết tâm đó, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 141 dự án (trong đó 126 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 32.710,88 tỷ đồng; 15 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,491 tỷ USD), với 8 dự án năng lượng tái tạo, tổng vốn đầu tư 14.601,895 tỷ đồng và 4,401 tỷ USD.

Với định hướng thu hút đầu tư trong Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2020 của tỉnh, trong đó chú trọng mời gọi các dự án đầu tư theo hướng có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.

Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, Dự án đã được được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 10/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 và Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1025048984 ngày 16/1/2020. Nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng tư vấn với Viện Năng lượng (Bộ Công thương) để lập thủ tục đấu nối giữa nhà máy điện khí Bạc Liêu và lưới điện quốc gia vào ngày 19/3/2020, hiện nay đang lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi và Báo cáo Đánh giá tác động môi trường trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã đi vào hoạt động, với quy mô công suất  99,2 MW, gồm 62 trụ turbine, công suất mỗi trụ 1,6 MW, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Theo thiết kế, tổng sản lượng điện lũy kế phát lên lưới của Nhà máy dự kiến đạt trên 1,1 tỷ Kwh vào cuối năm 2020 và hiện dự án này đang tiếp tục đầu tư giai đoạn III (công suất 142 MW); Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (công suất 50 MW), với tổng mức đầu tư 2.497 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (công suất 50 MW), với tổng mức đầu tư hơn 2.803 tỷ đồng, đã khởi công thực hiện dự án; dự kiến đến cuối năm 2020 dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 2, với tổng mức đầu tư 2.497 tỷ đồng, sẽ khởi công triển khai. Cùng với các dự án kể trên, trên địa bàn tỉnh còn có 17 dự án điện gió khác, với tổng công suất gần 3.000 MW đang trình bổ sung quy hoạch đang biến Bạc Liêu trở thành “thủ phủ sản xuất điện gió của Việt Nam”.

Những năm qua, kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các tỉnh. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã giúp môi trường đầu tư của tỉnh Bạc Liêu ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, tinh gọn, minh bạch, công khai; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi có yêu cầu.

Với những nỗ lực ấy,thời gian gần đây, Bạc Liêu đã trở thành điểm sáng trong thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng hàng năm, đặc biệt, năm 2019 đạt 10,61% và đây là năm tỉnh hoàn thành toàn bộ 21/21 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2019 đạt 28.979,49 tỷ đồng, tăng 10,61% so năm 2018 (vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao 8,5 - 9%, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; xếp thứ 2 trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long); GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,09 triệu đồng/người/năm, tăng 16,9% so với năm 2018.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “nhiệm vụ kép”

Đó là chủ động thích nghi với trạng thái "bình thường mới", nhưng kiên quyết không chủ quan, lơ là đối với các biện pháp phòng bệnh đã được ngành y tế khuyến cáo. Bạc Liêu sẽ tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gắn với dồn lực thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống COVID-19, nhằm chủ động đón dòng vốn dịch chuyển sau dịch với nhiều giải pháp hữu hiệu.

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và những giải pháp, đề xuất về bộ, ngành hữu quan nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý, mặt bằng để doanh nghiệp triển khai đúng tiến độ an tâm đầu tư lâu dài, Bạc Liêu sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị được thể hiện qua những việc làm, chương trình, kế hoạch cụ thể, theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại công tác cải cách hành chính, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn. Xây dựng các kênh đối thoại trực tiếp doanh nghiệp theo mô hình “cà phê doanh nhân” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của doanh nghiệp để có hướng khắc phục kịp thời và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phương châm “đúng đối tượng, phù hợp chính sách, nhanh thủ tục” với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là đưa các chính sách ưu đãi cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư, những khó khăn của nhà đầu tư cũng chính là khó khăn của địa phương, tỉnh ban hành nhiều giải pháp đồng bộ giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, thủ tục rườm rà, chồng chéo gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Bạc Liêu cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thuận lợi nhất, đồng hành phát triển lâu dài với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cùng hợp tác, cùng tạo ra những bước phát triển mới.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút mời gọi đầu tư trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm:

Trước mắt, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư (quy hoạch, xây dựng, đất đai…). Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, nhất là đẩy nhanh việc lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bạc Liêu, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trong việc liên hệ giải quyết thủ tục hành chính để tăng tính liên thông và minh bạch. Tiếp tục cập nhật, sửa đổi các quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng tại tỉnh cho phù hợp các quy định mới của Chính phủ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay làm tiền đề cho nhiệm kỳ tới, vượt qua những khó khăn do COVID-19 gây ra, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập 2 ban và 1 tổ chỉ đạo để có ngay các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất - kinh doanh và Tổ công tác xử lý khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án năng lượng tái tạo và điện cao thế, trung thế do ông Lê Minh Chiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban và tổ trưởng. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh với “3 mũi tiến công” là thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án động lực.
Bạc Liêu tăng tốc thu hút đầu tư
Với việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tỉnh Bạc Liêu đã trở thành một “điểm sáng” của vùng Đồng bằng sông Cửu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư