Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bài toán giải cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 5: Thông điệp và hành động
Liên Hằng - 06/12/2022 08:18
 
“Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại nhiều lần ý này với các thành viên Chính phủ. Thông điệp đã rõ, mối quan tâm của thị trường lúc này là hiệu lực và tốc độ thực thi.

Từ quả bom trái phiếu doanh nghiệp, hiệu ứng tuyết lở đã lan từ thị trường bất động sản sang nhiều lĩnh vực khác. Cả ba trụ cột vốn bị tắc nghẽn, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khô máu”. Việc cứu dòng tiền của nền kinh tế trước khi tình hình trở nên quá muộn đã trở nên cấp bách.

Khát vốn đang là tình trạng chung của doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Deli Việt Nam. Ảnh: Đ.T


Kỳ 5: Thông điệp và hành động

“Chúng ta theo kinh tế thị trường thì tuân thủ quy luật cung - cầu, cạnh tranh, nhưng khi tình hình không bình thường thì phải phân tích nguyên nhân và có công cụ can thiệp kịp thời, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước không được bỏ mặc, mà trách nhiệm càng phải cao, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng, cơ quan nhà nước không có ý kiến gì hoặc bỏ mặc", Thủ tướng nói với các thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, diễn ra trong ngày đầu tiên của tháng 12/2022.

Cụ thể, Thủ tướng đã nhắc tới yêu cầu tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm  thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Cùng với đó, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh việc nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Các nhiệm vụ cụ thể cũng được Thủ tướng phân giao cho các bộ, ngành, địa phương ngay trong cuộc họp này.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải theo dõi sát tình hình để tham mưu về kinh tế vĩ mô và giải ngân đầu tư công…

Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá chính xác tình hình để có mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng việc tăng tín dụng vào đâu, đưa tín dụng vào lĩnh vực, doanh nghiệp nào, tập trung tín dụng vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; sửa đổi nhanh các thông tư liên quan đến nguồn vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn; kêu gọi các ngân hàng thương mại vào cuộc tích cực theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; thúc đẩy chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Bộ Tài chính chủ trì xử lý các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, khẩn trương rà soát, sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp, cùng các cơ quan sửa đổi các thông tư liên quan.

Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, sửa đổi các nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội.

Bộ Công thương khắc phục triệt để vấn đề xăng dầu; thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất, không để thiếu lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp các bộ, ngành, đề xuất Chính phủ các giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thúc đẩy sử dụng 4 triệu tỷ đồng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả, đúng pháp luật.

Thanh tra Chính phủ khẩn trương kết luận các cuộc thanh tra; tổ chức thanh tra đối với các vấn đề mới nổi lên…

Thời gian còn lại của năm 2022 không nhiều, thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đã rõ, giờ là lúc cùng hành động, cả Chính phủ, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp.

Sẽ sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 12/2022.              - Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ tài chính
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Sẽ sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 12/2022.

- Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất khó khăn, niềm tin giảm sút. Chúng tôi đã đưa ra một số nhóm giải pháp.

Thứ nhất, về khung khổ pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, do tình hình thị trường thay đổi, diễn biến cực kỳ nhanh trong những tháng vừa qua, từ sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP ra đời, nên để thích ứng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ là phải rà soát ngay, kể cả Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nếu cần thì phải sửa đổi, bổ sung.

Bộ Tài chính đang khẩn trương, quyết tâm trình Chính phủ vấn đề pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 12/2022 để góp phần đưa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sớm quay lại, giúp thị trường phát triển ổn định.

Thứ hai, về doanh nghiệp, ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm việc và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán có thị phần lớn. Các luồng ý kiến của doanh nghiệp tập trung vào 3 vấn đề: khôi phục niềm tin thị trường; tháo gỡ khó khăn thanh khoản, tín dụng cho doanh nghiệp; hoàn thiện khung pháp lý.

Về pháp lý, Bộ Tài chính đang tập trung triển khai.

Bộ vừa có công văn yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải ưu tiên nguồn lực thực hiện đúng cam kết, trường hợp có khó khăn phải thỏa thuận với nhà đầu tư; chủ động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Bộ khuyến nghị doanh nghiệp thuê các công ty kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm để định giá doanh nghiệp, để nhà đầu tư biết sức khỏe doanh nghiệp.

.
 Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng.

Với doanh nghiệp ‘không thể cứu được’ thì cần để cho phá sản theo đúng nguyên tắc thị trường. 

- Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng

Vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay là thanh khoản, bởi các doanh nghiệp đều rơi vào tình  trạng thiếu vốn.

Theo tôi, lạm phát năm nay không quá cao. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ kinh tế hồi phục. Đồng thời, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công.

Dù vậy, mấu chốt của vấn đề thanh khoản vẫn phải là thị trường trái phiếu. Khủng hoảng trên thị trường trái phiếu đang lan rộng sang các thị trường khác như thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản. Do các thị trường này liên thông với nhau, nên cần có sự phối hợp của các bộ để xử lý.

Trước hết, cần phân loại từng nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trong đó, doanh nghiệp nào tự xử lý được để cân đối dòng tiền trả nợ trái phiếu thì phải tự lo.

Với nhóm gặp vướng mắc trong chuyển nhượng dự án hoặc vướng mắc về pháp lý để hoàn thiện dự án, thì Chính phủ cần nhanh chóng gỡ pháp lý cho họ.

Với nhóm có dấu hiệu “không thể cứu được”, thì cần để cho phá sản theo đúng nguyên tắc thị trường dựa trên Luật Phá sản. Đương nhiên, sẽ có những trái chủ phải trả giá đắt vì mua trái phiếu của doanh nghiệp yếu kém, song đây là điều cần thiết để thị trường phát triển lành mạnh.

.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt.

Doanh nghiệp chứng tỏ được năng lực sẽ tiếp cận được nguồn vốn.

- Ông Bùi Quang Anh Vũ, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt

Căn cứ theo báo cáo tài chính quý III/2022, ước tính đến hiện tại, tổng nợ vay của Phát Đạt giảm từ mức 5.265 tỷ đồng xuống khoảng 4.700 tỷ đồng; dư nợ trái phiếu giảm xuống còn 2.500 tỷ đồng. Công ty đã chuẩn bị kế hoạch và lộ trình để thanh toán đúng hạn các khoản vay, cũng như đảm bảo quyền lợi của các trái chủ.

Hiện nay, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều bị ách tắc, dẫn tới khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tôi kỳ vọng, các cơ chế sẽ được khơi thông, thị trường sẽ phát triển minh bạch, bền vững. Đặc biệt, các doanh nghiệp chứng tỏ được năng lực sẽ tiếp cận được nguồn vốn để phát triển dự án.

Bên cạnh đó, các thủ tục phê duyệt, cấp phép dự án cũng cần được đẩy nhanh để doanh nghiệp chủ động kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường để có dòng tiền phát triển.

.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin.

Doanh nghiệp cần có cơ chế điều hành rõ ràng, minh bạch.

- Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin

Tình trạng cắt giảm lao động trong các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 6/2022 và đến nay chưa dừng lại.

Không doanh nghiệp nào trong ngành vật liệu xây dựng có thể dự đoán được bao giờ tình hình này dừng lại.

Nếu lúc này, Nhà nước đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án xây dựng đường cao tốc, tàu cảng, sân bay với tiến độ nhanh chóng, thì không chỉ doanh nghiệp xây dựng, mà doanh nghiệp vật liệu xây dựng, logistics… cũng hưởng lợi.

Giờ là lúc doanh nghiệp cần có cơ chế điều hành rõ ràng, minh bạch, phù hợp với thị trường, lấy lại niềm tin, để động lực thị trường được khơi thông. Nếu người dân không tin doanh nghiệp, không tin ngân hàng, không dám đầu tư, chi tiêu, không dám gửi tiền vào ngân hàng, thì doanh nghiệp không thể tồn tại.

Bài toán cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 2: Thị trường bấu víu từng tia sáng le lói
Đáy ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lộ diện khi áp lực bán giải chấp được giải tỏa, nhưng sâu xa và dài hơi hơn, doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư