Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Bài toán cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 4: Giờ là lúc tiền phải ra, chấm dứt nỗi sợ hãi
Khánh An - 03/12/2022 08:18
 
Bài toán ngắn hạn là thông dòng tiền cần được giải ngay, nhằm chấm dứt áp lực đè nặng trên vai doanh nghiệp, ngân hàng và cả tâm lý thị trường.

Từ quả bom trái phiếu doanh nghiệp, hiệu ứng tuyết lở đã lan từ thị trường bất động sản sang nhiều lĩnh vực khác. Cả ba trụ cột vốn bị tắc nghẽn, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khô máu”. Việc cứu dòng tiền của nền kinh tế trước khi tình hình trở nên quá muộn đã trở nên cấp bách.

Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là khó tiếp cận vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh

Kỳ 4: Giờ là lúc tiền phải ra, chấm dứt nỗi sợ hãi

Bài toán ngắn hạn là thông dòng tiền cần được giải ngay, nhằm chấm dứt áp lực đè nặng trên vai doanh nghiệp, ngân hàng và cả tâm lý thị trường.

Phải để tiền ra khỏi kho

“Không có cách nào khác, giờ là lúc phải đưa được tiền đến doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) quả quyết trước tình trạng dòng tiền... mất hút, trong khi khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục tăng.

Vấn đề mà ông Cung lo ngại không dừng ở những khó khăn của thị trường vốn hay những khúc mắc riêng rẽ của ngành nghề, lĩnh vực nào.

“Đáng tiếc là, sự phục hồi kinh tế trong năm 2022 chỉ là hiện tượng nhất thời, chứ chưa phải là xu hướng, nên khó có thể kéo dài trong năm 2023 hay 2024 như kỳ vọng. Chúng ta cần có những đánh giá bình tĩnh, phù hợp với diễn biến thực tế, ở cả khu vực tài chính và khu vực kinh tế thực, để có những chính sách phù hợp”, ông Cung lý giải khi đánh giá các yếu tố tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ở cả trong nước và thế giới.

Bất lợi đầu tiên là kinh tế thế giới đi xuống do các yếu tố địa chính trị diễn biến bất lợi khiến tổng cầu suy giảm, tác động trực tiếp tới nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thứ hai, giá năng lượng, đặc biệt là xăng dầu, vẫn được dự báo ở mức cao khi xung đột Nga - Ukraine chưa thấy lối ra. Trong bối cảnh này, các quốc gia trên thế giới đều phát đi thông điệp tiếp tục thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát, đồng nghĩa với việc lãi suất bên ngoài sẽ còn tăng.

Những yếu tố bên ngoài sẽ đẩy chi phí vào trong nước như 2 - 3 năm trước, nhưng tác động tiêu cực mạnh hơn. Hiện trạng thiếu đơn hàng cuối năm và đầu năm tới trong ngành dệt may, da giày, gỗ…, như các hiệp hội doanh nghiệp đã nhắc đến, rất có thể chưa dừng lại.

Trong khi đó, tiêu dùng trong nước vốn đang là bệ đỡ cho tăng trưởng năm nay đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh do những đứt gãy trên thị trường tài chính, thị trường bất động sản, khiến các kế hoạch “trở lại thị trường trong nước” như thời Covid-19 của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Nghĩa là, cầu giảm trong khi chi phí sản xuất tăng lên do chi phí nhập khẩu tăng cao, giá USD tăng, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp. Vấn đề là lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp trong nước rất nhỏ và mới khôi phục được vài tháng. Trong báo cáo của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, khả năng thu hẹp quy mô sản xuất đang được tính tới do các kênh huy động vốn đều tắc dù nhu cầu cơ cấu lại sản xuất, đầu tư mới hiện hữu.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khi thị trường vốn đang ở thế quá “xa xỉ” để trông đợi, nên ông Cung cho rằng, dòng tiền lúc này chỉ có thể trông vào tín dụng ngân hàng và giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ nhất, bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ, thủ tục các dự án đầu tư công, vốn từ kho bạc phải được giải ngân cho nhà thầu trong vòng 24 tiếng với các khối lượng công việc đã hoàn thành, đủ thủ tục. Giải pháp này sẽ giải tỏa được một lượng vốn lớn đang ứ đọng trong kho bạc. Quan trọng là thực hiện được ngay, không cần thay đổi quy định gì ngoài cách thức làm việc, nhưng sẽ giảm ngay áp lực về thanh khoản cho nhà thầu và cả dòng tiền trên thị trường tiền tệ.

“Tình trạng nợ thanh toán cho nhà thầu dẫn đến hệ lụy là  nhà thầu nợ lẫn nhau. Nhưng các nhà thầu lại là khách hàng của ngân hàng, nên vòng tròn nợ nần đẩy áp lực lên ngân hàng. Thúc giải ngân nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng đang ứ đọng sẽ xoay chuyển ngay tình thế này”, ông Cung lý giải.

Thứ hai, trần room tín dụng phải nới thêm. “Không có cách nào khác”, ông Cung nhấn mạnh.

Doanh nghiệp không vô can

Cơ sở của đề xuất nới room tín dụng của ông Cung dựa trên cả khả năng kiểm soát Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế, nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu từ phía các ngân hàng.

“Theo công bố, CPI 11 tháng tăng 3,02% so với cùng kỳ năm ngoái, dư địa để linh hoạt chính sách tiền tệ là có. Quan điểm của tôi là trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, mục tiêu CPI của Việt Nam có thể nới lên 5-5,5% trong năm tới”, ông Cung phân tích.

Nhưng trong đề xuất trên, ông Cung nhấn mạnh, doanh nghiệp, gồm cả ngân hàng, nắm một phần lớn lời giải. Việc nới trần tín dụng sẽ tạo dư địa cho các ngân hàng xoay sở, ở cả góc độ tìm nguồn tiền và tìm kiếm khách hàng phù hợp.

“Đừng lo ngân hàng thiếu tiền. Ngân hàng có nghiệp vụ để nuôi dưỡng khách hàng - nguồn thu của ngân hàng”, ông Cung chia sẻ quan điểm. Nhưng điều này cũng có nghĩa, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài trách nhiệm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đang rất eo hẹp.

Khi chia sẻ về tình trạng “khô hạn” vốn trong sản xuất, kinh doanh lúc này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam buộc phải nhắc đến phần lỗi từ doanh nghiệp.

“Mức tăng tín dụng 14% của năm 2022 không phải thấp, thậm chí còn cao hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh, nhiều doanh nghiệp huy động tới cả hàng trăm ngàn tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng từ trái phiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp huy động sử dụng vốn không hiệu quả, dẫn đến khó khăn thanh khoản, đưa doanh nghiệp vào thế khó”, ông Bình chia sẻ quan điểm.

Khi nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn không hiệu quả, nền kinh tế bị đẩy vào khó khăn. Vì vậy, cho dù giải pháp nới trần tín dụng được thực hiện, ông Bình nhấn mạnh, yêu cầu tiên quyết đi kèm phải là kiểm soát việc cho vay để tiền đến được khu vực sản xuất, tăng giá trị gia tăng, chứ không chỉ đưa tiền đến với một số doanh nghiệp nào đó.

“Việc khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu cũng vậy, không có nghĩa là dễ dãi, mà phải tuân thủ quy luật của thị trường. Các doanh nghiệp sẽ phải thẳng thắn với chính mình”, ông Bình nói.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ gọi yêu cầu này là sự công tâm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải phân loại rõ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thành các nhóm phát hành đúng quy định, có khả năng chi trả; phát hành đúng quy định hiện hành, nhưng do bối cảnh kinh tế thay đổi, mất tính thanh khoản; phát hành sai quy định.

“Khó khăn đến đâu, cần hỗ trợ gì, doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại, lên phương án xử lý với các thông tin minh bạch, thẳng thắn để đặt lên bàn, cùng với Chính phủ hành động, chứ đừng đợi và cũng đừng gây áp lực cho Nhà nước, vì Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, ngay cả quyết định phong tỏa tài sản các doanh nghiệp vi phạm để điều tra hay phương án hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh khoản. Sai phạm từ doanh nghiệp thì sửa sai cũng phải bắt đầu từ doanh nghiệp”, ông Kiên bày tỏ quan điểm.

Điều đáng nói là, nếu các lời giải trên được thực hiện, thì nhiều doanh nghiệp sẽ bước vào thời điểm vàng để thay máu, thay đổi tư duy quản trị doanh nghiệp, chấp nhận sự giám sát của xã hội, của thị trường, của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đương nhiên, sẽ có những ông chủ trắng tay, trở thành người làm thuê hay bắt đầu khởi nghiệp dự án mới.

Điều quan trọng là bước tiếp sau của giai đoạn này sẽ có sự xuất hiện của thế hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ, tham gia thị trường gồm những doanh nghiệp lành mạnh, chuyên nghiệp…

Chấm dứt nỗi sợ hãi

Tất nhiên, doanh nghiệp sẽ cần cơ chế để thực hiện tái cơ cấu, cơ chế để cả những người vấp ngã vẫn đứng dậy, vươn lên được.

“Đây là trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò thiết kế luật chơi, trọng tài bảo vệ lợi ích chung của nền kinh tế”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Cung chia sẻ quan điểm này khi nói đến môi trường kinh doanh mà ông cho là chưa có nhiều cải thiện.

Lúc này, ngoài giải pháp hỗ trợ thanh khoản, rất cần những thông điệp và hành động nhất quán trong không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự theo hướng tách biệt rõ ràng về pháp lý cổ đông, người quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp liên quan.

- Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

“Khi làm việc với doanh nghiệp, họ nói quy định và thực thi pháp luật có chiều hướng giảm dần mức độ thuận lợi, tăng mức độ khó khăn, phiền hà, khó tuân thủ cho doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận sử dụng đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, chế độ thuế phí trở nên hà khắc hơn với doanh nghiệp. Có hiện tượng hồi tố pháp luật, áp dụng quy định giai đoạn hiện nay cho 10 năm trước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người đầu tư”, ông Cung kể.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, song theo ông Cung, một trong những lý do sâu xa là tâm lý sợ làm sai quy định, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro; sợ thanh tra, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm hình sự; sợ mất cả sự nghiệp và liên lụy khác… của cả công chức nhà nước và người kinh doanh, khiến nhiều giải pháp được đưa ra kịp thời, nhưng lại rơi vào trạng thái đóng băng…

Như vậy, ngay cả lời giải cho bài toán ngắn hạn là thông dòng tiền cũng cần bắt đầu từ khôi phục lại niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, của doanh nghiệp.

Lúc này, ngoài giải pháp hỗ trợ thanh khoản, ông Cung cho rằng, rất cần những thông điệp và hành động nhất quán trong không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự theo hướng tách biệt rõ ràng về pháp lý cổ đông, người quản lý bị truy cứu hình sự với doanh nghiệp liên quan, đảm bảo các doanh nghiệp có cổ đông, người quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp tục hoạt động bình thường, không gây hại đến lợi ích của các bên có liên quan.

Các doanh nghiệp cũng chờ đợi thông điệp quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường…

Khi đó, ám ảnh hiệu ứng tuyết lở sẽ dần được hóa giải.

(Còn tiếp)

Bài toán cứu doanh nghiệp và nỗi ám ảnh hiệu ứng tuyết lở - Kỳ 1: Doanh nghiệp suy kiệt nguồn vốn
Không chỉ nhóm doanh nghiệp bất động sản, cuộc khủng hoảng thiếu vốn đã lan rộng ra nhiều ngành kinh tế khác. Hàng loạt nhà máy đóng cửa,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư