Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Báo động đỏ với Dự án Cảng hàng không Phan Thiết
Anh Minh - 30/09/2022 08:11
 
Nếu không có những giải trình đủ sức nặng, Công ty cổ phần Rạng Đông có nguy cơ “văng” khỏi Dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.
Thi công khu bay Cảng hàng không Phan Thiết. 

Làm rõ lý do chậm tiến độ

Áp lực giải trình đang đè nặng lên UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, nếu chiểu theo Thông báo số 298/TB-VPCP ngày 24/9/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về quy hoạch, huy động vốn đầu tư một số cảng hàng không.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương giải trình ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng. Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết phải rà soát năng lực của nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông.

“Trong trường hợp cần thiết, xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế, khởi công Dự án vào đầu năm 2023 để bảo đảm hoàn thành đồng bộ với hạng mục đường cất hạ cánh của Cảng hàng không do Bộ Quốc phòng thực hiện”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Cần phải nói thêm, việc giải trình ý kiến Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT của UBND tỉnh Bình Thuận đang gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là từ phía Bộ Tài chính - một trong những thành viên quan trọng của Hội đồng.

Trong Công văn số 9601/BTC-ĐT dài tới 6 trang gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng, Bộ Tài chính cho biết, vào cuối tháng 7/2022, đã có văn bản tham gia ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Về cơ bản, các ý kiến tham gia của Bộ Tài chính đã được UBND tỉnh Bình Thuận giải trình, nhưng vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được làm rõ trước khi các thành viên Hội đồng có thể bỏ phiếu thông qua.

Tại Công văn số 9601, Bộ Tài chính cho biết, Dự án được cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng triển khai thực hiện từ thời điểm năm 2014 (đến nay khoảng 8 năm). Vì vậy, Bộ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ quy định của pháp luật và hợp đồng dự án đã ký kết, rà soát làm rõ các nguyên nhân chậm triển khai thực hiện Dự án để xác định trách nhiệm các bên, trên cơ sở đó chịu trách nhiệm rà soát đảm bảo các nội dung đề xuất điều chỉnh có tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.

“Trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật, thực hiện giám sát việc triển khai Dự án của nhà đầu tư theo tiến độ được phê duyệt, tránh việc phải điều chỉnh tiến độ làm giảm hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án”, ông Tạ Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Một điểm cấn cá khác được Bộ Tài chính yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận làm rõ liên quan đến tổng mức đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT. Cụ thể, tại bản thuyết minh điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất điều chỉnh được đầu tư thêm giai đoạn II (đầu tư mở rộng nâng công suất phục vụ của nhà ga hành khách vào năm 2050, đảm bảo khai thác đến hết vòng đời dự án).

Bộ Tài chính cho rằng, với việc đầu tư thêm giai đoạn II, tổng mức đầu tư Dự án đã điều chỉnh tăng từ 3.832,6 tỷ đồng lên 4.812,7 tỷ đồng (giai đoạn I là 3.807,2 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng so với hồ sơ trình thẩm định trước đây; giai đoạn II là 1.005,5 tỷ đồng), nhưng hồ sơ Dự án không rõ các nội dung đầu tư cụ thể của giai đoạn II.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, cũng như chịu trách nhiệm về việc tính toán tổng mức đầu tư, dự toán.

Do tổng mức đầu tư liên quan trực tiếp đến thời hạn hợp đồng BOT, nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến đề nghị nhà đầu tư làm rõ các nội dung đầu tư trong giai đoạn II của Dự án; rà soát, thuyết minh rõ về căn cứ, cơ sở tính toán các nội dung chi phí trong khái toán tổng mức đầu tư Dự án phù hợp với quy định; đồng thời đề nghị tổng hợp ý kiến Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng về tính hợp lý của tổng mức đầu tư đề xuất.

Lo ngại năng lực tài chính

Trước đó, giữa tháng 8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông báo số 44/TB-BKHĐT về kết luận của Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT. Có tới 10 nhóm vấn đề mà UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phải khẩn trương rà soát, giải trình, nhưng phương án tài chính và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư được lựa chọn - Công ty cổ phần Rạng Đông vẫn là những điểm e ngại nhất.

Tại Công văn số 9601, Bộ Tài chính một lần nữa đưa ra một số câu hỏi liên quan đến năng lực tài chính, khả năng huy động vốn tín dụng phục vụ Dự án của Công ty cổ phần Rạng Đông. Theo Bộ Tài chính, căn cứ nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, tổng mức đầu tư Dự án sau điều chỉnh (gồm cả lãi vay) là 4.812,7 tỷ đồng (giai đoạn I là 3.807,2 tỷ đồng, giai đoạn II là 1.005,5 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đã được điều chỉnh tăng lên là 1.180 tỷ đồng (chiếm 24,6% tổng mức đầu tư, không bao gồm vốn nhà nước) trong đó giai đoạn I là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn II là 180 tỷ đồng.

Ngày 14/2/2022, HĐQT Công ty cổ phần Rạng Đông đã thông qua nội dung điều chỉnh và phương án huy động vốn thực hiện Dự án tại Quyết định số 81- QĐ/HĐQT-RĐ.

Tại thời điểm ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần Rạng Đông là 4.692,032 tỷ đồng, lớn hơn vốn chủ sở hữu Công ty dự kiến góp để thực hiện Dự án, song vốn lưu động ròng thể hiện khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn là 530,436 tỷ đồng lại nhỏ hơn số vốn Công ty cam kết góp.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo thuyết minh làm rõ vốn chủ sở hữu của Dự án ngày 15/2/2022, Công ty dự kiến phương án kế hoạch huy động vốn chủ sở hữu: vốn lưu động (vốn tự có) năm 2022 là 865 tỷ đồng, năm 2023 là 858 tỷ đồng; phân bổ vốn tự có cho Dự án Cảng hàng không Phan Thiết các năm 2020-2021 là 19 tỷ đồng, năm 2022 là 285 tỷ đồng, năm 2023 là 1.662 tỷ đồng, năm 2024 là 1.288 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh, Công ty còn khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên tới 1.784,869 tỷ đồng, song chưa thuyết minh rõ khoản mục chi phí này có bao gồm các dự án phải đảm bảo tiếp tục huy động nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật để thực hiện hay không. Đồng thời, vốn lưu động ròng tại thời điểm ngày 31/3/2022 của Công ty thấp hơn vốn chủ sở hữu Công ty cam kết góp để thực hiện cả 2 giai đoạn (1.180 tỷ đồng) của Dự án.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn (trong đó có vốn chủ sở hữu) của nhà đầu tư theo đúng phương án tài chính cam kết, bảo đảm việc triển khai thực hiện Dự án theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Công ty cổ phần Rạng Đông chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu báo cáo tài chính năm 2021, quý I/2022, việc tăng, góp vốn chủ sở hữu trong năm 2021 và việc huy động sử dụng vốn để triển khai Dự án theo đúng quy định về chuẩn mực, hạch toán kế toán và các quy định của pháp luật có liên quan”, Công văn số 9601 của Bộ Tài chính nêu rõ.

Trước đó, trong quá trình góp ý hồ sơ điều chỉnh Dự án, Ngân hàng Nhà nước, trong vai trò là thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành, đưa ra cảnh báo liên quan đến phương án tài chính của Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian hoàn vốn của Dự án lên tới 44 năm là rất dài, nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư tư nhân chưa có kinh nghiệm quản lý, khai thác; các yếu tố liên quan đến doanh thu/chi phí khai thác trong thời gian dài là rất khó dự báo, dẫn đến rủi ro cho các bên liên quan.

Trên thực tế, nhiều dự án BOT giao thông được triển khai trong thời gian qua có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Đó là chưa kể đến việc hồ sơ Dự án chỉ tính toán lãi suất vay vốn là 9,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất của các dự án BOT giao thông (trên 10%) và thấp hơn chính mức lãi suất trong hợp đồng BOT (10,1%/năm) mà nhà đầu tư đã ký với UBND tỉnh Bình Thuận.

Chia sẻ lo ngại này, Bộ Tài chính cho rằng, Dự án sau điều chỉnh có giá trị hiện tại ròng NPV là 33,489 tỷ đồng, tỷ suất hoàn vốn nội bộ IRR là 9,976%, tỷ số lợi ích chi phí tài chính BCR là 1,01, thời gian thu hồi vốn là 44 năm. Tuy nhiên, các chỉ tiêu tài chính được tính toán trong phương án tài chính trên cơ sở các số liệu (tổng mức đầu tư, vốn chủ sở hữu, vốn vay...) cho giai đoạn I.

“Vì vậy, trên cơ sở rà soát lại các nội dung chi phí trong khái toán tổng mức đầu tư theo quy định, dự tính các khoản thu, chi của Dự án, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục tính toán lại các chỉ tiêu tài chính của Dự án”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.

 

Dự án BOT cảng hàng không Phan Thiết sẽ tăng tổng mức đầu tư

Cảng hàng không Phan Thiết nằm tại xã Thiện Nghiệp, phía Đông Bắc TP. Phan Thiết, cách trung tâm Thành phố khoảng 19 km và cách khu du lịch Hàm Tiến, Mũi Né chỉ khoảng 8 km. Vị trí Cảng rất thuận lợi trong việc tiếp cận các trục giao thông chính của tỉnh, cũng như tuyến Quốc lộ 1.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng là cơ quan có thẩm quyền đầu tư xây dựng sân bay (khu bay); UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan có thẩm quyền của Dự án đầu tư khu hàng không dân dụng. Cùng thời gian này, UBND tỉnh Bình Thuận đã lựa chọn nhà đầu tư BOT là Công ty cổ phần Rạng Đông thực hiện Dự án.

Năm 2018, theo đề nghị của địa phương và Bộ Quốc phòng, được sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết từ cấp 4D lên 4E (kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 lên 3.050 m, tăng công suất từ 1 lên 2 triệu hành khách/năm).

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư và đang xây dựng khu bay. UBND tỉnh Bình Thuận đang giải trình và hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Báo cáo của Hội đồng Thẩm định.

Sau khi được Hội đồng Thẩm định thông qua, Thủ tướng sẽ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án và điều chỉnh Hợp đồng BOT với nhà đầu tư để thực hiện. Với thay đổi này, Dự án BOT cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng sẽ tăng tổng mức đầu tư mới là 3.807 tỷ đồng (tăng 2.144 tỷ đồng).

 

Dấu hỏi tại Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết
Năng lực nhà đầu tư, thời gian thu hồi vốn và điều kiện chuyển tiếp là những yếu tố cần UBND tỉnh Bình Thuận làm rõ để có thể tái khởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư