Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Báo động tình trạng 68% "khách nhậu" tự điều khiển phương tiện sau khi tan tiệc
Anh Minh - 27/07/2019 07:16
 
Hàng loạt số liệu rất bất ngờ và đáng quan ngại về nhận thức của người điều khiển phương tiện giao thông Việt Nam đối với việc sử dụng đồ uống có cồn vừa được công bố ngày 26/7.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (2016) thì gần 40% các vụ TNGT xẩy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.

Đây là kết quả của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trưởng ban KHCN Hội An toàn giao thông Việt Nam - Giám đốc Trung tâm GTVT trường Đại học Việt Đức đứng đầu tiến hành với sự hỗ trợ của APIWSA và VARD.

Hội thảo nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn tới mức độ an toàn của người điều khiển xe máy trong điều kiện Việt Nam, góp phần hỗ trợ cho quá trình xây dựng các chính sách nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam.

Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (2012), bà Lê Minh Châu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội An toàn giao thông Việt Nam cho biết, hiện ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (2016) thì gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia. Mặc dù công tác tuần tra xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống về nhà đã và đang được tăng cường thực hiện, tình trạng uống rượu bia và lái xe (URB-LX) vẫn phổ biến, khiến tình hình tai nạn giao thông do hành vi này gây ra còn diễn biến phức tạp.

“Thực tiễn này đòi hỏi phải thực hiện một nghiên cứu toàn diện về hành vi này để làm cơ sở khoa học xây dựng các giải pháp, chính sách hiệu quả”, bà Châu cho biết.

Được biết, nghiên cứu do Hội An toàn giao thông Việt Nam chủ trì có 3 mục tiêu chính là xác định mối tương quan giữa thói quen uống bia rượu và tai nạn giao thông trong quá khứ; xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu (BAC) và xác suất xảy ra tai nạn giao thông đối với người điều khiển mô tô, xe máy; đề xuất các giải pháp có tính mới để cắt giảm tai nạn giao thông do URB-LX gây ra.

Đối tượng nghiên cứu là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy ở 3 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội) từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018.

Theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, qua quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy hành vi URB-LX rất phổ biến, bất chấp các quy định luật pháp hiện hành.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát hiện tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say, trong đó 34% có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% xiêu vẹo. Sau khi sử dụng rượu bia, tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong nhóm người này rất cao, cụ thể 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.

Khảo sát, phân tích chuyên sâu tâm lý hành vi người điều khiển xe máy chung cho thấy người đi xe máy tự tiết lộ rằng hành vi URB-LX gây ra khoảng 11-17% các vụ tai nạn giao thông đối với bản thân họ. Thói quen URB hàng ngày hoặc hàng tuần làm gia tăng hành vi URB-LX. Nam giới và người làm việc thời vụ có xu hướng URB-LX thường xuyên hơn các nhóm khác. Hạn chế trong nhận thức về các tác động của rượu bia lên sức khỏe và khả năng kiểm soát tình huống nguy hiểm khi lái xe làm tăng mức độ thực hiện hành vi URB-LX.

Khảo sát, phân tích tâm lý hành vi các đối tượng bị tai nạn giao thông do URB-LX cho thấy có một số nhận thức sai lầm của các nạn nhân là: “Tôi nghĩ rằng lái xe máy sau khi uống rượu bia vẫn an toàn như mọi khi” và “Đi quãng đường ngắn nên tôi nghĩ là an toàn”. Những nạn nhân nghĩ mình vẫn “bình thường” đủ khả năng điều khiển xe máy ra về thì lại có tỷ lệ bị chấn thương nặng cao hơn những nạn nhân cảm thấy “không bình thường” hay “bị say”. Trong khi đó, gần 2/3 số nạn nhân vẫn tiếp tục tự điều kiển phương tiện ra về sau khi uống rượu bia say mặc dù họ có sự thay đổi nhận thức về các tác hại của hành vi này sau khi bị tai nạn. Do đó, cần áp dụng các giải pháp mạnh tay hơn nữa trong thực tế.

Thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng lái xe máy ở Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho thấy khi BAC = 20 mg/100 mL thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao gấp 3 lần so với trường hợp BAC = 0; khi BAC = 50 mg/100 mL (mức quy định hiện hành) thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao gấp 7 lần so với trường hợp BAC = 0.

Được biết, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng zero BAC đối với người điều khiển xe máy (sửa Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ); đồng thời tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích).

PGS.TS Lê Huy Trí, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước áp dụng điểm an toàn giao thông đối với lái xe, đặt ra mục tiêu số lần tối thiểu kiểm tra 1 giấy phép lái xe trong một năm để tạo sự răn đe, giúp lái xe ý thức được họ sẽ bị kiểm tra bất cứ lúc nào và sẽ bị mất quyền lợi trong tham gia giao thông nếu điểm an toàn giao thông thấp.

Lan tỏa thông điệp “Không lái xe khi đã uống rượu bia”
Sáng 15/6, tại TP.Đông Hà (Quảng Trị) đã diễn ra sự kiện đi bộ với thông điệp “Không lái xe khi đã uống rượu bia” với sự tham gia của hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư