Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Báo động tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người Việt
D.Ngân - 14/11/2024 15:55
 
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam cứ khoảng 13 người có 1 người mắc đái tháo đường. Điều đáng nói là hiện có hơn 60% người mắc đái tháo đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán.

Ngày 14/11 được Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) chọn làm Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường với mục tiêu nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Ảnh minh họa

Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường năm 2024 là “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời để duy trì sức khỏe.

Theo số liệu của IDF, năm 2021 số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu ở con số 537 triệu người. Dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và tới mức 783 triệu vào năm 2045.

Thống kê cũng cho thấy, trên 70% người mắc đái tháo đường đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động.

Tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường đang trẻ hóa. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.

Theo số liệu điều tra tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 7,3%, xấp xỉ con số 7 triệu người mắc trên cả nước, đồng nghĩa là khoảng 13 người thì có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết trung ương (năm 2002) cho thấy, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7%. Sau 10 năm, tỷ lệ này đã tăng lên 5,4%.

Trong đó, tỷ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh.

Các chuyên gia y tế lo ngại, lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, có bệnh nhân chỉ khoảng 15-16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng nhiều bia, rượu và ít vận động.

Nếu bệnh này phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời, thường xuyên sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm lên các bộ phận khác của cơ thể, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Một thực tế đáng lo khác và bệnh này ngày càng trẻ hóa. Ths Hoàng Văn Kết, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, bệnh tiểu đường ở trẻ em chủ yếu là đái tháo đường typ 1, tức là thể đái tháo đường phụ thuộc insulin.

Đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.

Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.

Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.

Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.

Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1.

Bên cạnh đó, trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền.

Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.

Do vậy khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây.

Đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1 như đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.

Hiện tại để điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.

Ngoài ra, người bệnh cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp cho từng cá thể. Đối với người có chế độ hoạt động thể lực vừa phải nên duy trì khoảng 30-35 kalo/kg/ngày.

Cân đối giữa các tỷ lệ Carbonhydrat, protid, lipid giúp kiểm soát đường huyết nhưng cũng đảm bảo về sinh hoạt làm việc cho người bệnh.

Đặc biệt ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết ra còn phải bảo đảm mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. Người bệnh đái tháo đường type 1 nên theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu tại nhà.

Khám béo phì phát hiện gan nhiễm mỡ, đái tháo đường
Nam bệnh nhân 30 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh, cao 177 cm, nặng 109 kg, kề cận mức béo phì nguy hiểm, chưa từng khám sức khỏe trước đó, phát hiện đái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư