Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bảo hiểm - vũ khí bù đắp sụt giảm lợi nhuận ngân hàng
Hà Tâm - 10/03/2020 14:28
 
Trước nguy cơ doanh thu giảm mạnh, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là bảo hiểm.
.
Trước nguy cơ doanh thu giảm mạnh, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là bảo hiểm.

Lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động

Tuần qua, mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường bắt đầu chứng kiến sự điều chỉnh. Theo đó, lãi suất tiết kiệm giảm 0,1 - 0,4%/năm, tuỳ từng kỳ hạn. Mức giảm nhiều nhất là ở kỳ hạn 36 tháng (giảm 0,4%/năm), các kỳ hạn khác giảm phổ biến ở mức 0,2%. Tính từ cuối tháng 2 đến nay, đã có rất nhiều ngân hàng tham gia cắt giảm suất huy động, như Eximbank, ABBank, VPBank, SHB, Bac A Bank, Nam A Bank…

Trước khi cắt giảm lãi suất, thời gian qua, các ngân hàng đã lần lượt đưa ra các gói tín dụng lớn để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid -19 như cơ cấu lại nợ, giảm phí, cho vay với lãi suất thấp hơn lãi vay thông thường 0,5 - 1,5%...

Nếu so với mức giảm của lãi suất cho vay, thì lãi suất huy động giảm không đáng kể, song điều này cũng sẽ giảm bớt áp lực cho các ngân hàng. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2020, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng gần 0,2%, trong khi tín dụng giảm 0,18%. Trong khi đó, hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng liên tiếp, cho thấy thanh khoản dư thừa.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất trong nước đang theo xu hướng thế giới. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn chục ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất.

Theo mục tiêu Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, vào năm 2025, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại là 16 - 17%. Hiện tại, trên thị trường, nhiều ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ sang mảng dịch vụ, nhưVIB, VPBank, BIDV, Vietcombank…

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, lãi suất sẽ giảm nhẹ do dịch bệnh. "Nếu diễn biến dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, hoạt động sản xuất, dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Trên cơ sở đó, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi vay cho doanh nghiệp", báo cáo của BVSC viết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mặt bằng lãi suất có thể đi xuống, nhưng không thể giảm mạnh vì các lý do như áp lực lạm phát hiện nay tương đối cao, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế tương đối thấp, quy mô tín dụng và tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang ở mức khá cao so với mức độ phát triển của nền kinh tế.

“Dù lãi suất giảm, song doanh nghiệp vẫn không muốn vay vì kinh doanh bị thu hẹp, thậm chí dừng hoạt động”, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay, NHNN chưa cần cắt giảm lãi suất điều hành, mà để thị trường tự điều tiết. 

Về gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực nói rõ, về bản chất, đây là khoản vay thương mại được ngân hàng cam kết cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không phải là gói kích thích kinh tế.

Bảo hiểm sẽ là vũ khí bù đắp sụt giảm lợi nhuận

Lãi suất cho vay giảm nhiều hơn lãi suất huy động, tín dụng giảm trong khi thu nhập dựa tới 85-90% vào tín dụng, khiến nhiều ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong năm nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay: “Đầu tháng 2/2020, chúng tôi đánh giá dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến các mục tiêu kinh doanh của năm 2020. Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi đang phải cân nhắc lại. Hết quý I/2020, ngân hàng sẽ họp bàn phương án doanh thu, lợi nhuận để trình Đại hội đồng cổ đông”.

Theo ước tính ban đầu của nhiều ngân hàng, doanh thu sẽ sụt giảm ít nhất 5 - 10%, tùy theo quy mô gói tín dụng hỗ trợ và diễn biến dịch bệnh.

Ông Phan Viết Cường, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng Bản Việt cho biết, doanh thu của ngân hàng giảm khoảng 10%.

Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng lạc quan vào kết quả kinh doanh năm 2020 nhờ sự chuyển hướng mạnh sang các dịch vụ ngoài lãi, đặc biệt là dịch vụ bán chéo bảo hiểm.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của BIDV diễn ra cuối tuần qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ngân hàng vẫn chưa điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay, song sẽ linh hoạt điều hành, có thể điều chỉnh các chỉ tiêu trong trường hợp cần thiết và báo cáo với cổ đông.

Nhìn một cách lạc quan, TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, dịch bệnh cũng là cơ hội để các ngân hàng tăng doanh thu từ mảng bảo hiểm, vì người dân lo lắng rủi ro hơn.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng khẳng định, sẽ “tấn công” mạnh vào thị trường bảo hiểm trong năm nay, gia tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ, bù đắp sự giảm sút từ tín dụng. Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, năm 2020, Ngân hàng ACB sẽ cố gắng có được hợp đồng bancassurance độc quyền.

Năm 2019, hàng loạt ngân hàng đã có các hợp đồng độc quyền có giá trị khủng với đối tác như Vietcombank - FWD, TPBank - Sun Life Việt Nam…

Trong năm qua, nhiều ngân hàng lãi ngàn tỷ nhờ bán bảo hiểm, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này luôn tính bằng lần. Cụ thể, năm 2019, chi phí hoa hồng bảo hiểm của VIB tăng gấp 4,6 lần, đạt trên 1.100 tỷ đồng (chiếm gần 50% doanh thu dịch vụ). Hiện các nhà băng chiếm thị phần lớn nhất về bảo hiểm là VIB, MB, Techcombank, VPBank, SCB, ACB, Sacombank…

Ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Đồng hành với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vượt khó khăn do dịch Covid-19, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư