Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng và doanh nghiệp sốt ruột cơ cấu lại nợ
Thùy Liên - 06/03/2020 09:02
 
Nhiều doanh nghiệp cho biết chưa được ngân hàng cơ cấu lại nợ. Trong khi đó, các ngân hàng cho hay, họ đã sẵn sàng đủ nguồn vốn và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngay khi có thông tư hướng dẫn.
.
Bản thân ngân hàng cũng mong doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí vốn, vì hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì ngân hàng cũng tránh được nợ xấu phình to.

Hàng loạt ngành hàng mới sẽ được giãn nợ, giảm lãi vay

Nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên vì dịch bệnh khiến doanh thu giảm sút, trong khi nợ ngân hàng gần đến thời hạn trả. Mới đây, hàng loạt doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ giảm lãi vay.

Ngày 2/3, UBND TP. Đà Nẵng cũng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đà Nẵng sớm chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng có biện pháp giảm lãi, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho hay, quy mô tín dụng của nước ta hiện khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 54% là cho vay doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp cho biết, ngay sau khi có thông tin ngân hàng giãn, hoãn, cơ cấu nợ, họ đã liên hệ với ngân hàng để đề nghị được giãn nợ, song phía ngân hàng cho biết là phải chờ thông tư hướng dẫn.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng đánh giá rất cao giải pháp giãn, hoãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất… cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid -19 mà ngành ngân hàng đang thực hiện. Tuy vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, NHNN cần ban hành hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ để tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại triển khai.

Được biết, thông tư hướng dẫn đang được NHNN gấp rút xây dựng. Theo giải thích của NHNN, với quy định hiện hành, NHNN chỉ được cơ cấu lại nợ cho khách hàng hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại tác động sâu rộng tới nhiều ngành khác như du lịch, xuất nhập khẩu, dệt may, da giày, hàng không, dịch vụ ăn uống, giáo dục…, nên cần có thông tư mới để hướng dẫn.

Theo dự thảo đang đưa ra lấy ý kiến, khách hàng được cơ cấu lại nợ, giảm lãi không bị bó buộc trong ngành nông nghiệp nữa. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp kinh doanh mọi ngành nghề đều có cơ hội được cơ cấu nợ, giảm lãi vay.

Tiếp sức doanh nghiệp cũng là ngân hàng tự cứu mình

Không chỉ doanh nghiệp, mà bản thân các ngân hàng cũng hết sức rốt ruột đợi thông tư hướng dẫn, bởi nếu không nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng cũng gặp khó khi nợ xấu phình to.

Tại cuộc họp giữa NHNN và các tổ chức tín dụng đầu tuần này, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, họ đã tích cực rà soát mức độ thiệt hại của khách hàng để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Lâu nay, câu chuyện giãn nợ, giảm lãi… thường dành cho khách vay thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, với dịch bệnh hiện nay, rủi ro xảy ra với nhiều đối tượng, mức độ thiệt hại chưa đánh giá hết được. Vì vậy, để có căn cứ pháp lý cho giãn, hoãn, giảm lãi vay, tạo điều kiện chủ động cho các tổ chức tín dụng trong cơ cấu nợ, giảm lãi, cần có hành lang pháp lý, văn bản pháp quy, tránh hồi tố.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN

Tại Vietcombank, tính đến đầu tháng 3/2020, đã có hàng ngàn khách hàng được hạ lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Vietcombank áp dụng giảm lãi suất không chỉ với khách hàng mới, mà với cả khách hàng hiện hữu. Quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất tại Vietcombank ước khoảng 30.000 tỷ đồng.

Ngoài Vietcombank, đã có 20 ngân hàng khác đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ hách hàng vượt qua khó khăn. Tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT cho biết, ngay sau khi có báo cáo rà soát về mức độ thiệt hại của khách hàng, ngân hàng đã hạ lãi suất, đồng thời sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp xoay xở tìm thị trường mới.

Theo con số báo cáo mà NHNN nhận được, hiện có trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng đã được ngân hàng hỗ trợ bằng các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, theo báo cáo của 23 tổ chức tín dụng, đến thời điểm này, đã có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này và bằng khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nông, lâm nghiệp và thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, giáo dục.

Mặc dù tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng, để vượt qua khó khăn, việc giảm lãi suất hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ là chưa đủ, mà cần các giải pháp tổng thể khác, như giảm thuế, giãn thuế, mở rộng thị trường, cải cách thủ tục hành chính...

Trước mắt, để được các hỗ trợ từ ngân hàng, doanh nghiệp phải thu thập số liệu, bằng chứng để chứng minh bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Nếu có bằng chứng rõ ràng về thiệt hại, doanh nghiệp sẽ lập tức được ngân hàng hỗ trợ.

250.000 tỷ đồng là tổng số tiền cam kết cho vay. Đa phần là giảm lãi suất cho khoản vay mới. Bản thân ngân hàng cũng mong doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí vốn, vì hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì ngân hàng cũng tránh được nợ xấu phình to.

Ngành ngân hàng họp bàn cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Hôm nay (2/3), NHNN họp với các tổ chức tín dụng về tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư