Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Thùy Vinh - 27/02/2020 09:27
 
Đồng hành với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vượt khó khăn do dịch Covid-19, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Codia-19.

Cụ thể, ACB vừa tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô lên đến 25.000 tỷ đồng.Theo đó, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cũng như hỗ trợ các khách hàng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ACB tiếp tục công bố gói vay 25.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hấp dẫn từ nay đến hết 30.06.2020.

Trong đó, với gói vay ưu đãi này, ACB dành 13.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân và 12.000 tỷ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). 

Với các khách hàng là cá nhân, gói vay này ưu đãi lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8.5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn. Với gói ưu đãi lần này, khách hàng có thể lựa chọn nhiều kỳ hạn cố định lãi suất đầu tiên lên đến 36 tháng.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khách hàng duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống trong giai đoạn bị tác động bởi dịch COVID-19, khách hàng vay vốn theo chương trình này chưa phải trả nợ vốn gốc (ân hạn vốn) trong 12 tháng và được áp dụng chính sách miễn phí trả nợ trước hạn linh hoạt trong thời gian ân hạn vốn.

Hướng đến khách hàng là doanh nghiệp SME, những ưu đãi không chỉ dừng lại ở lãi suất cho vay mà còn ưu đãi thêm về phí. Các khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh có thể chọn ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm.

Các khách hàng có nhu cầu đầu tư mua sắm/sửa chữa máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… có thể chọn gói ưu đãi lãi suất vay trung dài hạn chỉ từ 8,5%/năm và có thể cố định lãi suất kỳ đầu lên đến 24 tháng. Bên cạnh đó, ACB còn giảm đến 50% cho phí thanh toán quốc tế, bảo lãnh và giảm đến 100% cho phí huy động, dịch vụ tài chính.  

Ngoài ưu đãi khách hàng bằng các gói cho vay, ACB cũng đang đầu tư mạnh mẽ về hệ thống và chính sách để hưởng ứng chính sách khuyến khích không dùng tiền mặt của chính phủ.ACB miễn phí hoàn toàn đối với các loại tài khoản sử dụng để nhận lương, tài khoản dùng để kinh doanh. Ngoài ra, ACB đã đầu tư hệ thống máy nộp tiền tự động (CDM), khách hàng có thể nộp và chuyển tiền 24/7, không cần phải đến ngân hàng.

Tương tự, Sacombank triển khai nguồn vốn 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm mạnh đến 2% một năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5% một năm đối với doanh nghiệp và 8,5% một năm đối với cá nhân. Thời gian triển khai gói vay sẽ kết thúc vào ngày 30/6 hoặc khi hết hạn mức.

Bên cạnh đó, nhằm hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Sacombank sẽ có chính sách cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay theo quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Cụ thể là các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, dệt may, da giày, nông nghiệp, nông thôn...

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng chỉ được cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh vừa qua khiến nhiều khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực khác như hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu, vận tải... cũng bị thiệt hại nặng nề.

Vụ trưởng Tín dụng Ngân hàng Nhà nước(NHNN) ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như du lịch, dịch vụy... tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, mức thiệt hại cụ thể chưa thể xác định được ngay.

Theo lãnh đạo NHNN, tổ chức tín dụng cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc dùng chính tiền của ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các ngân hàng cũng chỉ có thể giảm mức độ thiệt hại cho khách hàng mà vẫn phải đảm bảo bù đắp được chi phí.

Về việc giảm và ưu đãi lãi suất, các ngân hàng sẽ phân tích và xác định mức độ thiệt hại của khách hàng trong dịch Covid-19 và đưa ra chính sách. 

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động
Một số ngân hàng đã bất ngờ giảm lãi suất huy động trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cho dù trước đó đã mạnh tay tăng lãi suất đầu vào.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư