Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bảo hiểm BIDV (BIC) ước doanh thu quý I tăng 30%, đặt mục tiêu đẩy mạnh kênh banca
Thanh Thuỷ - 14/04/2022 22:34
 
Doanh thu bảo hiểm qua kênh banca tại BIC hiện góp 27% quy mô doanh thu từ mức 4% những năm đầu triển khai. Lãnh đạo BIC cũng cho biết đây là kênh hiệu quả nhất của BIC lúc này.
.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) thông qua mức cổ tức năm 2021 là 15%

Chiều ngày 14/4, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với sự tham dự của các cổ đông đại diện cho 102.738.532 cổ phần, chiếm 87,6% cổ phần có quyền biểu quyết.

Báo cáo tại Đại hội, ông Trần Hoài An - Tổng giám đốc BIC cho biết, dù không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, nền tảng khách hàng đã gắn bó với BIC và nền tảng khách hàng rộng lớn từ Ngân hàng mẹ BIDV cùng những giải pháp kinh doanh riêng, BIC đã có một năm kinh doanh thành công, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao.

BIC tiếp tục có lãi cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế lần đầu vượt 500 tỷ đồng, tang 33,8% so với năm 2020 và vượt 72% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 trình cổ đông ở mức 15%, gấp rưỡi tỷ lệ dự kiến đặt ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm trước.

Năm 2022, BIC đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm là 3.310 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 435 tỷ đồng, giảm 13,4% so với năm trước. Mục tiêu lợi nhuận đã được điều chỉnh tăng thêm 50 tỷ đồng so với tờ trình ban đầu, theo đề xuất của cổ đông lớn nhất của BIC (BIDV). Tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2022 là 12%.

Theo Tổng giám đốc Trần Hoài An, mục tiêu lợi nhuận giảm do lợi nhuận hoạt. động đầu tư tăng trưởng thấp trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp và lợi nhuận mảng bảo hiểm dự kiến giảm do BIC tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ trong năm 2021 và tỷ lệ bồi thường dự kiến tăng khi không còn hưởng các điều kiện thuận lợi như năm trước khi giãn cách xã hội do dịch Covid-19 cũng là một trong các nguyên nhân khiến tần suất bồi thường giảm.

Báo cáo về hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT) năm 2022, ông Trần Xuân Hoàng – Chủ tịch HĐQT BIC cho biết tỷ lệ chi phí kết hợp đạt mức “ngoài mong đợi” - 90,27%. Con số lợi nhuận cũng đạt kết quả tốt nhất trong 16 năm. Cùng đó, đây là năm thứ 3 liên tiếp BIC có lãi hoạt động bảo hiểm. Tuy vậy, theo ông Trần Xuân Hoàng, kết quả năm 2021 cũng là áp lực lớn cho năm 2022.

Về phương hướng hoạt động năm nay, HĐQT sẽ chỉ đạo đẩy mạnh dự án hỗ trợ kỹ thuật của nàh đầu tư chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ dự án chuyển đổi số, hoàn thiện, cải tiến cơ chế vận hành, quản trị BIC, tăng cường hoạt động quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động, triển khai kế hoạch tổng thể đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…

Cùng đó, theo Chủ tịch HĐQT BIC, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh hoạt động kênh banca (bancassurance - bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng) có tỷ lệ bồi thường thấp, đẩy mạnh khai thác bán lẻ, xây dựng đề án quản lý chi phí hiệu quả, xây dựng mạng lưới phát triển đi đôi tăng cường bên vững đảm bảo hiệu quả hoạt động.

***

Cũng tại Đại hội, các cổ đông đã đưa ra ý kiến thảo luận tập trung chính về các mảng sản phẩm nghiệp vụ, chiến lược kinh doanh cùng các dự án chuyển đổi số mà doanh nghiệp đang triển khai. Baodautu.vn lược trích một số ý kiến hỏi đáp, thảo luận tại Đại hội:

Tỷ lệ chi phí kết hợp năm 2021 của BIC giảm mạnh, bên cạnh nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh covid-19 còn nguyên nhân chủ quan khác không?

Ông Trần Hoài An: Tỷ lệ chi phí kết hợp 2021 giảm mạnh và đạt mức rất tốt, nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ bồi thường giảm. Tỷ lệ bồi thường của cả mạng con người và xe cơ giới đều rất tốt do dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội diện rộng trong năm 2021, Bên cạnh đó, mảng tài sản của BIC chịu ít thiệt hại lớn so với thị trường do công ty có các chính sách siết chặt khai thác với các nhóm tài sản có rủi ro cao. Ngoài ra các khoản chi phí cố định cũng được hạn chế và tiết giảm.

Kế hoạch tăng trưởng kênh bancas trong năm 2022?

Ông Trần Hoài An: Tỷ trọng sản phẩm bán chéo qua các tổ chức tín dụng năm 2021 là 27%. Theo kế hoạch đề ra, chúng tôi dự kiến kênh này sẽ đạt trên 30% tỷ trọng doanh thu năm 2022.

Ước tính kết quả kinh doanh quý I/2022?

Ông Trần Hoài An: Theo con số ước tính hiện tại, công ty đã 25% kế hoạch doanh thu cả năm, tăng trưởng 30% so với năm 2021. 

Doanh thu mảng bảo hiểm con người của BIC tăng trưởng tốt, tỷ lệ bồi thường của các sản phẩm này như thế nào?

Ông Trần Hoài An: Doanh thu bảo hiểm con người của BIC chiếm 27% doanh thu của BIC năm 2021. Trong đó, sản phẩm chủ đạo là sản phẩm BIC Bình An, bảo hiểm cho người vay vốn. Hiện nay đây là 1 trong những nhóm sản phẩm mang lại hiệu quả cho BIC.

Kênh bán chéo qua các tổ chức tín dụng góp tỷ trọng lớn trong mảng bảo hiểm con người. Tỷ lệ bồi thường của nhóm sản phẩm này hiện được BIC kiểm soát tốt.

Với nhóm sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ, có ý kiến cho rằng đây là mảng có biện lợi nhuận thấp, đánh giá của BIC về khả năng tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của mảng này?

Ông Trần Hoài An: Chính xác có thể nói bảo hiểm sức khỏe thông thường của thị trường phi nhân thọ hiện nay hầu như có chi phí kết hợp tiệm cận với điểm hòa vốn. Quy định của BIC trong những năm trước, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, đã rất thận trọng trong việc mở rộng phát triển mảng này.

Tuy nhiên trước xu thế ngày nay và cũng để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, BIC đang triển khai các phương án để phát triển doanh thu nghiệp vụ này trên một số nguyên tắc của riêng BIC. Cụ thể, công ty khai thác tệp khách hàng lớn để lấy số đông, chú trọng kênh bán hàng online để giảm chi phí kinh doanh, kết hợp khai báo sơ lược sức khỏe của khách hàng khi tham gia để hạn chế trục lợi. Sản phẩm sức khỏe cũng là kênh để BIC tiếp cận và có nhiều khách hàng hơn và có tiềm năng tham gia ở các nhóm sản phẩm khác. 

BIC xây dựng kế hoạch tăng trưởng doanh thu trong 5 năm tới 20%/ năm, kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu trên?

Ông Trần Xuân Hoàng: BIDV cam kết giữ 51% vốn đến năm 2030, cũng vì vậy đặt ra yêu cầu cao cho BIC với mục tiêu vào top 5 doanh thu, top 3 về hiệu quả kinh doanh. Kết quả đạt được năm 2021 đã đạt được mục tiêu hiệu quả kinh doanh.

Các năm tới, BIC sẽ tập trung tối đa cho việc xây dựng các giải pháp kinh doanh, khai thác tối đa các tiềm năng, nguồn lực tệp khách hàng của Ngân hàng mẹ và quan hệ của BIC trên thị trường để giữ vững tỷ trọng doanh thu nhóm tài sản kỹ thuật, tiếp tục tăng trưởng mảng hàng hóa và tàu thủy, phát triển mạnh hoạt động bán lẻ qua các sản phẩm bán chéo với tổ chức tín dụng nói chung cũng như phát triển sản phẩm mới gắn theo yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó là một số giải pháp khác như mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa kênh bán, đẩy mạnh tăng trưởng các sản phẩm bán lẻ, đặc biệt các kênh chuyển đổi số, đồng thời, tiếp tục phát triển sản phẩm mới để gia tăng doanh thu với mục tiêu mõi năm 1-2 sản phẩm mới.

Xin chia sẻ thêm về dự án chuyển đổi số của Công ty?

 Ông Trần Xuân Hoàng: BIC hiện là 1 doanh nghiệp dịch vụ hoạt động trong nền kinh tế chuyển đổi số nên không thể đứng ngoài xu thế, Bên cạnh đó BIC bắt buộc phải triển khai hoạt động chuyển đổi số để hướng tới 1 doanh nghiệp chuyển đổi số mang tính thực chất, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, số hóa sản phẩm, quy trình, nâng cao hiệu quả quản trị diều hành, tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng. Hiện nay BIC đang phối hợp với các chuyên gia của 2 cổ đông lớn BIDV và Fairfax để triển khai dự án, khi thành công BIC sẽ có sự thay đổi rất lớn và tích cực trong mọi mặt hoạt động.

Toàn bộ các nội dung báo cáo, tờ trình đã được đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ 100%.

VPBank: Mục tiêu lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng, chia cổ tức 50%, mua 100% vốn Bảo hiểm Opes
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank; HOSE: VPB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022 với kế hoạch lợi nhuận, kế hoạch tăng vốn đầy tham...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư