Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Bảo vệ sức khỏe trước thềm Tết Nguyên đán
D.Ngân - 21/01/2025 14:38
 
Mới đây, thời tiết chuyển lạnh và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đã gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ em có sức đề kháng yếu.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế đưa ra nhiều khuyến cáo về cách bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này.

Bộ Y tế nhận định rằng trong dịp Tết Nguyên đán 2025 và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương và du lịch tăng cao, đồng thời thời tiết mùa Đông Xuân dễ dàng tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh. 

Trong những ngày gần đây, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.

Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện chiếm 18,9%, chủ yếu là những người có bệnh lý nền như huyết áp cao, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các vấn đề cơ xương khớp.

Mặc dù những bệnh nhân này thường xuyên tái phát bệnh vào thời điểm giao mùa, nhưng vấn đề viêm nhiễm đường hô hấp lại đang khiến trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về phổi.

Bác sỹ chuyên khoa II Phí Thị Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, thời tiết lạnh là nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân tăng lên.

Bệnh viện đã có các biện pháp tổ chức điều trị hiệu quả như sắp xếp phòng bệnh hợp lý và tăng cường tư vấn cho người bệnh và người thân về cách chăm sóc sức khỏe, cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, gần 20 bệnh nhân đang được điều trị viêm phổi, trong đó có một số ca nặng phải thở máy và lọc máu liên tục.

Một trong số đó là ông N.T, 62 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng nặng sau khi tiếp xúc với người mắc cúm. Ông được chẩn đoán mắc viêm phổi nặng, nhiễm cúm A và bội nhiễm nấm Aspergillus, phải đặt ống thở máy để duy trì hô hấp.

Còn theo bác sỹ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cảnh báo, viêm phổi không chỉ là bệnh phổ biến mà còn rất nguy hiểm đối với người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp và các biến chứng nguy hiểm khác.

Trong tuần đầu năm 2025, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã khám và điều trị cho hơn 300 ca mắc cúm A, với hơn 20% số ca có biến chứng nặng như viêm phổi và viêm phế quản. Điều đáng lo ngại là nhiều trường hợp được đưa đến bệnh viện muộn và không qua thăm khám chuyên môn, trong khi cha mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc.

Bộ Y tế nhận định rằng trong dịp Tết Nguyên đán 2025 và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương và du lịch tăng cao, đồng thời thời tiết mùa Đông Xuân dễ dàng tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt là bệnh sởi, cúm, và các bệnh truyền từ động vật sang người có nguy cơ gia tăng.

Ngành này cũng dự báo, trong năm 2025, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có khả năng gia tăng. Trong đó, sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, bệnh sởi và các bệnh có vắc-xin phòng ngừa như ho gà sẽ là các bệnh có nguy cơ bùng phát, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 141.000 ca mắc sốt xuất huyết và 28 ca tử vong; hơn 76.000 ca tay chân miệng và 287.548 ca cúm mùa. Trong đó, số ca mắc sởi và cúm A tăng mạnh, trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mức bảo vệ cộng đồng.

Lý giải về tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo đại diện Bộ Y tế, tình trạng không tiêm phòng đầy đủ ở một bộ phận dân cư, đặc biệt ở các thành phố lớn, là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh dễ bùng phát. Vì vậy, việc tăng cường công tác giám sát, tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan.

Để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, giám sát dịch bệnh ngay từ đầu năm. Các địa phương cần nâng cao năng lực y tế dự phòng, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp và tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho người dân.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cần được đẩy mạnh, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Bản thân mỗi gia đình cần chủ động theo dõi sức khỏe, tiêm phòng đầy đủ và thực hiện các biện pháp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Với mỗi người dân, muốn bảo vệ sức khỏe trong thời điểm này, các chuyên gia khuyến cáo cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C, D, A, kẽm, magie có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây tươi, hạt, cá, trứng, sữa…

Người cao tuổi và trẻ em nên chia nhỏ các bữa ăn, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp, hạn chế ăn đồ dầu mỡ và đồ uống có cồn. Uống đủ nước (1,5 - 2,5 lít/ngày) cũng rất quan trọng để phòng chống bệnh hô hấp.

Để cơ thể có đủ sức đề kháng, ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người dân cũng cần duy trì tập thể dục nhẹ, ngủ đủ giấc và giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và virus.

Hà Nội tăng 21 bậc trên bảng xếp hạng bảo vệ môi trường quốc gia
Hà Nội vừa ghi dấu ấn nổi bật khi vươn lên vị trí 25 trong bảng xếp hạng Bộ chỉ số bảo vệ môi trường quốc gia, với 57,58 điểm, tăng 21 bậc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư