Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Bấp bênh kế hoạch thu hút đầu tư vào ngành điện
Thanh Hương - 09/09/2023 08:26
 
Nhiều kế hoạch đầu tư vào ngành điện đã được đưa ra, nhưng việc triển khai trên thực tế không suôn sẻ như mong đợi, cho thấy mục tiêu đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục với giá hợp lý là một thách thức.
Giá điện là mấu chốt của đàm phán hợp đồng mua bán điện, là cơ sở để triển khai xây dựng nhà máy điện trên thực địa

Liên tiếp các kế hoạch

Giấy phép khảo sát ngoài 6 hải lý tại khu vực ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích gần 200.000 ha vừa được cấp cho Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) là giấy phép khảo sát biển duy nhất còn hiệu lực ở thời điểm này. Tuy nhiên, dự án điện gió ngoài khơi tương ứng giấy phép này lại nhắm tới việc xuất khẩu điện sạch sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển, thay vì bán tại Việt Nam để góp phần đạt cam kết tại COP26 của Việt Nam.

Cụ thể, tháng 2/2023, tại Singapore, PTSC và Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU, thành viên của Sembcorp Industries Limited) đã ký thỏa thuận hợp tác để phát triển Dự án Xuất khẩu năng lượng tái tạo từ Việt Nam sang Singapore theo hồ sơ mời thầu của Cơ quan Quản lý thị trường năng lượng Singapore. Theo đó, Liên danh PTSC và SCU sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 1 trang trại điện gió ngoài khơi tại Bà Rịa - Vùng Tàu, với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.300 MW.

Lễ trao giấy phép khảo sát biển cho PTSC diễn ra trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore, đồng thời với việc SCU được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận Dự án Xuất khẩu năng lượng tái tạo từ Việt Nam sang Singapore.

Trước đó, một giấy phép khảo sát biển khác cũng được cấp cho Dự án Điện gió ngoài khơi Thăng Long do Tập đoàn Enterprize Enrgy đầu tư có diện tích khảo sát khoảng 2.800 km2, trong đó khu vực dự án là 2.000 km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800 km2. Tuy nhiên, giấy phép này đã hết hạn và tới giờ, Dự án chưa có nhiều tiến triển trong quá trình triển khai tiếp theo.

Với các dự án điện gió ngoài khơi khác được liệt kê tại Quy hoạch Điện VIII với tổng công suất 6.000 MW vào năm 2030, giải pháp triển khai gần như không rõ. Nhắc tới các dự án này ở tờ trình Kế hoạch triển khai Quy hoạch vừa gửi Chính phủ, Bộ Công thương cho hay, việc lựa chọn quy mô, vị trí dự án sẽ do các địa phương quyết định căn cứ các yếu tố chính, gồm chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải điện, hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của địa phương.

Mờ mịt dự án mới

Đầu tháng 8/2023, khi họp với lãnh đạo các tỉnh/thành phố có dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG nhằm đốc thúc tiến độ thực hiện - đây là cuộc họp thứ 2 của Bộ Công thương về nội dung này, Bộ Công thương lạc quan nhận định, nhiều dự án có bước chuyển rất rõ ràng, dự báo hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu phát điện trong kỳ, nhất là năm 2024 - 2025. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra nhiều đề nghị với các địa phương, như yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương lập tiến độ thực hiện dự án với các nội dung công việc cụ thể, mốc thời gian hoàn thành và ký cam kết thực hiện đúng tiến độ, để làm căn cứ cho các cơ quan chức năng đôn đốc, giám sát, kiểm tra và xem xét xử lý trách nhiệm nếu không bảo đảm tiến độ theo quy định.

Các địa phương cũng được đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án; kiên quyết áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm các hành vi gây chậm tiến độ và các vi phạm khác với chế tài cao nhất; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư tiếp tục vi phạm các quy định hoặc không triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt.

Đáng nói là, trong các cuộc làm việc, chuyện tháo gỡ những điểm nghẽn mà các dự án LNG đang triển khai gặp phải (như ban hành khung giá mua điện với dự án, hay mâu thuẫn trong đề nghị cam kết sản lượng điện hàng năm giữa chủ đầu tư và bên mua điện) đã không được thảo luận kỹ để tìm ra lối thoát chung.

Đó là chưa kể, việc địa phương có quyền chọn nhà đầu tư phát triển dự án sẽ không đảm bảo chuyện nhà đầu tư đó sẽ ký được hợp đồng mua bán điện để đi huy động vốn, tiến tới xây dựng nhà máy trên thực địa. Bởi vậy, dù có hơn 22.000 MW điện khí LNG được ghi trong Quy hoạch Điện VIII, nhưng việc xây dựng các nhà máy này lại không có mốc thời gian cụ thể, ngoại trừ Dự án Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 “dám dấn thân” vì đã ký hợp đồng EPC xây dựng nhà máy và chế tạo thiết bị, dù chưa ký được hợp đồng mua bán điện.

Ngại đụng tới giá điện

Trong Tờ trình 6046/TTr-BCT ngày 31/8/2023 liên quan đến đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo kịp Quy hoạch và Kế hoạch, nhằm đáp ứng đồng bộ và đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường; cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để thực hiện. Bên cạnh đó là nhiệm vụ rà soát lại các văn bản pháp quy về thuế, tài chính, kế toán, nhằm đảm bảo thi hành được tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Trong một diễn biến khác liên quan đến điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, Bộ Tài chính cho hay, Bộ Công thương là cơ quan chịu trách nhiệm về giá điện, trong đó chủ trì xây dựng khung giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và biểu giá bán lẻ điện để trình Thủ tướng quyết định.

Bộ Công thương cũng hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, giá bán buôn điện, giá truyền tải điện và giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống và phí điều hành thị trường điện. Nghĩa là, Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong quản lý hoạt động điện lực và sử dụng điện, bao gồm cả giá điện.

Đồng thời, Bộ Tài chính muốn không quy định trách nhiệm của Bộ này trong kiểm tra, giám sát và báo cáo với các mức tăng giá điện dưới 10%. Khi giá điện tăng từ 10% trở lên so với giá hiện hành, hoặc vượt khỏi khung giá và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương sẽ tiếp nhận và rà soát phương án giá, sau đó gửi ý kiến cho Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Thực tế, các cơ quan nhà nước “ngại” xử lý giá điện cho rành mạch, công khai, trong khi đây là mấu chốt của đàm phán hợp đồng mua bán điện, là cơ sở để triển khai xây dựng nhà máy điện trên thực địa, cũng như dự báo việc huy động vốn để hiện thực hóa Quy hoạch Điện VIII sẽ có nhiều khó khăn.

Với các dự án LNG chưa có chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết, đảm bảo lựa chọn chủ đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án, cũng như phối hợp triển khai đầu tư xây dựng các hạ tầng liên quan, muộn nhất trong tháng 10/2023, các địa phương cần hoàn thành việc lựa chọn các nhà đầu tư dự án theo quy định.
Quy hoạch điện VIII: Nhu cầu vốn lớn nhưng cơ chế huy động chưa rõ ràng
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư, gồm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư