Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Bắt buộc cung cấp thông tin người nộp thuế cho cơ quan thuế
Mạnh Bôn - 04/12/2020 14:41
 
Kể từ ngày mai (5/12/2020), các cơ quan quản lý nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin về người nộp thuế cho cơ quan thuế.

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), đây là một trong những biện pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước. “Cơ quan, đơn vị nào không cung cấp thông tin sẽ bị xử phạt”, bà Hải nhấn mạnh.

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019, có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, thì hầu hết cơ quan quản lý nhà nước đều phải cung cấp thông tin về người nộp thuế cho cơ quan thuế. Thưa bà, cụ thể là phải cung cấp thông tin gì cho cơ quan thuế?

Luật Quản lý thuế quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai pháp luật về thuế và cũng có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế cho cơ quan thuế. Trên cơ sở này, Nghị định 126 quy định cụ thể trách nhiệm cung cấp thông tin của từng cơ quan quản lý nhà nước.

Tổng cục Thuế sẽ làm việc với từng bộ, ngành để xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin. Ví dụ Bộ Công an sẽ cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm về thuế;  thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh và thông tin về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông. Bộ Xây dựng cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng và sở hữu nhà của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân, cá nhân kinh doanh. Cơ quan kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước. Cơ quan tòa án, cơ quan trọng tài cung cấp thông tin về bản án, quyết định của tòa án, trọng tài về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, phá sản đối với doanh nghiệp và hợp tác xã...

Nếu các bộ, ngành vì lý do nào đó không cung cấp thông tin thì sao, thưa bà?

Trước khi ban hành Nghị định 126, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, cũng có hiệu lực kể từ ngày 5/12/2020. Theo đó, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ pháp lý liên quan đến đăng ký thuế theo thông báo của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 5 ngày làm việc trở lên; cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo thông báo của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 5 ngày làm việc trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 đến 3 triệu đồng.

Mức phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng được áp dụng cho hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu, chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

Mức phạt kể trên chỉ áp dụng được với cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và hoàn toàn “vô hiệu” với cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ. Bởi ngay cả Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lãnh đạo các bộ, ngành trong trường hợp bộ, ngành đó không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế?

Như tôi đã nói, Luật Quản lý thuế đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành và cũng có quy định chung về hoạt động cung cấp, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế. Nếu bộ, ngành nào không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình thì người đứng đầu sẽ bị xử lý theo pháp luật về công chức, viên chức do không hoàn thành nhiệm vụ.

Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với từng bộ, ngành để xây dựng quy chế trao đổi, cung cấp thông tin. Trong đó sẽ quy định cung cấp những loại thông tin gì liên quan đến người nộp thuế, cung cấp định kỳ bao lâu một lần, cung cấp đột xuất trong trường hợp nào, cùng nhau phối hợp, khai thác, chia sẻ thông tin ra sao. Trong quy chế cũng sẽ quy định rõ đơn vị nào thuộc bộ, ngành nào chịu trách nhiệm làm đầu mối cung cấp thông tin. Vì vậy, nếu đơn vị đó không cung cấp thông tin, hoặc cung cấp không đầy đủ, thiếu chính xác, không kịp thời thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ và bị xử lý theo pháp luật về công chức, viên chức.

Không thể phủ nhận ngành thuế là cơ quan thuộc top đầu trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Nghị định 126 quy định cụ thể từng trường hợp phải nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan quản lý thuế liệu có gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế, thưa bà?

Hồ sơ khai thuế là tờ khai thuế và các chứng từ, tài liệu liên quan làm căn cứ để xác định nghĩa vụ thuế do người nộp thuế lập và gửi đến cơ quan quản lý thuế. Nghị định 126 quy định cụ thể địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, cụ thể, doanh nghiệp có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh thì nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng của dự án đầu tư tại nơi có dự án đầu tư; đối với chuyển nhượng bất động sản thì nộp tại nơi chuyển nhượng bất động sản; nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt tại nơi sản xuất, gia công hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường… còn doanh nghiệp vẫn nộp hồ sơ khai thuế chung tại địa bàn đóng trụ sở chính.

Tôi khẳng định, quy định về địa điểm nộp thuế như trên không hề gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế vì họ có thể nộp hồ sơ khai thuế bằng phương thức điện tử hoặc giấy. Hiện tại đã có trên 99% số doanh nghiệp khai thuế điện tử với hơn 11,28 triệu hồ sơ trong 11 tháng của năm 2020. Với phương thức khai thuế điện tử thì người được giao nhiệm vụ khai thuế của doanh nghiệp có thể ngồi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào khi cập nhật vào hệ thống khai thuế điện tử cũng có thể khai thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp và cơ quan thuế không được quyền đòi hỏi bất cứ một chứng từ, bảng kê, hóa đơn bằng giấy nào của doanh nghiệp.

Vậy thì quy định cụ thể về địa điểm nộp tờ khai quản lý thuế làm gì khi đã điện tử hóa khâu này?

Mỗi người nộp thuế bao giờ cũng do một cơ quan thuế (cục thuế, chi cục thuế) trực tiếp quản lý. Và cơ quan này chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; hỗ trợ; thanh tra, kiểm tra; thu hồi nợ đọng hoặc cưỡng chế thuế (nếu có). Việc quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế là để quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý thuế và không ảnh hưởng gì tới người nộp thuế vì trên hồ sơ khai thuế qua Hệ thống thuế điện tử, người nộp thuế chỉ cần điền cụ thể tên cơ quan quản lý thuế trực tiếp là ngay lập tức hồ sơ khai thuế được cập nhật cho cơ quan quản lý thuế và mọi giao dịch liên quan đến quản lý thuế được thực hiện trên Hệ thống khai thuế điện tử, doanh nghiệp không mất thời gian, công sức đến làm việc trực tiếp với cơ quan thuế. 

Theo Luật Ngân sách nhà nước, có khoản thu 100% thuộc ngân sách Trung ương, có khoản 100% thuộc ngân sách địa phương và có khoản phân chia giữa Trung ương và địa phương. Việc quy định cụ thể địa điểm nộp hồ sơ khai thuế còn nhằm mục đích phân chia số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp cho từng địa phương để đáp ứng nhu cầu chi của địa phương trên tinh thần có thu thì mới có chi.

HoREA: Còn khoảng trống trong quy định kê khai thuế của doanh nghiệp
Theo HoREA, quy định về kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp và hoàn thuế đối với thuế thu nhập mà doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã nộp thừa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư