2 doanh nghiệp thép đề xuất áp dụng phòng vệ thương mại với thép dây và thép cuộn nhập khẩu
Hải Yến - 30/07/2018 16:25
 
Thép Hòa Phát Hải Dương và Gang thép Thái Nguyên là 2 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với thép dây/thép cuộn nhập khẩu.
Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên là 2 doanh nghiệp nộp Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với thép cuộn nhập khẩu.
Thép Hòa Phát Hải Dương và Gang thép Thái Nguyên là 2 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép dây/thép cuộn nhập khẩu

Theo thông tin mới nhất phát đi từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 26/7/2018, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 2622/QĐ-BCT kèm thông báo về việc điều tra về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn nhập khẩu.

Quyết định này được đưa ra trên cơ sở đề nghị của 2 doanh nghiệp thép trong nước.

Cụ thể, ngày 8/5/2018, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Bên yêu cầu) đối với sản phẩm thép dây/thép cuộn.

Sau quá trình xem xét, tiếp nhận tài liệu bổ sung, ngày 13/6/2018, Cục Phòng vệ Thương mại đã có công văn về việc xác nhận hồ sơ của Bên yêu cầu nộp là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đến ngày 26/7/2018, Bộ Công Thương ban hành quyết định kèm thông báo về việc điều tra về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra trong vụ việc này là các sản phẩm thép cuộn và thép dây có mã HS: 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 và 9839.20.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.

Theo quy trình, sau khi ban hành Quyết định nêu trên, Cục Phòng vệ thương mại sẽ ban hành bản câu hỏi điều tra nhằm thu thập số liệu phục vụ điều tra.

Căn cứ Điều 82 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định 10/2018/NĐ-CP), thời hạn điều tra vụ việc không quá 6 tháng, kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 6 tháng.

Căn cứ Điều 83 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nếu xác định có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cần lưu ý về khả năng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được áp dụng.

Căn cứ điều 74 Luật Quản lý ngoại thương, đối với các tổ chức, cá nhân quan tâm muốn tiếp cân thông tin về vụ việc, đề nghị gửi đơn đăng ký bên liên quan về Cục Phòng vệ thương mại trong thời gian tiến hành điều tra vụ việc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản