Cách nào để cung cầu trên thị trường căn hộ không bị lệch pha?
Thị trường bất động sản lại bắt đầu có dấu hiệu lệch pha cung cầu, khi lượng cung căn hộ cao cấp liên tục tăng, trong khi các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang “teo dần”.
Thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Ảnh: Lê Toàn
Thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Ảnh: Lê Toàn

Để tránh lặp lại tình trạng lệch pha này, theo các chuyên gia, cần có giải pháp khơi thông sức cầu căn hộ cao cấp, đồng thời có giải pháp hỗ trợ cho các dự án nhà giá thấp, nhà ở xã hội. 

Trong cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã cảnh báo về tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường. Ông Hà cho biết: “Nguồn cung căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Nếu thực hiện hết các dự án bất động sản, thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, chúng ta sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp, nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp. Trong khi đó nguồn cầu lớn nhất trên thị trường hiện nay là nhà thu nhập thấp”.

Cảnh báo này không thừa khi theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, thanh khoản phân khúc căn hộ đang có dấu hiệu chững lại.

Cụ thể, theo CBRE, tại TP. HCM, số căn bán được trong quý II đạt 5.887 căn, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 35% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 16% trong quý này, giảm 17 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 9 điểm phần trăm so với quý trước.

Còn tại Hà Nội, trong quý II, có khoảng 4.860 căn được giao dịch, tăng 20% so với quý trước, nhưng giảm 7,2% so cùng kỳ năm trước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như cơ cấu hàng hóa trên thị trường có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp. Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại. Phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển, thông tin trên thị trường chưa có sự đầy đủ, hệ thống toàn diện, năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính và năng lực quản lý, phát triển dự án...

Trước các nguy cơ trên, ông Nam cho biết, Hiệp hội sẽ có kiến nghị, đề xuất cụ thể lên Bộ Xây dựng về các giải pháp để thị trường phát triển ổn định, bền vững.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các quy định liên quan đến việc soát xét thủ tục trước khi bán đối với nhà ở hình thành trong tương lai; chỉ đạo và ủng hộ để Hiệp hội phối hợp với các cơ quan của Bộ, các Sở Xây dựng địa phương trong hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin dữ liệu thị trường bất động sản hàng tháng, để cung cấp dữ liệu chính xác cho thị trường.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị với Chính phủ về thủ tục cấp visa cho người nước ngoài khi vào Việt Nam theo thông lệ quốc tế đi đôi với thủ tục chuyển tiền vào - ra khi mua bán bất động sản, đồng thời quy định cụ thể các khu vực hạn chế mua bán bất động sản vì lợi ích, an ninh quốc gia…

Bên cạnh các giải pháp để thúc đẩy sức cầu, thì một trong những giải pháp để hạn chế lệch pha cung cầu trên thị trường, theo các chuyên gia là đẩy mạnh phát triển nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

Để thúc đẩy phân khúc này phát triển, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM kiến nghị nới rộng điều kiện mua nhà ở xã hội. Cụ thể, thời hạn gửi tiết kiệm đủ 12 tháng có thể thực hiện trước hoặc sau khi ký hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội. Người gửi được hưởng mức lãi suất bình thường theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản tiết kiệm trên 12 tháng thay vì mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất.

Ngoài ra, nên thay quy định “Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn”, bằng quy định ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 0,5 - 1 triệu đồng, như vậy sẽ phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, bên cạnh các chính sách về nhà ở xã hội, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với nhà ở thương mại giá thấp, đặc biệt là thuế đất.

“Cách tính hiện nay buộc doanh nghiệp phải luôn ‘chạy theo’ cơ chế. Nếu không có sẵn quỹ đất sạch, thì doanh nghiệp không thể phát triển nhà giá thấp”, ông Nghĩa nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản