Đề xuất cơ chế phát triển đô thị Nhật Tân - Nội Bài
Thu Trang - 09/05/2015 08:37
 
UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về tờ trình một số cơ chế chính sách phát triển đô thị hai biên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, trước khi trình Chính phủ.
1
Nhật Tân - Nội Bài là tuyến đường đối ngoại của Thủ đô, nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài.

Cụ thể, TP. Hà Nội đề xuất lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị theo phương án so sánh để chỉ định nhà đầu tư có đề xuất dự án khả thi, hiệu quả cao nhất, cho phép Thành phố được xác định giá sàn tiền sử dụng đất tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt sát giá thị trường theo quy định.

Ngoài ra, nhà đầu tư được lựa chọn có giá đề xuất không thấp hơn giá sàn được duyệt. Việc quyết toán tiền sử dụng đất phải nộp theo diện tích đất thực tế được giao hoặc cho thuê theo quy định.

Cơ chế đề xuất này là sự kết hợp giữa việc xác định giá đất theo định giá quy định và áp dụng xác định giá sàn tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư để nhà đầu tư có thể nắm được thông tin liên quan và xây dựng phương án đầu tư trong tương lai.

Về cơ chế huy động vốn, Hà Nội đề xuất cho phép thực hiện huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo phương thức nhà đầu tư ứng vốn, Nhà nước sẽ khấu trừ dần vào tiền sử dụng đất, thuê đất của dự án phát triển đô thị. Theo giải trình, phương án này là khả thi bởi dự kiến số tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển đô thị dọc tuyến vào khoảng 26.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép vay vốn ưu đãi và huy động từ nguồn tài trợ ODA để đầu tư kết cấu hạ tầng khung thực hiện cho giai đoạn 2015 - 2015. Hà Nội sẽ dùng tiền thu từ sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án để hoàn trả.

Về cách thức lựa chọn nhà đầu tư, Thành phố xin được chỉ định thầu hoặc thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án. “Việc chỉ định thầu sẽ dựa trên so sánh kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản lý sau đầu tư và đề xuất dự án của một số nhà đầu tư”, tờ trình cho biết.

Theo giải trình của thành phố, dù Luật Đấu thầu, Luật Đất đai hạn chế áp dụng chỉ định thầu, cũng như nhược điểm của phương án này là tạo nguồn thu cho ngân sách chậm, việc công khai minh bạch lựa chọn nhà thầu còn hạn chế song ưu điểm của nó là thủ tục đơn giản, dễ thực hiện.

Khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức so sánh, Hà Nội sẽ xem xét hồ sơ đề xuất dự án của các nhà đầu tư và đánh giá theo các tiêu chí: Có đề xuất dự án được đánh giá tốt nhất, đảm bảo thực hiện dự án ngay sau khi lựa chọn nhà đầu tư, có đủ năng lực tài chính theo quy định, có kinh nghiệm thực hiện đầu tư các dự án phát triển đô thị và quản lý vận hành sau đầu tư..

TP. Hà Nội cho biết việc xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, đi trước một bước là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, nhu cầu vốn cho khoản mục này lên đến 33.000 tỷ đồng, gồm 22.200 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng khung và 10.800 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. “Hiện nguồn tiền ngân sách thành phố không có khả năng cân đối, nên việc xây dựng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư, tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng là cần thiết”, tờ trình nhấn mạnh.

Nhật Tân - Nội Bài là tuyến đường đối ngoại của Thủ đô, nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài. Theo chỉ đạo, Hà Nội đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường này. Quy hoạch chi tiết có quy mô 2.080 ha, chiều dài toàn tuyến 11,7 km, với điểm đầu là sân bay Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản