Doanh nghiệp địa ốc lạc quan với thị trường
 
93% trong 200 lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản châu Á-Thái Bình Dương lạc quan về triển vọng thị trường theo khảo sát của Jones Lang Lasalle trùng với tâm thế của đa số chủ đầu tư Việt Nam.
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

“Cắt bỏ” để vượt lên

Nếu quan sát kỹ diễn biến thị trường và động thái của các doanh nghiệp địa ốc trong hai “đợt sóng” Covid tháng 2 và tháng 8/2020 vừa qua sẽ thấy những khác biệt đáng kể khi trong đợt hai, các thành viên thị trường đã không còn tâm thế hoảng hốt, phập phồng như đợt một.

Có vẻ như nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quen với bối cảnh "bình thường mới" với một tâm thế bình tĩnh hơn và cũng nhìn nhận ra nhiều hơn những vấn đề nội tại trong doanh nghiệp để tiến hành tái cấu trúc một cách toàn diện.

Hay hiểu một cách đơn giản hơn, như cách nói của Tổng giám đốc Hải Phát Invest, ông Đoàn Hòa Thuận, giai đoạn khó khăn này là phép thử cho doanh nghiệp bất động sản và ai vượt qua thì cơ hội trong một vài năm tới sẽ cực lớn khi “thị trường đã thông thoáng hơn”.

Cũng từ khó khăn khách quan này mà các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn khả năng xuất hiện những rủi ro phi truyền thống để chuẩn bị các giải pháp phòng ngừa, hay quản trị hệ thống tốt hơn.

Ông Đoàn Hòa Thuận, Tổng giám đốc Hải Phát Invest

Đến tháng 9 vừa qua, Ban lãnh đạo Hải Phát Invest mới có thời gian để ngồi tĩnh tâm nhìn lại chặng đường dịch dã đã qua. Từ đầu năm nay, ngay sau những ngày nghỉ Tết Âm lịch là doanh nghiệp quay cuồng với việc giải quyết các tình huống, tình thế, từ hoạt động chống dịch, bảo đảm an toàn, đời sống cho cán bộ nhân viên đến sự đình trệ của thị trường và của các dự án, nỗi lo cạn kiệt dòng tiền…

“Thiệt hại chung cho cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn, nhưng theo tôi, cũng từ khó khăn khách quan này mà các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn khả năng xuất hiện những rủi ro phi truyền thống để chuẩn bị các giải pháp phòng ngừa, hay quản trị hệ thống tốt hơn ngay trong giai đoạn mọi việc tưởng vẫn xuôi chèo, mát mái”, ông Thuận tâm sự.

Xét về tổng quát, theo ông, Covid-19 làm thay đổi nhận thức toàn cầu, các quốc gia, mỗi doanh nghiệp cho đến người dân đều phải đánh giá lại công tác quản trị rủi ro cho mình, cho gia đình và cho các tổ chức mà mình là thành viên.

Bản thân Hải Phát Invest cũng đã và đang tiến hành xoay trục mô hình quản trị theo chiều dọc, phân quyền và giao sự chủ động nhiều hơn đối với từng đơn vị, chẳng hạn như việc thoái vốn ở một số công ty con như Công ty cổ phần Khách sạn và Nghỉ dưỡng IWG và Công ty TNHH một thành viên Địa ốc Châu Sơn hồi đầu tháng 9/2020.

Covid-19 dường cũng là chất xúc tác khiến các doanh nghiệp quyết đoán hơn trong các quyết định “quẳng gánh lo”. Câu chuyện một tập đoàn bất động sản hàng đầu vừa từ bỏ đề xuất triển khai một dự án 500 ha ở Thạch Thất hay ngay tháng trước là rút khỏi một dự án lớn ở Long An bởi “tình hình dịch bệnh khiến doanh nghiệp đã cân nhắc và đánh giá lại nhu cầu của thị trường bất động sản, và tập trung vào các dự án trọng điểm khác” cho thấy điều này.

Với DRH Holdings, tập đoàn này còn có động thái quyết liệt hơn khi từ bỏ dự án khu du lịch Lạc Việt tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - dự án bất động sản được xem là lớn nhất trong danh mục đầu tư của đơn vị này với diện tích đất lên tới 73 ha.

Trong chia sẻ gần đây, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch DRH Holdings cho biết, sau khi tính toán lại hiệu quả kinh doanh, trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chậm lại và đứng trước nhiều thách thức do dịch Covid-19, việc thoái vốn của DRH Holdings là quyết định phù hợp, vừa đảm bảo được doanh thu, lợi nhuận cũng như sự phát triển bền vững của Công ty trong thời gian tới.

Ngoài ra, DRH Holdings cũng đang tính toán lại khả năng tiếp tục tham gia phát triển dự án hồ Sông Mây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ban đầu DRH Holdings hợp tác cùng một công ty khác để phát triển dự án với tỷ lệ 70:30, trong đó đối tác góp bằng quỹ đất 20ha và DRH Holdings rót vốn thực hiện.

Lấp đầy lỗ hổng

Nhìn nhận một cách khách quan, thị trường bất động sản Việt Nam so với thế giới vẫn còn khá non trẻ và những bước phát triển nóng khoảng 10 năm nay khiến nhiều doanh nghiệp để lộ những lỗ hổng lớn trong quản trị, nổi bật là sự thiếu bài bản trong việc xây dựng chiến lược, tiềm lực tài chính tới hệ thống quản lý, nhân sự và đặc biệt là văn hóa doanh nghiệp.

Khi đối mặt với cúc sốc lớn Covid-19, doanh nghiệp thực sự "ngấm đòn", doanh thu của nhiều công ty sụt giảm đến 70 - 80%. Không những vậy, những lỗ hổng này còn dẫn đến hệ quả nghiêm trọng khi ban lãnh đạo không thể giải quyết được sự giằng xé giữa bài toán thu nhập hay sự tự hào về môi trường làm việc của những nhân sự cấp cao.

Ông chủ một tập đoàn phân phối bất động sản thuộc Top đầu của miền Bắc đang rất trăn trở khi nhiều nhân sự cấp cao xin nghỉ việc bởi không còn cảm thấy phù hợp với hướng đi của doanh nghiệp. Đau đầu về việc tìm người là một phần, nhưng nỗi lo lớn hơn là những lổ hổng trong văn hóa doanh nghiệp và chiến lược phát triển khiến người cũ ra đi vẫn còn đó.

Mặc dù vậy, theo ông, điều lạc quan là ban lãnh đạo công ty đã nhìn ra những lỗ hổng này để có hướng kiện toàn lại hệ thống quản trị cũng như xây dựng lại nền tảng giá trị văn hóa doanh nghiệp tối ưu hơn, bền vững hơn, tạo nhiều điều kiện hơn cho nhân sự có nhiều "bệ phóng" hơn để phát triển sự nghiệp. Đồng thời, thị trường đã ở đáy tâm lý và đã dần qua những khúc quanh, “khi cỗ xe cân bằng trở lại, chỗ ngồi đã gọn nhẹ hơn để có thể sớm tăng tốc”, vị này kỳ vọng.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest, ngoài việc tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, lãnh đạo công ty này cho rằng, hiện là thời điểm rất tốt để đưa ra chính sách thu hút các nhân sự tài năng để sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới của thị trường.

“Càng lâm vào khó khăn, thì càng cần tư duy đường dài, tư duy để thích ứng với mọi hoàn cảnh, thay vì lệ thuộc vào những nếp cũ”, đại diện Văn Phú - Invest chia sẻ.

Tất nhiên, tái cơ cấu hay thay đổi chiến lược là việc nói dễ hơn làm nhiều lần. Như TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia rằng, không có gì khó khăn hơn, khó có khả năng thành công hơn hay mang tính rủi ro nhiều hơn việc phải tạo lập một trật tự mới.

Nhưng theo ông Thành, với những thay đổi rất nhanh trên thị trường, các doanh nghiệp sẽ phải xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên năng lực cốt lõi, trong đó khía cạnh văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với doanh nghiệp, bởi nó là câu chuyện thay đổi tầm nhìn và ổn định nội bộ để tạo niềm tin trong nội bộ và lan tỏa ra bên ngoài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản