Thị trường địa ốc TP.HCM: Khách hàng thận trọng, giao dịch giảm mạnh
Trọng Tín - 24/07/2020 09:34
 
Doanh nghiệp đưa ra không ít chính sách kích cầu, song lượng giao dịch trên thị trường địa ốc TP.HCM chưa cải thiện, nhiều khách hàng có tâm lý chờ thêm thời gian do lo ngại ảnh hưởng của Covid-19.
.
Phần lớn khách mua vẫn thận trọng do tâm lý không chắc chắn về thị trường.

Giao dịch giảm mạnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về giao dịch. Nhiều chủ đầu tư cho biết, mặc dù họ đã xây dựng các chính sách bán hàng linh hoạt, nhưng lượng giao dịch vẫn rất ít.

Khảo sát mới đây của Công ty DKRA Việt Nam cho thấy, đến hết quý II/2020, sau khi Việt Nam kiểm soát được Covid-19, thị trường có ghi nhận những tín hiệu phục hồi khi nguồn cung mới tăng so với quý trước, song lượng tiêu thụ vẫn rất thấp.

Ở phân khúc đất nền, cả thị trường TP.HCM chỉ có 3 dự án ra mắt, cung cấp 193 nền, tăng 10% so với nguồn cung mới của quý I, nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 53%. Còn thị trường căn hộ giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số phân khúc khác sức mua cũng giảm.

“Khách hàng vẫn thận trọng, giao dịch chủ yếu đến từ những người có nhu cầu ở thực vì họ lo sợ khi thị trường hồi phục giá sẽ tăng”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nhận xét.

Tương tự, báo cáo về thị trường 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam cũng chỉ ra nhiều thách thức cho chủ đầu tư. Phần lớn khách mua vẫn thận trọng do tâm lý không chắc chắn về thị trường. Lượng giao dịch nửa đầu năm giảm 55% so với cùng kỳ 2019.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực, thì còn có một số giao dịch. Các dự án hướng đến khách hàng là nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái “nằm chờ”.

Lấy dẫn chứng từ phân khu Sunlake Shop Villas nằm trong Khu đô thị Vạn Phúc (quận Thủ Đức, TP.HCM) mà Tập đoàn Đại Phúc ra mắt thị trường cách đây ít tháng, bà Hương cho biết, dự án khi được giới thiệu ra thị trường tuy nhận được sự quan tâm của khách hàng, nhưng sức mua vẫn thấp, lượng khách hàng đầu tư dài hạn vẫn đang trong tâm lý thăm dò.

“Phần lớn tâm lý khách hàng vẫn lo ngại tác động của Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập. Để hỗ trợ khách hàng, Công ty đưa ra chính sách mua nhà chỉ thanh toán 25%, sau 2 năm nhận nhà thanh toán hết phần còn lại”, bà Hương nói.

Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Sea Holdings cũng thừa nhận, Dự án The Pearl Riverside (Bến Lức, Long An) mà doanh nghiệp này mở bán cách đây không lâu cũng ghi nhận lượng giao dịch giảm đáng kể, dù doanh nghiệp đã xây dựng nhiều chính sách như giãn tiến độ đóng tiền, vay ngân hàng lãi suất thấp...

“Thị trường vẫn còn tâm lý e dè. Nếu so với thời điểm trước dịch, thay vì 1 tháng chúng tôi bán được 100 căn, thì nay chỉ bán được 10 - 15 căn”, ông Phương cho biết.

Cơ hội cho người có nhu cầu ở thực

Phân tích về những thuận lợi và thách thức hiện nay mà doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp phải, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, ở thời điểm hiện tại, rõ ràng cơ hội đang dành cho người mua. Thông thường, bất động sản trong những năm kinh tế ổn định thì giá sẽ tăng khoảng 20 - 30%/năm. Trong khi đó, tiền lương cố định của khách hàng, những người có công việc ổn định, chỉ tăng khoảng 5 - 10%/năm. Biên độ tăng của tiền lương, thu nhập chính của khách hàng với mức độ tăng giá của bất động sản quá chênh nhau, khiến việc tiếp cận của họ ngày càng khó khăn.

“Ở thời điểm hậu dịch như hiện nay, các chủ đầu tư phải cân nhắc lại giá bán. Cần phải nói thêm rằng, đối với bất động sản đã hình thành hoặc đưa vào sử dụng thì ít có chuyện giảm giá, nhưng đối với những dự án mới thì sẽ được cân nhắc, có thể thấp hơn năm trước”, ông Phúc nói.

Còn đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, ông Phúc cho rằng, đây là giai đoạn khó khăn. Sức mua của thị trường yếu đi, trong khi doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều gánh nặng khác như chi phí lãi vay, chi phí cố định tăng nhiều hơn so với thời điểm chưa có dịch… Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ kèm theo cơ hội dành cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và sự chuẩn bị tốt.

Nhìn nhận về khả năng phục hồi của thị trường, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, thị trường phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động của Chính phủ. 

“Để thị trường thật sự phục hồi vẫn cần những giải pháp riêng. Ngoài việc tự thân vận động của doanh nghiệp, thì Nhà nước cần tháo gỡ những trở ngại về pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục chuyển mục đích sử dụng...”, bà Hương nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhìn nhận, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế khó chồng khó, nên các tập đoàn, doanh nghiệp cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Tất cả doanh nghiệp đều chịu tác động rõ rệt, sức mua căn hộ giảm, thị trường bất động sản du lịch và cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách trả lại”, ông Châu nói và cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại để tạo điều kiện cho thị trường phục hồi.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, những diễn biến tích cực đang củng cố thêm niềm tin về sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của thị trường trong năm 2020, nhưng chỉ rõ rệt từ nửa cuối năm, khi chính quyền TP.HCM vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản