Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bệ đỡ nông nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ
Minh Nhung - 16/01/2022 19:03
 
Nông, lâm nghiệp - thủy sản (gọi chung là nông nghiệp) là một trong 3 nhóm ngành đạt được nhiều kết quả tích cực, song cũng có một số vấn đề cần được tiếp tục xử lý để hỗ trợ.

Xứng danh là bệ đỡ

Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, nông nghiệp cùng với công nghiệp - xây dựng là 2 nhóm ngành của kinh tế thực có tỷ trọng lớn nhất, nên nước ta đã không bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tập trung vào các địa bàn đông dân cư, nhiều doanh nghiệp, các địa bàn sản xuất, xuất khẩu lớn… Trong bối cảnh này, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ, thể hiện ở nhiều mặt.

Một là, đón trở lại quê hương hàng triệu lao động thất nghiệp, thiếu việc làm từ các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ ở các đô thị.

Hai là, cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước, góp phần làm cho giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng giá tiêu dùng chung (0,72% so với 1,84%), góp phần giảm áp lực đối với mức sống thực tế của người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, người gặp khó khăn, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Ba là, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới, trong đó có 8 mặt hàng chính (theo Tổng cục Thống kê) đạt trên 1 tỷ USD.

Bốn là, tăng trưởng GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 đạt 2,68%, góp phần đưa tăng trưởng cả nước đạt 2,91% - nằm trong số ít nước tăng trưởng dương; năm 2021 gặp khó khăn lớn hơn, nhưng tăng trưởng GDP của nông, lâm nghiệp - thủy sản vẫn cao hơn năm trước (2,9%) và cao hơn tốc độ tăng chung của nền kinh tế (2,58%).

Cần được hỗ trợ

Sự hỗ trợ đầu tiên cần quan tâm là vốn đầu tư phát triển vào nông nghiệp có xu hướng giảm qua các năm và thấp xa so với tỷ trọng tương ứng trong GDP. Trong khi đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của nông nghiệp còn nhiều yếu kém, trong khi Việt Nam nằm trong sô ít nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Nhà nước cần đưa vốn về nông thôn để đầu tư. Đây là nguồn vốn “mồi” để kéo các nguồn vốn khác về tạo thành các cơ sở công nghiệp - xây dựng, dịch vụ nhằm thu hút số lao động từ nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Khi nông nghiệp tăng trưởng khá, phát triển toàn diện, sẽ có nhiều sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiêu thụ trong nước không chỉ tăng về số lượng, mà còn đa dạng, phong phú về chủng loại. Vấn đề cần quan tâm là nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn…

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có một số điểm quan trọng cần quan tâm, như bảo đảm vệ sinh an toàn; sơ chế để bảo quản được lâu dài, chế biến để nâng cao giá trị; có thương hiệu riêng; cơ cấu lại thị trường.

Trong các thị trường, lớn nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất. 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ đạt 11,52 tỷ USD, chiếm 30,6% kim ngạch mặt hàng nông, lâm nghiệp - thủy sản chính của cả nước (trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 59,4%; hạt điều chiếm 29,1%; thủy sản chiếm 23,4%…). Tuy nhiên, thị trường này dễ phát sinh các hàng rào kỹ thuật, kể cả về tiền tệ, nên cần xem xét cẩn thận để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vừa ở gần, vừa có dung lượng lớn, đang chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản (năm 2019 chỉ còn 7,1%)… Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính sang thị trường này đạt 8,13 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng số (trong đó, sắn và sản phẩm từ sắn chiếm 93,4%, cao su chiếm 68,9%; rau quả chiếm 53,9%…). Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu tiểu ngạch (chiếm khoảng 10%), lại thường xuyên bị ngừng trệ, nhất là từ cuối năm trước đến nay.

10 sự kiện nông nghiệp, nông thôn nổi bật năm 2021
10 sự kiện nổi bật nhất của ngành nông nghiệp được bình chọn trên cơ sở ý kiến góp ý của các chuyên gia nông nghiệp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư