Thứ Ba, Ngày 15 tháng 07 năm 2025,
Bệnh nhân mắc cùng lúc hai loại ung thư có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu
D.Ngân - 14/07/2025 20:39
 
Chỉ vì chủ quan với những dấu hiệu như nuốt nghẹn, đi ngoài ra máu và sụt cân không rõ lý do, một người đàn ông 54 tuổi ở Hà Nội đã được chẩn đoán mắc đồng thời hai loại ung thư ác tính là ung thư thực quản và ung thư trực tràng.

Chỉ vì chủ quan với những dấu hiệu bất thường như nuốt nghẹn, mệt mỏi, đi ngoài ra máu và sụt cân nhanh chóng, một người đàn ông 54 tuổi đã được phát hiện mắc đồng thời hai loại ung thư nguy hiểm là ung thư thực quản và ung thư trực tràng.

Ông T.V.S., trú tại Hà Nội, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trong tình trạng sức khỏe giảm sút rõ rệt.

Ung thư đường tiêu hóa hiện nằm trong nhóm bệnh lý ung thư phổ biến hàng đầu tại Việt Nam.

Bệnh nhân cho biết thời gian gần đây thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, đi ngoài nhiều lần mỗi ngày, phân sệt và thỉnh thoảng có lẫn máu. Đáng chú ý, ông sụt tới 3kg chỉ trong vòng 3 tháng mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Quá trình khai thác tiền sử cho thấy ông S. có thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia kéo dài trong nhiều năm, hai yếu tố nguy cơ điển hình dẫn đến các bệnh lý ác tính ở đường tiêu hóa.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng và nội soi tiêu hóa, bác sỹ phát hiện tại thực quản đoạn cách cung răng trên khoảng 30 cm có một khối sùi loét dài 4 cm, bề mặt nham nhở và dễ chảy máu khi chạm vào.

Kết quả sinh thiết cho thấy đây là ung thư biểu mô tế bào vảy xâm nhập độ 2, một dạng ung thư thực quản phổ biến, thường liên quan đến hút thuốc và uống rượu.

Tuy nhiên, điều khiến các bác sỹ không khỏi bất ngờ là trong quá trình nội soi đại trực tràng, một khối sùi loét lớn tiếp tục được phát hiện ngay sát ống hậu môn, chiếm gần toàn bộ chu vi lòng trực tràng và gây cản trở quá trình soi.

Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết xác nhận bệnh nhân đồng thời mắc thêm ung thư biểu mô tuyến trực tràng kém biệt hóa, có thành phần tế bào nhẫn, một thể ung thư tiến triển nhanh, dễ di căn và có tiên lượng xấu nếu phát hiện muộn.

Như vậy, ông S. được chẩn đoán mắc đồng thời hai loại ung thư ác tính ở đường tiêu hóa, một tình huống hiếm gặp và đòi hỏi sự phối hợp điều trị chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa.

Theo Ths.Lưu Tuấn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Tiêu hóa, Hệ thống Y tế MEDLATEC, ung thư đường tiêu hóa hiện nằm trong nhóm bệnh lý ung thư phổ biến hàng đầu tại Việt Nam.

Những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng, không chỉ ở người cao tuổi mà còn ở cả những người trẻ. Nguyên nhân thường đến từ lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn uống không điều độ, ít vận động và đặc biệt là thói quen chủ quan, không thăm khám định kỳ.

Thống kê từ GLOBOCAN năm 2022 cho thấy Việt Nam ghi nhận hơn 36.000 ca mắc mới ung thư đường tiêu hóa mỗi năm, trong đó có đến trên 25.000 ca tử vong. Đây là một con số đáng báo động.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Thành, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời theo đúng phác đồ, nhiều loại ung thư tiêu hóa hoàn toàn có thể chữa khỏi hoặc kiểm soát lâu dài. Hiện nay, nội soi tiêu hóa là phương pháp hiện đại giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm.

Can thiệp sớm không chỉ nâng cao tỷ lệ sống còn mà còn giúp giảm chi phí điều trị và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Bác sỹ khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao, nên thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa định kỳ mỗi năm một lần.

Những người trên 50 tuổi, người có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều năm, người có người thân trong gia đình từng mắc ung thư dạ dày hoặc đại tràng, hay những trường hợp đã được chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày mạn tính đều nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Việc tầm soát bằng các phương pháp nội soi thực quản, dạ dày và đại tràng giúp phát hiện sớm ung thư ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt, từ đó mở ra cơ hội điều trị hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trường hợp của ông S. là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về sự nguy hiểm của ung thư đường tiêu hóa và hậu quả của việc chủ quan với các dấu hiệu sớm.

Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là đối với những người có lối sống không lành mạnh hoặc có yếu tố nguy cơ cao.

Phát hiện sớm không chỉ là chìa khóa sống còn, mà còn là cơ hội để người bệnh giành lại cuộc sống khỏe mạnh từ tay căn bệnh hiểm nghèo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư