Thứ Năm, Ngày 08 tháng 05 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 7/5: Phẫu thuật - Chìa khóa sống còn trong điều trị ung thư phát hiện sớm
D.Ngân - 07/05/2025 10:18
 
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị chính của bệnh ung thư, giúp loại bỏ nhanh chóng khối u hoặc mô ung thư ra khỏi cơ thể.

Phẫu thuật sớm là "chìa khóa vàng" cứu người bệnh ung thư

Đặc biệt, ở những bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm, phẫu thuật có thể điều trị triệt để, mang lại cơ hội khỏi bệnh đến 99% mà không cần hóa trị hay xạ trị sau đó, như các trường hợp ung thư vú, tuyến giáp, đại tràng...

Bác sỹ đang trong một ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít người bệnh ung thư, đặc biệt là người lớn tuổi mắc kèm nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận, tim mạch... thường từ chối phẫu thuật vì sợ rủi ro, lo bệnh nặng hơn, dẫn đến bỏ lỡ thời điểm điều trị tối ưu.

Tại một cơ sở y tế đa khoa tại TP.HCM, các bác sỹ đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp bệnh nhân ung thư có bệnh nền từ chối phẫu thuật trước đó vì lo ngại đụng “dao kéo” sẽ khiến tế bào ung thư di căn, hay làm trầm trọng thêm bệnh nền.

Trường hợp của bà T.V.N.T (67 tuổi, Đồng Nai) là một ví dụ. Năm 2023, bà phát hiện một khối u nhỏ như hạt đậu phộng ở ngực trái và được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 0. Tuy nhiên, với tâm lý sợ hãi do tuổi cao, mắc suy thận mạn giai đoạn 4 và tăng huyết áp, bà quyết định không điều trị, chọn cách “sống được ngày nào hay ngày đó” bất chấp sự thuyết phục của con cháu.

Đến đầu tháng 11/2024, khối u phát triển to bằng trái tắc, cơ thể bà xanh xao. Gia đình buộc phải đưa bà đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 để tìm phương án điều trị.

Kết quả siêu âm, chụp nhũ ảnh và sinh thiết cho thấy ung thư vú trái đã tiến triển đến giai đoạn 2, xâm lấn mô vú xung quanh. Bệnh nhân cần phẫu thuật cắt tuyến vú, sinh thiết hạch gác cửa và nạo hạch nách nếu phát hiện di căn.

Dù rất lo lắng, bà T. vẫn còn mang nỗi sợ phẫu thuật vì bệnh nền nặng. Để thuyết phục bà hợp tác điều trị, các bác sỹ đã tổ chức hội chẩn giữa các chuyên khoa nhằm đánh giá và kiểm soát chức năng thận, đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra an toàn.

Theo bác sỹ CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, trong cuộc phẫu thuật, nếu không kiểm soát tốt kali máu và lượng dịch đưa vào cơ thể, bà T. có thể gặp nguy cơ phù phổi cấp hoặc ngưng tim bất cứ lúc nào.

Do đó, êkip gây mê hạn chế truyền dịch, kiểm tra kỹ nồng độ kali trước khi gây mê và lựa chọn loại thuốc ít thải qua thận, ít ảnh hưởng đến tim, tự phân giải trong huyết tương để không tồn dư trong cơ thể.

Liều lượng thuốc được tính toán cẩn trọng và theo dõi chặt chẽ bằng hệ thống máy monitor 10 thông số, giúp kiểm soát huyết áp, độ sâu gây mê, mức độ đau, nhịp tim, độ giãn cơ... trong suốt quá trình phẫu thuật, đảm bảo kịp thời xử lý những bất thường xảy ra.

Êkip cũng đặt hệ thống đo huyết áp động mạch xâm lấn, cho kết quả chính xác theo thời gian thực đến từng mmHg, giúp phát hiện sớm mọi bất thường để điều chỉnh thuốc kịp thời. So với phương pháp đo huyết áp bằng tay mất đến 30 giây đến 1 phút mới cho kết quả, kỹ thuật này giúp giảm đáng kể nguy cơ tai biến như thiếu máu não trong mổ.

Khi gây mê ổn định, ekip bác sỹ tại đây tiến hành tiêm thuốc màu xanh vào quầng vú, rạch da và lấy hạch bắt màu xanh (hạch gác cửa) gửi làm giải phẫu bệnh.

Trong lúc chờ kết quả, ca phẫu thuật cắt tuyến vú trái được thực hiện. Sau 20 phút, kết quả trả về xác nhận có tế bào ung thư trong hạch gác cửa, đồng nghĩa ung thư đã di căn hạch nách. Ngay lập tức, ekip tiếp tục nạo hạch nách trái và khâu đóng vết mổ. Tổng thời gian phẫu thuật kéo dài 90 phút.

Sau mổ, thuốc giải giãn cơ được truyền vào cơ thể. Bà T. xuất viện chỉ sau 24 giờ phẫu thuật. Sau khi hồi phục, bà tiếp tục hóa trị và xạ trị nhằm giảm nguy cơ tái phát. Dù tiên lượng sống sau 5 năm của bà hiện nay là khoảng 70%, nếu phẫu thuật ngay từ giai đoạn đầu, cơ hội sống có thể đạt đến 99% và không cần hóa trị hay xạ trị.

Theo Ths. Huỳnh Bá Tấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư có từ lâu đời và giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị đa mô thức (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch…).

Phẫu thuật không làm bệnh nặng hơn như nhiều người lo sợ. Trong một số trường hợp, sau phẫu thuật, bác sỹ xác định giai đoạn bệnh nặng hơn không phải vì “mổ làm lây lan”, mà do các kỹ thuật chẩn đoán trước mổ như nội soi, CT, MRI… chưa phát hiện được tổn thương nhỏ hoặc rải rác. Phẫu thuật chính là cách để đánh giá chính xác hơn và giúp điều trị hiệu quả hơn.

Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, các phương tiện chẩn đoán và điều trị được nâng cao, giúp bác sỹ giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Những biến chứng như tụt huyết áp, nhiễm trùng, chảy máu… đều có thể được kiểm soát nếu ca mổ được thực hiện tại bệnh viện có đầy đủ chuyên khoa, thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sỹ nhiều kinh nghiệm.

Bác sỹ Khương chia sẻ, gây mê cho người có bệnh nền rất khác biệt và phức tạp, đòi hỏi bác sỹ phải theo dõi sát, điều chỉnh thuốc kịp thời để tránh tai biến trong mổ và hậu phẫu. Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Vì vậy, gây mê hồi sức đóng vai trò sống còn trong thành công của ca mổ.

Thời gian gây mê cho người có bệnh nền cần được rút ngắn tối đa, kỹ thuật gây mê - phẫu thuật phải chính xác từng phút để đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh. Việc trì hoãn phẫu thuật có thể khiến bệnh tiến triển nhanh, lan rộng, làm mất cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn.

Ngược lại, khi được phát hiện và can thiệp sớm, người bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần hóa trị hay xạ trị, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm đau đớn điều trị.

Khám miễn phí bệnh gù, vẹo cột sống ở trẻ: Phát hiện sớm, tránh di chứng nặng nề

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức chương trình khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em dưới 18 tuổi mắc bệnh lý gù, vẹo cột sống, với mong muốn phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ biến dạng cột sống nặng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tâm lý.

Bốn năm trước, bệnh nhi B.Đ. (3 tuổi, Thanh Hóa) được phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng cột sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bé mắc dị tật nửa đốt sống L1 từ 2 tuổi, dẫn tới cong vẹo cột sống ngực - thắt lưng bẩm sinh mức độ lớn, khiến việc cúi, ngửa trở nên khó khăn, vận động bị hạn chế.

Tình trạng vẹo cột sống của bé đã ở mức độ nặng, với góc vẹo lên tới 66 độ. Theo các bác sỹ, nếu đợi đến khi bé được 6 tuổi trở lên mới phẫu thuật thì không thể chỉnh sửa được cột sống. Nhờ được can thiệp sớm, biến dạng cong vẹo đã được nắn chỉnh hiệu quả mà không gây tổn thương thần kinh. Sau mổ, bệnh nhi hồi phục tốt, hai chân vận động bình thường và đã có cuộc sống ổn định trong suốt 4 năm qua.

Theo TS.Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm Khoa Chấn thương và Chỉnh hình Cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gù, vẹo cột sống là bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và chức năng cơ thể.

Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nhanh, gây biến dạng nặng, ảnh hưởng tới tim, phổi, gây suy hô hấp, thiểu sản lồng ngực, thậm chí đe dọa tính mạng. Ngay cả trong trường hợp nhẹ, bệnh cũng ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến trẻ tự ti, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý.

Chương trình khám sàng lọc miễn phí được tổ chức từ ngày 12/5 đến 1/6/2025, dành cho trẻ dưới 18 tuổi có dấu hiệu gù, vẹo cột sống. Đây là cơ hội để phát hiện bệnh lý cột sống sớm, tránh phải điều trị muộn hoặc thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp.

Các dấu hiệu nghi ngờ vẹo cột sống ở trẻ bao gồm hai vai không cân xứng, đầu lệch sang một bên, bả vai nhô lệch, mặc quần áo không đều hai bên, một bên cơ thể gầy hơn rõ rệt, hai chân dài ngắn khác nhau hoặc một bên hông nhô cao bất thường.

TS.Hậu nhấn mạnh, việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn gù, vẹo tiến triển nặng hơn, giảm nguy cơ phải phẫu thuật can thiệp lớn, đồng thời cải thiện toàn diện chất lượng sống và hình thể cho trẻ.

Phẫu thuật thành công u não hiếm gặp do hội chứng di truyền ở bệnh nhân 14 tuổi

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật khối u não hiếm gặp cho một bệnh nhân nữ 14 tuổi mắc hội chứng di truyền Von Hippel-Lindau. Đây là một trong ba ca hiếm gặp được ghi nhận tại bệnh viện trong suốt 10 năm qua.

Bệnh nhân là nữ, 14 tuổi, phát hiện có khối u tại nền sọ bên trái, phát triển từ xương đá. Trước đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật hai lần tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM, nhưng chỉ dừng lại ở sinh thiết u, với chẩn đoán ban đầu là u máu trong xương. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân liên tục xuất hiện tình trạng chảy máu tai từng đợt, gây lo lắng kéo dài cho gia đình.

Đến cuối tháng 2/2025, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thăm khám và được chẩn đoán mắc u não thái dương.

Qua hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sỹ tại đây nghi ngờ bệnh nhân mắc hội chứng Von Hippel-Lindau - một rối loạn di truyền hiếm gặp, gây hình thành các u mạch máu tại nhiều cơ quan trong cơ thể như não, tủy sống, thận và tụy.

Đặc biệt, trường hợp này có sự xuất hiện của một khối u rất hiếm gặp: u túi nội dịch - một loại u lành tính nhưng dễ tái phát, chỉ gặp ở số rất ít bệnh nhân trong các ca bệnh liên quan đến hội chứng Von Hippel-Lindau.

Tiền sử gia đình càng củng cố thêm khả năng chẩn đoán: bố của bệnh nhân cũng từng mắc u nguyên bào mạch máu ở hố sau và phải mổ lại tại chính Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do biến chứng rò dịch não tủy.

Người cha cũng từng phẫu thuật u tế bào thận - một biểu hiện đặc trưng khác của hội chứng này. Bản thân bệnh nhân có nang thận và nang tụy, phù hợp với các biểu hiện lâm sàng của hội chứng Von Hippel-Lindau.

Ngày 6/3, dưới sự phối hợp của TS.Đào Trung Dũng, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai và các bác sỹ Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ca phẫu thuật kéo dài từ 8h sáng đến 22h đêm đã được thực hiện thành công. Ê-kíp đã cắt bỏ 90% khối u có kích thước lớn (58x67x65mm), bảo tồn dây thần kinh mặt cho bệnh nhân.

Khối u đã xâm lấn xương đá, đè đẩy thân não và chèn ép các nhu mô não xung quanh, khiến ca phẫu thuật trở nên phức tạp và đầy rủi ro.

Tuy nhiên, với kỹ thuật phẫu thuật thần kinh hiện đại và công tác gây mê hồi sức hiệu quả từ kíp bác sỹ Bùi Thị Hạnh (Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa), bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, không có biến chứng thần kinh mới, chức năng dây thần kinh số 7 được bảo toàn ở mức trước phẫu thuật.

Kết quả giải phẫu bệnh xác nhận khối u là u túi nội dịch đúng với chẩn đoán lâm sàng ban đầu. Đây là một dạng u lành tính, tuy nhiên dễ tái phát nếu không được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, không ghi nhận biến chứng nghiêm trọng.

Hiện tại, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi bởi hội đồng ung thư thần kinh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để xác định phương án điều trị lâu dài, phòng ngừa nguy cơ tái phát và biến chứng. Trường hợp này cũng cho thấy vai trò quan trọng của tầm soát di truyền và điều trị đa chuyên khoa trong các bệnh lý thần kinh phức tạp liên quan đến hội chứng di truyền.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư