Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 04 tháng 08 năm 2024,
Bệnh viện có được vay mượn thuốc chữa bệnh?
D.Ngân - 02/08/2024 22:04
 
Trong khi bệnh nhân cấp cứu cần thuốc chữa bệnh, các bệnh viện có thể vay mượn thuốc của nhau để cứu chữa bệnh nhân hay không?

Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo Phổ biến nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức ngày 2/8.

Hết cảnh mua thuốc giá rẻ, chất lượng tệ!

Hội thảo đầu tiên được tổ chức trong số các cơ sở y tế về công tác đấu thầu sau khi nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu  ban hành đã thu hút sự tham gia của rất đông cán bộ làm công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị của các bệnh viện lớn, nhỏ trên cả nước.

Hội thảo đầu tiên được tổ chức trong số các cơ sở y tế về công tác đấu thầu đã thu hút sự tham gia của rất đông cán bộ làm công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị của các bệnh viện lớn, nhỏ trên cả nước.

Tại Hội thảo, TS.Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế là vấn đề “nóng” thời gian qua. Vậy nên, Bệnh viện đã có nhiều nỗ lực để công tác này bớt nhọc nhằn, với phương châm không để người bệnh bị ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.

Nguyên tắc thực hiện đấu thầu thuốc mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và các bệnh viện nói chung đang thực hiện là công khai, minh bạch, tiết kiệm và có khả năng giải trình.

Nói về công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế tại cơ sở theo TS. Hùng, từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu bắt đầu có hiệu lực, sau đó một loạt nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành đã giúp cho bệnh viện nhiều trong công tác mua sắm.

Theo đó, nhiều quy định mới đã giúp bệnh viện tháo gỡ khó khăn, thậm chí có những quy định là bước tiến lớn thay đổi toàn bộ quá trình mua sắm tại cơ sở, như không nhất thiết mua hàng với giá thấp nhất, hay bỏ quy định về nguồn gốc xuất xứ, giúp bệnh viện mua sắm được hàng tốt, giá hợp lý, tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Chẳng hạn, với sản phẩm rất nhỏ được dùng là băng dính trong bệnh viện. Trước kia, với quy định cũ các bệnh viện phải mua giá rẻ nhất, nên có loại băng dính giá rẻ, chất lượng kém đã trúng thầu, hệ quả khi sử dụng đã kéo theo cả mảng da của người bệnh.

Hiện nay, điều này đã được khắc phục, bệnh viện không bị buộc phải mua hàng rẻ nhất, mà được mua sản phẩm tốt, chính hãng, giá hợp lý và tuân thủ đúng pháp luật.

Khi nói về khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình mua sắm, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt câu hỏi với đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về vấn đề vay mượn thuốc chữa bệnh.

Sở dĩ TS.Hùng nêu ra vấn đề này là bởi đây là thực tế xảy ra thường xuyên trong các bệnh viện với các ca bệnh cấp cứu để giành giật tính mạng người bệnh.

"Với một số thuốc mà bệnh nhân cần nhưng bệnh viện không có thì có được đi mượn bệnh viện khác để cứu bệnh nhân? Khi mượn thuốc như vậy thì có vi phạm quy định?", lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu.

Trường hợp mượn thuốc, khi trả có phải thực hiện nguyên tắc trả đúng tên thuốc, ngang bằng giá thành và tương đương hạn dùng?

Với nội dung trên theo ông Lê Xuân Hoành, Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, theo quy định, việc mua bán thuốc chỉ được diễn ra giữa các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh còn các bệnh viện là đơn vị sự nghiệp nên không có quyền sang nhượng.  Ông Hoành cũng nói thêm rằng, việc sang nhượng thuốc chỉ được thực hiện với thuốc phóng xạ.

Với thực tế phát sinh như Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu, theo ông Hoành, cơ quan quản lý sẽ có nghiên cứu để có đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi và ưu tiên cao nhất cho sức khỏe và tính mạng của người dân.

Thiếu thuốc, chờ mổ, vì đâu nên nỗi?

Trước phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, bệnh nhân phải chờ mổ thời gian dài theo TS.Dương Đức Hùng, điều này là thực tế và bệnh viện đang có nhiều nỗ lực để khắc phục.

TS.Dương Đức Hùng trao đổi với phóng viên về tình trạng thiếu thuốc, chờ mổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, với các thuốc tương đương sinh học, không có thuốc này thì có thuốc khác tương đương thay thế, nên nhìn chung thuốc điều trị không thiếu.

Tuy nhiên, với những thuốc đặc thù như Albumin và Gamma Globulin do không có đối tác tham gia thầu, bệnh viện không mua sắm được nên tình trạng thiếu là có thật. Theo TS.Hùng, trường hợp này là bất khả kháng.

Thuốc gây mê cũng thiếu do không có loại thay thế, trong khi nhu cầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rất lớn bởi là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, mỗi ngày Bệnh viện thực hiện từ 270 tới 300 ca mổ phiên và 30 - 40 ca mổ cấp cứu.

Giám đốc Dương Đức Hùng cũng cho biết thêm, trước kia, nhà thuốc bệnh viện đã giải quyết được nỗi lo về thuốc điều trị cho bệnh nhân nội trú và cả ngoại trú.

Tuy nhiên, hiện các quy định mới về mua sắm đấu thầu thắt chặt khiến hệ thống nhà thuốc trong tất cả hệ thống bệnh viện công đều đang gặp khó khăn.

Lý giải tình trạng thiếu thuốc mê, theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đầu tháng 5 vừa qua, khi thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu được ban hành, ngay sau đó các bệnh viện mới bắt tay làm hồ sơ để thầu. Thời gian để làm hồ sơ kéo dài sẽ khiến quá trình mua bán bị chậm lại.

“Thuốc mới thì chưa đấu thầu được, bệnh viện lại không có thuốc thay thế, không thể vay mượn nên tình trạng thuốc mê bị thiếu là không thể tránh được”, TS. Dương Đức Hùng thừa nhận.

Vì thiếu thuốc mê nên song song làm ngày làm đêm hồ sơ thầu, bệnh viện phải thực hiện điều tiết các ca mổ cho hợp lý. Cụ thể, Bệnh viện phải giảm ca mổ phiên, các ca phẫu thuật không cấp thiết, có thể chờ như phẫu thuật tháo nẹp vít, phẫu thuật thẩm mỹ..., còn lại các ca mổ ung thư, mổ cấp cứu, hay ghép tạng từ người cho chết não... vẫn được đảm bảo.

"Nếu không điều tiết, không có thuốc mê, thì ngay cả các ca mổ cấp cứu cũng không thể thực hiện. Vậy nên Bệnh viện buộc giảm bớt số lượng chứ không gián đoạn mổ. Thực tế cho thấy việc điều tiết hiệu quả, nay thuốc mê giải quyết xong, số lượng ca mổ đã tăng trở lại", TS.Hùng nói thêm.

Với thời gian chờ mổ kéo dài, ngoài nguyên nhân chủ quan như phân tích ở trên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là tuyến cuối, bệnh nhân khắp nơi đổ về, số giường bệnh có hạn. Tất cả phòng mổ của Bệnh viện hoạt động hết công suất, các y, bác sỹ gắng sức phẫu thuật tới 9-10 giờ tối.

Và theo TS. Hùng, các nhân viên y tế đã nỗ lực nhiều và không thể cố thêm, bởi như vậy sẽ không đảm bảo được chất lượng khám chữa bệnh, mà với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chất lượng luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, không được phép lơ là.

Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký Quyết định số 3958/QĐ-UBND về việc phê duyệt các quy trình nội bộ giải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư