Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Bệnh viện TNH sắp huy động hơn 152 tỷ đồng từ cổ đông để trả nợ
Duy Bắc - 08/09/2024 07:53
 
CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (mã TNH - sàn HoSE) thông qua kế hoạch chào bán hơn 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giá chào bán thấp 58,3% so với giá thị trường.

Ngày 18/9 tới đây, Bệnh viện TNH sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chào bán cổ phiếu tỷ lệ 100:13,8, tương ứng chào bán tổng cộng 15.202.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và huy động 152,02 tỷ đồng.

Được biết, giá cổ phiếu tính theo thị trường của cổ phiếu TNH ngày 6/9 là 24.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, giá chào bán cổ phiếu đang thấp hơn 58,3% so với giá thị trường.

Trong đó, thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 24/9 đến ngày 7/10, thời gian đăng ký mua từ ngày 24/9 đến ngày 14/10 và thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 24/9 đến ngày 14/10.

Trong kế hoạch chào bán cổ phiếu đầu năm, số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là hơn 152 tỷ đồng, Bệnh viện TNH sẽ dùng hơn 92 tỷ đồng để trả nợ vay các cá nhân; 20 tỷ đồng trả nợ vay các tổ chức tín dụng; và 40 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn lưu động.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Bệnh viện TNH ghi nhận doanh thu đạt 222,49 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 53,6 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 44,5% về 36,3%.

Trong năm 2024, Bệnh viện TNH đặt kế hoạch doanh thu 540 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024, Bệnh viện TNH đã hoàn thành 34,6% so với kế hoạch năm.

Gia hạn thời gian trả nợ cho thành viên HĐQT

Một điểm đáng lưu ý, trước đó, Bệnh viện TNH thông qua việc ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian vay vốn các thành viên HĐQT với số tiền 92 tỷ đồng, đây là số tiền Công ty vay các lãnh đạo để trả nợ trái phiếu phát hành năm 2020.

Thời gian gia hạn đến ngày 31/3/2025. Lý do là công ty cần thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023 và có nguồn vốn mới để bố trí trả nợ theo hợp đồng đã ký.

Thực tế, đây đã là lần thứ ba mà Bệnh viện TNH gia hạn thời gian trả nợ. Trong đó, lần đầu tiên Công ty xin gia hạn đến ngày 31/5/2024 và lần thứ hai xin gia hạn đến ngày 31/10/2024.

Khoản vay này không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng vào ngày 1/9/2022. Trong đó, danh sách các thành viên HĐQT đã cho Bệnh viện TNH vay bao gồm ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT (35,6 tỷ đồng); ông Lê Xuân Tân (11,4 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Thuỷ (35 tỷ đồng); ông Nguyễn Xuân Đôn (10 tỷ đồng).

Lượng tiền mặt hạn chế, trong khi nhu cầu vốn lớn

Theo tìm hiểu, từ một bệnh viện tại tỉnh Thái Nguyên, Bệnh viện TNH liên tục mở rộng đầu tư bệnh viện ở các tỉnh lân cận và tham vọng trở thành một công ty quy mô khi sở hữu chuỗi bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Ban lãnh đạo Bệnh viện TNH chia sẻ tham vọng nâng công suất lên khoảng 2.000 đến 2.500 giường bệnh (hiện tại là 600 giường) trong hệ thống trước năm 2030, khi hướng tới các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… với mục tiêu 10 bệnh viện, đồng thời cũng đặt mục tiêu tăng doanh thu thông qua các dịch vụ cao cấp hơn tại bệnh viện như tiêm chủng và mở phòng khám mới.

Hiện Bệnh viện TNH đã hoàn thiện và chuẩn bị đưa Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên tại tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng Dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn và đẩy mạnh triển khai một số dự án khác gồm góp vốn liên kết xây dựng dự án bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội); triển khai đầu tư thực hiện Dự án Bệnh viện đa khoa chuyên sâu về Ung bướu - TNH tại Đà Nẵng.

Được biết, Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên vừa điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 135,1 tỷ đồng, lên 752,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu được Công ty chia sẻ là do giá nguyên liệu, vật liệu, nhân công và các chi phí khác có biến động tăng; tăng vốn đầu tư Dự án Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thêm 145,44 tỷ đồng, lên 803,24 tỷ đồng và giảm quy mô Dự án Bệnh viện Đa khoa Yên Bình (Thái Nguyên) từ 300 giường về 200 giường. Trong đó, giai đoạn I đi vào hoạt động từ năm 2019 với quy mô 150 giường và sẽ giảm quy mô giai đoạn II để phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Các bệnh viện đều được xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất tốt, nhân sự có chuyên môn cao. Khi Bệnh viện TNH Hà Nội đi vào hoạt động, thì đã có nền tảng từ 5 bệnh viện khác đã hoạt động. Các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng là trung tâm đào tạo nhân lực, cung cấp nhân lực cho hệ thống”, ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2024 về chiến lược phát triển và đảm bảo nguồn lực mở rộng chuỗi bệnh viện.

Phòng Phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, Bệnh viện TNH cần khoảng 4.363 tỷ đồng cho việc đầu tư, mở rộng 6 bệnh viện, bao gồm Bệnh viện TNH Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản TNH, Bệnh viện Mắt TNH, Bệnh viện Quốc tế TNH giai đoạn III, Bệnh viện TNH Lạng Sơn giai đoạn I và Bệnh viện TNH Việt Yên.

Thực tế, tại thời điểm 30/6/2024, Bệnh viện TNH chỉ sở hữu 21,5 tỷ đồng tiền mặt (đầu năm 201,3 tỷ đồng), nhưng tổng nợ vay lên tới 595,1 tỷ đồng, bằng 34,9% tổng vốn chủ sở hữu.

Với nhu cầu vốn đầu tư lên tới khoảng 4.363 tỷ đồng, trong khi lượng tiền mặt chỉ còn 21,5 tỷ đồng, Bệnh viện TNH nhiều khả năng sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm tăng vốn hoặc tăng vay nợ để đáp ứng nhu cầu.

SSI Research dự báo, chi phí vận hành/đầu tư của 2 bệnh viện mới là Bệnh viện TNH Việt Yên và Bệnh viện TNH Lạng Sơn có thể khiến biên lợi nhuận ròng giữ ở mức thấp trong năm 2025, đồng thời doanh thu trong tương lai có thể chậm do quá trình đăng ký bệnh viện tốn nhiều thời gian, cũng như Công ty đã giảm quy mô kế hoạch mở rộng Bệnh viện TNH Yên Bình để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

TNH khởi công Bệnh viện TNH Lạng Sơn
Ngày 29/2, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH – sàn HOSE) khởi công xây dựng Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô 10 tầng và 300...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư