Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt
Thanh Tân - 10/08/2021 14:08
 
Hiện thế giới chuyển động rất nhanh, nếu không tạo ra được tư duy khác biệt, sản phẩm khác biệt thì không bao giờ phát triển được.
Chiến lược phát triển kinh tế của Hải Dương tới năm 2030 sẽ là: Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển  	Ảnh: Thành Chung
Chiến lược phát triển kinh tế của Hải Dương tới năm 2030 sẽ là: Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển Ảnh: Thành Chung

Điều trên trở thành triết lý chính thức cho định hướng, hoạt động của Hải Dương trong nhiệm kỳ này và chặng đường sắp tới. Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư. 

Hải Dương đã rất thành công trong việc tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đặc biệt đã vượt qua được đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3. Điều đó cho thấy, Hải Dương đã có một nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội rất ổn định. Ông có đồng ý với nhận định này?

Đúng vậy. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII được tổ chức từ ngày 25/10/2020 đến 27/10/2020 tại Trung tâm Văn hoá xứ Đông đã thành công tốt đẹp. Nhìn nhận lại 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao. Hải Dương tự cân đối ngân sách và có đóng góp với ngân sách Trung ương.


Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương
Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cũng đã diễn ra an toàn, thành công, nhất là trong bối cảnh Hải Dương vừa trải qua đợt bùng phát thứ 3 dịch Covid-19. Việc vượt qua dịch bệnh với thiệt hại thấp nhất đã cho thấy một Hải Dương dù lúc đầu có bị bất ngờ, song đã rất vững vàng, bản lĩnh. Đây là minh chứng rõ nét nhất về ý thức, trách nhiệm, sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương. Điều đó cũng khẳng định, giờ đây Hải Dương đã có khả năng vừa chống dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo được sự an toàn trong đời sống của nhân dân, hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” như Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu.

Vậy nếu tự định vị, thì Hải Dương thấy mình đang ở đâu trong sự phát triển chung của đất nước và các tỉnh trong vùng, thưa ông?

Nhìn nhận rõ mình là việc làm rất quan trọng và cần thiết. Chỉ có nhìn rõ mình, ta mới biết ta đang ở đâu, từ đó hoạch định được đường hướng đi tới.

Có thể nói, Hải Dương có quy mô kinh tế khá lớn, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) ước năm 2020 đạt 134.000 tỷ đồng (xấp xỉ 5,8 tỷ USD), đứng thứ 11/63 cả nước, thứ 5/11 vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, do dân số đông (2 triệu người), nên GRDP bình quân/người của tỉnh chỉ đạt gần 70 triệu đồng (69,8 triệu đồng, tương đương 3.020 USD) thấp hơn bình quân cả nước. GRDP bình quân của tỉnh đứng thứ 19/63 cả nước, thứ 7/11 vùng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh tương đối tốt, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản thấp hơn cả nước, nhưng chỉ ở mức trung bình so với vùng và đứng cuối cùng so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Bên cạnh đó, tỷ trọng các ngành dịch vụ đạt 31,3%, còn thấp hơn bình quân cả nước (khoảng 45%) và vùng (bình quân 48%).

Hải Dương là 1/16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương từ năm 2017, nhưng mức điều tiết mới chỉ là 2%, thấp nhất trong 16 tỉnh, thành phố. Về tổng thu ngân sách trên địa bàn, năm 2019 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, đứng thứ 15/63 cả nước, thứ 6/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.

Về chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền địa phương, theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, Hải Dương nằm trong nhóm trung bình với 62,52 điểm, đứng thứ 47/63 cả nước, thấp hơn Hưng Yên (62,23 điểm) - địa phương xếp sau Hải Dương trong bảng xếp hạng năm 2019.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 của Hải Dương bị giảm 2,93 điểm so với năm 2019, đạt 42,81 điểm, ở vị trí 30/63 tỉnh thành phố và đứng thứ 14 trong nhóm 16 tỉnh, thành phố xếp loại trung bình cao toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, năm 2019 đạt 80,94 điểm, tăng 8 bậc và đứng thứ 33 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố; năm 2020 tiếp tục được cải thiện và thăng thêm 3 bậc, đứng thứ 30/63.

Nghiêm túc nhìn nhận thì chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập (thể hiện qua PCI ở nhóm cuối cả nước), các đánh giá về thực hiện cải cách hành chính (thể hiện qua Par Index) cũng chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, hiệu quả điều hành và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp (thể hiện qua PAPI) là khá tốt.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoạch định con đường đi của Hải Dương từ nay đến hết năm 2025 và tầm nhìn 2030, 2045 như thế nào? Ông có thể khái quát những nội dung cơ bản nhất?

Đó là, nền kinh tế sẽ được cơ cấu lại theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh để có bước phát triển bứt phá và mạnh mẽ, với mục tiêu phấn đấu rất cao: đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh tới năm 2030 sẽ là: Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển. Bốn trụ cột gồm: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, đáng sống, trong đó lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.

Cùng với đó, ba nền tảng gồm: văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương. Ba đô thị động lực là: Thành phố Chí Linh, Thị xã Kinh Môn, Thị xã Bình Giang. Ba trục phát triển theo trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, trục dọc theo sông Thái Bình.

Quan điểm, chiến lược phát triển kinh tế, triết lý phát triển, phương châm hành động của Hải Dương là gì trong hành trình trước mắt và những năm kế tiếp?

Quan điểm xuyên suốt, bao trùm của Hải Dương là: phải khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh khối đại đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương. Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Lấy con người làm trung tâm; khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Hải Dương với “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt: “Tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng cao vị thế Hải Dương”. 

Chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là quan điểm phát triển xuyên suốt nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Song song đó, phải khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Phát huy tối đa nguồn lực con người, lấy giá trị văn hóa Xứ Đông làm nền tảng, động lực quan trọng. Phát huy nguồn lực trong tỉnh là chủ yếu, đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và đầu tư từ xã hội. Phát triển nhanh và có chất lượng khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

“Phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân” và “Chủ động, Sáng tạo, Quyết liệt, Hiệu quả” và “Năm rõ” (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) - đó chính là triết lý, phương châm hành động của Hải Dương trong phát triển kinh tế, xã hội.

Qua báo cáo, các phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thấy toát lên một khát vọng mãnh liệt của Hải Dương trong chặng đường đi tới tương lai, thưa ông?

Khát vọng lớn nhất của tỉnh Hải Dương là phát triển bứt phá vươn lên tốp đầu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025..., để tạo ra tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới. Hải Dương sẽ không chịu thua kém các địa phương có điều kiện tương đồng.

Khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương được thể hiện đậm nét trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, phương hướng, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Phát huy dân chủ, ý chí, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững.

Hải Dương chủ động chống dịch “sớm hơn một bước, cao hơn một cấp”
Đây là yêu cầu của ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đối với các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi kiểm tra công tác phòng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư