Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bibo Mart “lỡ hẹn” nhiều tham vọng
Anh Hoa - 30/03/2021 10:34
 
Rất nhiều mục tiêu khủng được Bibo Mart tuyên bố khi nhận được vốn đầu tư từ Nhật Bản, song kết quả không đạt như kỳ vọng.
Cửa hàng Bibo Mart cung cấp đa dạng sản phẩm dành cho mẹ và bé

Chậm chân với các mục tiêu khủng

Năm 2017, Quỹ ACA (Công ty Quản lý quỹ của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Sumitomo) đầu tư vào Bibo Mart để đổi lấy 20% cổ phần. Cùng với việc có cổ đông chiến lược mới từ Quỹ ACA, bên cạnh ông Hiroyuki Ono là đại diện của ACA tham gia Hội đồng Quản trị, Bibo Mart còn chiêu mộ đội ngũ nhân sự ngoại khủng. Các chuyên gia từ tư vấn đến CEO đều từng kinh qua nhiều vị trí tại các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới, như Metro Cash & Carry, Dairy Farm, Walmart, 7-Eleven, Welcome Taiwan...

Trong đó, đáng chú ý là tân Tổng giám đốc Mahesawan Thambunathan - người đã có hơn 27 năm kinh nghiệm và giữ các vị trí quản lý điều hành khác nhau tại chuỗi bản lẻ 7-Eleven và chuỗi siêu thị Giant của Tập đoàn Dairy Farm tại Singapore.

Đó là lý do để Bibo Mart tự tin thực hiện chiến lược mở rộng lên hơn 180 cửa hàng ngay trong năm 2017. Mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt hơn 500 cửa hàng, với doanh thu tối thiểu 300 triệu USD và giá trị doanh nghiệp 500 triệu USD, đảm bảo thị phần số 1 trên thị trường bán lẻ sản phẩm mẹ và bé có quy mô giá trị khoảng 8 tỷ USD.

Để đạt được mức doanh thu đó, trung bình mỗi tháng, Bibo Mart phải có hơn 10 cửa hàng được mở thêm trên cả nước. Các cửa hàng của Bibo Mart phải đảm bảo nằm gần các khu vực đông dân cư nhất và thuận tiện cho người mua.

Bà Trịnh Lan Phương, sáng lập Bibo Mart khi đó khẳng định, Bibo Mart không chỉ dừng lại ở chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé. Với Ban Cố vấn hùng hậu, Bibo Mart ấp ủ nhiều tham vọng cho dự án phát triển hệ sinh thái gồm một số mô hình kinh doanh mới, để trở thành nhà cung cấp đa dạng các dịch vụ cho không chỉ em bé, mà cả gia đình. Bibo Mart cũng có kế hoạch nhượng quyền ra nước ngoài trong thời gian không xa.

Không lâu sau khi bán cổ phần cho ACA, Bibo Mart phát hành cổ phiếu ESOP (cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động), dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2020. Động thái này đưa Bibo Mart trở thành đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ ngành hàng mẹ và bé chính thức phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên trong công ty.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bibo Mart dường như bị chậm chân với các kế hoạch nói trên. Hiện Bibo Mart mới có 142 cửa hàng. Vị CEO ngoại cũng chỉ làm được một thời gian ngắn. Đáng chú ý, Bibo Mart đang đầu tư mạnh vào bán lẻ đa kênh.

Được biết, doanh thu bán lẻ online của Bibo Mart chiếm 14-15% tổng doanh số, dự kiến tăng lên hơn 30% trong 5 năm tới.

Bà Trịnh Lan Phương khẳng định, kiến trúc và chiến lược phát triển công nghệ giai đoạn 5 năm 2018-2023 của Bibo Mart được xây dựng bởi các chuyên gia công nghệ hàng đầu từ Silicon Valley (Mỹ). “Thông tin đó đủ nói lên việc đầu tư bài bản và nghiêm túc của Bibo Mart cho sự chuyển dịch số”, bà Phương khẳng định.

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam là một thị trường đặc thù. Thương mại điện tử ở Việt Nam còn nhiều rào cản. Mô hình kinh doanh thành công phải là mô hình vì khách hàng và hiểu khách hàng, linh hoạt điều chỉnh theo sự chuyển dịch nhu cầu của khách hàng. Nhà bán lẻ nào sở hữu công nghệ tốt, am hiểu thị trường và luôn trăn trở vì lợi ích khách hàng sẽ có cơ hội thành công.

Thận trọng với món hời

Đối với các nhà đầu tư, Bibo Mart là một công ty hứa hẹn những món hời. Ông Hiroyuki Ono khẳng định, Quỹ ACA muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại đây.

Điều ông Hiroyuki Ono kỳ vọng là thông qua khoản đầu tư đó, Quỹ sẽ kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu mở rộng đầu tư vào các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam để hợp tác với Bibo Mart.

Là chuỗi bán lẻ dành cho trẻ em ở Việt Nam, chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời hợp tác hấp dẫn từ các chuỗi bán lẻ và những thương hiệu hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, mọi quyết định của chúng tôi đều được cân nhắc với tâm huyết xây nên một thương hiệu Việt vì người Việt.

Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT Bibo Mart

Thế nhưng, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, phía Bibo Mart đang muốn đàm phán mua lại cổ phần từ Quỹ ACA để phát triển theo đúng bản chất của thương hiệu Việt.

“Thật sự, đây là một công ty tốt và chúng tôi phải cạnh tranh với nhiều nhà đầu tư khác để được đầu tư vào Bibo Mart”, ông Hiroyuki Ono chia sẻ.

Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT Bibo Mart đã thực sự bị nhà đầu tư này thuyết phục vì đã tư vấn giúp bà phát triển chuỗi cửa hàng này sang một số ngành hàng khác cũng có liên quan tới thị trường sản phẩm mẹ và bé để gia tăng lợi nhuận. Đó là điều Bibo Mart cần trong tương lai, khi các đối thủ trong và ngoài nước ngày càng có động thái gia nhập thị trường và cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Hiện tại, Bibo Mart phát triển cả mảng thời trang trẻ em. Tại hầu hết các cửa hàng hiện có, nhãn hàng thời trang Bibo’s do nhà máy của Bibo Mart sản xuất đã được phủ kín, thế chỗ cho những thương hiệu thời trang khác được phân phối trước đây.

Trở lại với việc Bibo Mart đang có ý định mua lại 20% cổ phần từ quỹ ACA. Bà Phương từng nhiều lần thể hiện khát vọng nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), thương hiệu để xây dựng nên những thương hiệu thời trang thực sự mạnh, chiếm lĩnh thị trường trong nước khi thị trường tràn ngập các ông lớn nước ngoài.

Việc đó, theo bà Phương, trước hết phục vụ những sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý cho người dân Việt Nam. Sau nữa, mục tiêu là thâm nhập thị trường nước ngoài, với sản phẩm mang thương hiệu Việt của các chuỗi bán lẻ Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường các nước bạn.

Vượt qua nhiều đối thủ, lần đầu tiên Bibo Mart lọt Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2017
Chuỗi bán lẻ sản phẩm dành cho Mẹ&Bé Bibo Mart đã chính thức trở 1 trong 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư