Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
BIDV lên kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng
Thanh Thủy - 15/03/2020 08:15
 
Trong khi VietinBank và Vietcombank đã sớm đồng hành cùng cổ đông chiến lược từ 7 - 8 năm trước, thì BIDV mới bắt tay với đối tác Hàn Quốc vài tháng trước. Theo kế hoạch, tỷ trọng sở hữu của Nhà nước và cổ đông ngoại sẽ có nhiều thay đổi theo hành trình tăng vốn của ngân hàng này.
Với “room ngoại” 30%, BIDV đang có sức hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh
Với “room ngoại” 30%, BIDV đang có sức hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Lần đầu có người nước ngoài tham gia quản trị

Không lâu sau khi hoàn tất chào bán 15% vốn cho Ngân hàng Keh Hana (Hàn Quốc), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu ông Yoo Je Bong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn tài chính Hana vào Hội đồng Quản trị (HĐQT).

Vị lãnh đạo này không phải người Keb Hana duy nhất. Hé lộ tại cuộc họp cổ đông thường niên tổ chức đầu tháng 3/2020, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết, một nhân sự khác của tổ chức này sẽ tham gia ban điều hành là ông Sung Ki Jung, Trưởng khối kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Keh Hana. Ngoài ra, hơn 10 nhân sự khác là các chuyên gia lớn sẽ nắm giữ các vị trí chủ chốt.

Từ khi thành lập (năm 1957) đến nay, BIDV chưa từng có người nước ngoài tham gia quản trị. Như chia sẻ của ông Phan Đức Tú với các cổ đông, BIDV đang quốc tế hóa quản trị. “Sự can thiệp của Keb Hana, theo tôi, là can thiệp dễ chịu. BIDV mong muốn được can thiệp nhiều hơn trên cơ sở kinh nghiệm của Tập đoàn Hana và phù hợp với thực tiễn kinh doanh và pháp luật Việt Nam”, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay.

Theo quan điểm của ông, đây cũng là một trong 3 lợi ích mà Hana mang đến cho BIDV, bên cạnh việc giúp nhà băng này tăng vốn, kịp thời đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về chuẩn Basel II và mở ra cơ hội hoạt động kinh doanh khi có thêm nguồn lực.

Một lãnh đạo BIDV chia sẻ, cuộc đàm phán giữa BIDV và Keb Hana đã diễn ra khoảng 2 năm. Tới năm 2019, BIDV mới chính thức có một đối tác chiến lược đồng hành, trong khi Mizuho Bank Ltd trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank từ năm 2011, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ nắm tới 20% vốn VietinBank ngay năm sau đó.

Tuy nhiên, với “room ngoại” 30%, BIDV lại đang có lợi thế bởi dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần rộng mở hơn. Tại VietinBank, tỷ lệ này là hơn 29,6%, của Vietcombank và MBBank  là hơn 20%.

Bản thân BIDV cũng đặt ra cho mình kế hoạch đầy tham vọng. Bản chào giới thiệu ngân hàng cập nhật hồi tháng 2/2020 cho biết, cấu trúc cổ đông mục tiêu của nhà băng này vào năm 2022 là tối đa 30% vốn do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu. Trong đó, ngoài 15% do cổ đông chiến lược Keb Hana đã nắm giữ, BIDV còn nhắm đến các nhà đầu tư tài chính với tỷ lệ sở hữu lên tối đa 12%. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước sẽ giảm so với hiện nay, nhưng vẫn đảm bảo trên 65%.

Một mũi tên trúng hai đích

Quá trình giảm sở hữu nhà nước, tăng tỷ trọng cổ phần của khối ngoại sẽ không thông qua hình thức chuyển nhượng giữa các cổ đông, mà dựa vào phát hành cổ phần mới, tương tự thương vụ đã thực hiện với Keb Hana. Việc này vừa giúp thay đổi cơ cấu cổ đông, vừa giúp ngân hàng huy động thêm vốn, nâng cao năng lực tài chính.

Tham vọng của BIDV với đợt phát hành cổ phần tăng vốn giai đoạn năm 2020 - 2021 là không hề nhỏ. Theo mức giá mà Keb Hana Bank đã bỏ ra (33.640 đồng/cổ phần), thì số tiền mà các nhà đầu tư cần có để hấp thụ hết 341,5 triệu cổ phần dự kiến phát hành lên tới hơn 11.000 tỷ đồng.

Ngay trong cuộc họp vừa qua, BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn giai đoạn năm 2020 - 2021 với số lượng cổ phần phát hành thêm 341,5 triệu đơn vị, tương đương 8,5% vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2019. Trước đó, trong các tờ trình gửi cổ đông hồi cuối tháng 2/2020, BIDV chỉ dự kiến phát hành 251 triệu cổ phần. 

BIDV để ngỏ cả hai cách chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ, nhưng sẽ không dễ dàng để cổ đông nhà nước mua cổ phần phát hành mới. Đối với chào bán riêng lẻ, ngân hàng nhấn mạnh việc cho phép một hoặc một số cổ đông hiện hữu được phép mua, tức là phía Keb Hana vẫn có thể mua thêm để duy trì tỷ lệ sở hữu. Hình thức này đồng thời có thể giúp BIDV tìm kiếm được các nhà đầu tư tài chính nước ngoài như mục tiêu đề ra.

Lý giải kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo BIDV cho biết, mục tiêu của Ngân hàng là tiếp tục đóng vai trò chủ lực về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, đồng thời, mở rộng hoạt động kinh doanh, hiện đại hóa ngân hàng, nâng kết quả xếp hạng tín nhiệm...

Từng có thời điểm, BIDV phải cấu trúc lại tài sản để duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đảm bảo mức tối thiểu quy định. Khoản đầu tư lớn của Keb Hana cuối năm 2019 đã giúp hệ số CAR của nhà băng này giữ được ở mức 8,77%, nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn không nhiều so với yêu cầu là 8%. Do đó, ngân hàng này cần tiếp tục tăng vốn để đảm bảo nhu cầu vốn trong cả điều kiện kinh doanh thông thường và căng thẳng.

Ngoài ra, vốn điều lệ tăng cũng mở ra dư địa để tăng các nguồn thứ cấp khác. Theo kế hoạch được lãnh đạo BIDV chia sẻ, ngân hàng này dự tính phát hành thêm 40.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020, trong đó, một nửa là trái phiếu có kỳ hạn dài được tính vào vốn cấp 2.

BIDV đặt ra khoảng thời gian 2 năm cho phương án tăng vốn tiếp theo hiện nay. Để thuyết phục các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại, điều quan trọng hơn cả là chứng minh tính hiệu quả sau khi có thêm nguồn vốn mới từ nhà đầu tư Hàn Quốc.

Cổ phiếu tăng giá hơn 42%, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận 12.600 tỷ đồng năm 2020
Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của BIDV đạt 1.458.740 tỷ đồng, lớn nhất Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.768 tỷ đồng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư