Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Biến chứng nguy hiểm khi bị trào ngược dạ dày thực quản
D.Ngân - 23/10/2023 15:29
 
Chuyên gia chỉ nhiều biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày - thực quản nhiều người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Trào ngược dạ dày - thực quản còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản.

Trào ngược dạ dày - thực quản sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Đây là một căn bệnh rất thường gặp, tỷ lệ phát hiện bệnh ngày càng nhiều, nếu không chữa trị dứt điểm làm cho bệnh diễn tiến nhanh, kéo dài, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo chuyên gia, trào ngược dạ dày thực quản lặp đi lặp lại và xảy ra trong một thời gian dài, là do cơ thắt dưới suy yếu, không hoạt động bình thường, kèm theo bất thường ở nhu động thực quản hay thức ăn ở dạ dày tồn tại quá lâu hay do thoát vị khe Winslow. Chính tính axit của dịch từ dạ dày kích thích niêm mạc của thực quản.

Đây cũng là sự mất cân bằng giữa hai yếu tố tấn công và yếu tố phòng thủ. Yếu tố tấn công gồm sự tăng tiết HCl, pepsine và sự ứ trệ thức ăn trong dạ dày gây tăng áp lực lên cơ thắt thực quản, thúc cơ này mở gây trào ngược. Khi yếu tố tấn công quá mạnh sẽ đẩy lùi yếu tố bảo vệ.

Một số loại đồ ăn có tính kích thích, đồ uống có gas… là tác nhân gây tăng tiết HCl và pepsine. Biểu hiện là chứng ợ nóng, ợ chua, có thể kèm đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng...

Trào ngược dạ dày thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản lâu là tổn thương tiền ung thư, có thể chuyển thành ung thực thực quản cao gấp 30 - 125 lần người thường.

Ngoài ra, ở một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và người già, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nên viêm phổi do hít dịch trào ngược vào đường thở dễ gây tử vong.

TS.Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trào ngược dạ dày - thực quản sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm nên cần soi thực quản dạ dày định kỳ, hoặc soi dạ dày thực quản khi có một trong các dấu hiệu nêu trên.

Khi phát hiện ra bệnh cần điều trị sớm và triệt để, điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao và người bệnh càng ít bị biến chứng.

Theo các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cảnh báo, có 5 biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày - thực quản nhiều người thường gặp gồm, viêm loét, chảy máu thực quản.

Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm loét. Có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng như khó nuốt, nuốt đau, đau ngực.

Đặc biệt, đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn; hẹp thực quản; xơ hóa thực quản do viêm sẽ làm co rút thực quản, hẹp thực quản; viêm đường hô hấp.

Khi các thành phẩm trong dạ dày trào ngược lên thực quản vào đường hô hấp gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, ho kéo dài dẫn đến hen mãn tính và các bệnh lý đường hô hấp khác.

Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp.

Một biến chứng khác là ung thư thực quản. Các triệu chứng thường gặp như nuốt nghẹn, trớ, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực, hội chứng nhiễm trùng nổi bật. Đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả 2 bên.

Sau một thời gian mắc bệnh, toàn thân bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút hơn 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng, da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ, mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy nhất.

Các chuyên gia y tế cho biết, để điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày-thực quản cần thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.

Do đó, trong cuộc sống hàng ngày cần lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit, đó là các loại thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu…, vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.

Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản như hoa quả, hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa…), nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate…

Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá. Không mặc quần áo quá chật, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu.

Không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Ngủ nằm đầu cao 15 cm so với chân. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư