Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bình Định: Giải ngân đầu tư công chậm có nguyên nhân từ chậm giải phóng mặt bằng
Linh Đan - 12/12/2023 08:18
 
UBND tỉnh Bình Định cho rằng trong công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Bình Định vừa nhận diện trong công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác lựa chọn tư vấn thiết kế giám sát, công tác quy hoạch, công tác chỉ đạo điều hành…, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của tỉnh, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là do các tháng đầu năm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng chưa phù hợp dẫn đến việc triển khai dự án gặp khó khăn; nguồn thu sử dụng đất của tỉnh trong thời gian qua chưa đạt như yêu cầu đặt ra, mặc dù tỉnh đã điều hành linh hoạt, ứng tồn quỹ ngân sách tỉnh để chi trả các nhiệm vụ mang tính cấp bách, nhưng vẫn chưa đáp ứng theo tiến độ của các dự án được phân bổ kế hoạch từ nguồn này, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Cùng với đó, do phần lớn các dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ thi công trong năm 2023 là các dự án giao thông trọng điểm, tuy nhiên thời gian xin giấy phép khai thác mỏ mất rất nhiều thời gian và số lượng mỏ đất, đá hạn chế, ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án. Đồng thời, mặt bằng thi công vướng quy hoạch, nên phải điều chỉnh lại quy hoạch và điều chỉnh vị trí xây dựng cho phù hợp.

Nguyên nhân chủ quan là do một số dự án thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm, nên đơn vị thi công không có mặt bằng sạch để triển khai thực hiện dự án; thời gian lập, thẩm định và phê duyệt giấy chứng nhận Bảo vệ môi trường đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế kéo dài, trong khi thủ tục này phải hoàn thành để cơ quan thẩm định chuyên ngành (Sở Xây dựng) mới có cơ sở thẩm định, dẫn đến việc triển khai dự án trễ rơi vào Quý IV/2023.

Đến ngày 11/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn thủ tục môi trường cho các trạm y tế cấp xã trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ được khó khăn này.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, do năng lực tư vấn hạn chế, nên khi trình các cơ quan thẩm định chuyên ngành thẩm duyệt phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh, bổ sung, nhất là đối với công tác trình thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; một số chủ đầu tư chậm lập các hồ sơ, thủ tục thanh toán, dẫn đến không giải ngân hoặc giải ngân vốn thấp, mặc dù một số nguồn vốn đã có sẵn.

Đến nay, tổng kế hoạch được phân bổ thực hiện trong năm 2023 là 9.634.164 triệu đồng (trong đó vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 677.269 triệu đồng, vốn năm 2023 là 8.956.895 triệu đồng).

Cụ thể, vốn ngân sách địa phương: 6.828.248 triệu đồng (trong đó vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 448.003 triệu đồng, vốn năm 2023 là 6.380.245 triệu đồng; vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu (kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 8.364 triệu đồng): 1.727.964 triệu đồng; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: 349.500 triệu đồng; các chương trình mục tiêu quốc gia (kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 135.870 triệu đồng): 473.038 triệu đồng; vốn hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2022 kéo dài sang năm 2023: 22.459 triệu đồng; vốn ODA (kể cả vốn kéo dài là 62.573 triệu đồng): 232.955 triệu đồng.

Đến ngày 25/11/2023, tổng giá trị giải ngân kế hoạch năm 2023 là 7.192.135,53 triệu đồng, so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.630.637 triệu đồng) giá trị giải ngân đạt tỷ lệ 94,25%; so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (9.634.164 triệu đồng), giá trị giải ngân đạt tỷ lệ 74,65% kế hoạch.

Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 4.862.160,35 triệu đồng/6.828.248 triệu đồng, đạt 71,21%, vốn ngân sách Trung ương là 2.329.975,18 triệu đồng/2.805.916 triệu đồng, đạt 83,04%.

Trên cơ sở rà soát tình hình thực hiện của từng chủ đầu tư, từng dự án, từng nhiệm vụ và khả năng thực hiện nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2023, tỉnh Bình Định ước thực hiện giải ngân tổng kế hoạch vốn của kế hoạch năm 2023 là 9.107.510 triệu đồng, so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (7.630.637 triệu đồng) đạt 119,35%; so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (9.634.164 triệu đồng) đạt 94,53% kế hoạch vốn (cùng kỳ 8.505.453 triệu đồng/9.349.328 triệu đồng, đạt 90,97%).

Bình Định thu tiền sử dụng đất chưa đạt mục tiêu đề ra
Tính đến đầu tháng 12, tỉnh Bình Định mới thu được 2.600 tỷ đồng tiền sử dụng đất so với kế hoạch được giao là 3.040 tỷ đồng. Thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư