Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bình Định: Lâm tặc “nhởn nhơ” phá rừng
Gia Nguyễn - 26/03/2015 08:23
 
Khu vực rừng giáp ranh giữa xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân)  và xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đang bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng, dù lực lượng kiểm lâm được tăng cường.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dự kiến tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho người trồng rừng
Xử lý nghiêm việc phá rừng khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam

Lâm tặc lộng hành

Theo người dân, mỗi ngày có hàng chục đối tượng vào rừng sâu đốn gỗ rồi dùng xe máy vận chuyển ra ngoài rừng để đưa về xuôi tiêu thụ. Gỗ phần lớn là chò chỉ, số ít còn lại là lõi muồng… được khai thác lén lút trong những cánh rừng, sau đó đưa ra cửa rừng cất giấu, rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

Lâm tặc lộng hành và ung dung phá rừng, chở gỗ như chốn không người

Theo ông Nguyễn Văn Mây, Trưởng thôn Nghĩa Điền (xã Ân Nghĩa), những người chở gỗ chủ yếu là dân của các xã lân cận và một số ít là người dân địa phương. Mỗi ngày có 20 - 30 xe máy chở gỗ lậu qua khu vực này. Cũng theo ông Mây, lâm tặc chuyên chở những khúc gỗ đã cưa, rọc phách sẵn, có đường kính 20 - 50 cm, chủ yếu là chò chỉ.

Chiều 22/3, có mặt trước Nhà văn hóa thôn Nghĩa Điền, chúng tôi tận mắt chứng kiến những “chuyến xe bão táp” của một nhóm lâm tặc (5 - 6 người) đang chở những phách gỗ có chiều dài 2 - 3 m phóng bạt mạng, chạy về hướng UBND xã Ân Nghĩa mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào từ các ngành chức năng.

Để “mục sở thị” số gỗ lậu này đi về đâu, chúng tôi quyết định bám theo nhóm lâm tặc. Bám được chừng 4 - 5 km thì lâm tặc lái xe máy khóa đuôi phát hiện, nên đã lạng lách, ngăn chặn chúng tôi tiếp cận  các xe máy chở gỗ lậu đi trước. Để ngăn cản phóng viên đeo bám, một tên lâm tặc trong nhóm này đã điện thoại cho đồng bọn tiếp ứng. Chúng tôi bám theo được một đoạn, cách UBND xã Ân Nghĩa chừng 2 km thì xuất hiện một người điều khiển xe máy từ trong hẻm chạy ngang ra, chặn trước mặt. Chúng tôi kịp tránh né và tiếp tục bám đuổi. Đến lúc này, lâm tặc quay lại tấn công, rượt đuổi phóng viên.

Một người dân địa phương cho biết: “Ở tuyến đường này, lúc nào chả có người vận chuyển gỗ về tập kết chờ chuyển đi tiêu thụ, bất kể ngày hay đêm. Đặc biệt, cứ độ 4 - 6 giờ chiều là không ai dám ra đường vì sợ đụng phải những khúc gỗ kềnh càng của lâm tặc. Bọn lâm tặc lộng hành và ung dung phá rừng, chở gỗ như chốn không người”.

Khi chúng tôi băn khoăn rằng, chả nhẽ vận chuyển gỗ lậu công khai như vậy mà không bị bắt, người này cho biết thêm: “Mấy anh kiểm lâm đến đây đứng làm cảnh rồi về, chứ có bắt bớ ai đâu mà bọn lâm tặc sợ”.

Để vận chuyển gỗ lậu trót lọt, bọn lâm tặc phối hợp hoạt động theo nhóm. Trước khi di chuyển cũng như để tránh sự truy cản từ lực lượng kiểm tra, các đối tượng cho người đi trước “thám thính”, đồng thời, bố trí một đối tượng áp tải, quan sát phía sau. Khi vận chuyển gỗ, chúng đặt một đầu gỗ lên bánh xe nhỏ, đầu gỗ còn lại nối liền với đuôi xe máy. Với cách này, mỗi chuyến, lâm tặc vận chuyển được 3 súc gỗ với tổng khối lượng khoảng 0,3 m3. Cách khác là bọn chúng đặt gỗ nằm ngang sau yên xe rồi cứ thế phóng như bay.

Kiểm lâm… đã ở đâu?

Trả lời về tình trạng gỗ lậu được lâm tặc vận chuyển công khai “giữa thanh thiên bạch nhật”, ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân cho biết: “Để kiểm soát tình trạng vận chuyển lâm sản trên địa bàn, chúng tôi có lập trạm kiểm soát tại ngã 3 Gò Loi, xã Ân Tường Tây. Thời gian qua, chúng tôi tổ chức kiểm soát thường xuyên; các loại xe, phương tiện đều được kiểm tra và lập biên bản xử lý, nếu phát hiện vi phạm”.

Ông Lộc nói vậy, nhưng suốt đoạn đường dài gần 5 km từ đầu thôn Nghĩa Điền về đến UBND xã Ân Nghĩa, chúng tôi không hề nhìn thấy lực lượng chức năng nào xuất hiện để ngăn chặn lâm tặc chở gỗ lậu về xuôi.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc tại sao Trạm kiểm soát lâm sản có cán bộ “canh gác” túc trực thường xuyên, mà gỗ rừng vẫn “vô tư” được chuyển qua địa bàn để về xuôi tiêu thụ, ông Lộc nói: “Hiện chúng tôi làm hết mình để ngăn chặn, nhưng do nhiều yếu tố, như lực lượng mỏng, công việc nhiều, địa bàn quá rộng, hình thức vận chuyển tinh vi, lâm tặc quá đông người, được tổ chức theo nhóm, vận chuyển vào lúc sẩm tối và ban đêm, nên rất khó ngăn chặn. Thậm chí, khi lực lượng công an và cán bộ kiểm lâm huyện truy quét, vây bắt, lâm tặc sẵn sàng dùng dao, rựa, gậy gộc, đá sỏi… chống trả, nên nhiều lúc cũng chưa kiểm soát được hết”. 

Ông Lộc cho biết thêm, để ngăn chặn nạn phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép tại xã Ân Nghĩa và các khu vực khác trên địa bàn, huyện Hoài Ân đã có nghị quyết về chống lâm tặc. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương các xã trên địa bàn của huyện để kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, ông Lộc cũng thừa nhận, mặc dù công tác được triển khai quyết liệt, nhưng rất khó ngăn chặn triệt để nạn phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư