Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bình Thuận đề nghị bổ sung hơn 30.000 MW điện mới vào Quy hoạch VIII
Thanh Hương - 03/12/2021 16:11
 
Bình Thuận hiện có 48 nhà máy điện đã hoàn thành, đang hoạt động với tổng công suất là 6.521 MW, sản lượng điện thiết kế của các nhà máy trên địa bàn là khoảng 31,8 tỷ kWh.

Trong 48 nhà máy này có 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, có công suất 4.284 MW. Ngoài ra có 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 819,5 MW, 1 nhà máy điện diesel đảo Phú Quý công suất 10 MW, 10 nhà máy điện gió có tổng công suất là 335,3 MW và 26 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 1.072 MW.

Theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, địa phương này cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, theo quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (1.980 MW), Sơn Mỹ I (2.250 MW) và Sơn Mỹ II (2.250 MW) và các dự án thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời trên đất liền (khoảng 570 MW).

Trung tâm điện lực Vĩnh tân, có công suất 4.284 MW
Trung tâm điện lực Vĩnh tân, có công suất 4.284 MW

Đối với đề xuất đưa các dự án nguồn điện vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tớinăm 2045 (Quy hoạch VIII, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị hàng loạt dự án.

Trong số này có 7 dự án điện gió ngoài khơi đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, đề nghị xem xét về chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ và đưa vào danh mục các dự án trong Quy hoạch điện VIII với quy mô 17.600 MW.

Đó là Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind công suất dự kiến 3.400 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11,9 tỉ USD. Dự án điện gió ngoài khơi AMI AC, công suất dự kiến 1.800 MW; Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất dự kiến 3.500 MW; Dự án điện gió ngoài khơi Bình Thuận, công suất dự kiến 5.000 MW, Dự án điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam, công suất dự kiến 900 MW; Dự án điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch, công suất 2.000 MW và Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong, công suất 1.000 MW.

Ngoài ra theo đề nghị của Đại sứ quán Đan Mạch và nhà đầu tư là Công ty Ørsted (Đan Mạch) còn có Dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong với công suất đề xuất dự kiến 4.600 MW.

Ở lĩnh vực điện khí LNG, tỉnh Bình Thuận đề nghị Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà công suất 3.200MW với tổng vốn đầu tư khoảng 3,8 tỷ USD.

Dự án do nhóm nhà đầu tư đề xuất, gồm: Energy Capital Vietnam, Excelerate Energy (Hoa Kỳ),

Bgrim (Thái Lan), Siemens (Đức) với Ngân hàng thu xếp vốn vay là Deutsche Bank, đơn vị thu xếp tài chính là Marathon Capital và đơn vị cung cấp LNG là Gunvor.

Tỉnh cũng đề nghị Dự án thủy điện tích năng tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình công suất 600 MW được đề xuất bởi Công ty Cổ phần Kosy.

Đối với các dự án điện gió trên đất liền, Bình Thuận đề nghị 3 dự án (142 MW) gồm Dự án điện gió Bình Thuận (Hòa Thắng 2.2), Dự án Nhà máy điện gió Hồng Phong 3.1 và Hồng Phong 3.2.

Cũng tới nay có 62 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh Bình Thuận đã trình Bộ Công Thương thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, bổ sung vào đồng bộ Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, với tổng công suất 3.371 MW (tương đương 4.185 MWp).

Trong 62 dự án này, Bộ Công Thương đã tổ chức họp thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực, hoàn thành lấy ý kiến các đơn vị liên quan 15 dự án, với tổng công suất 759 MW (tương đương 949 MWp). Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương xem xét ưu tiên, lựa chọn đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát, cập nhật lại: Nhấc ra gần 8.000 MW nguồn điện
Sau khi rà soát lại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt nguồn điện của phương án phụ tải cơ sở năm 2030 chỉ còn 130.370 MW, giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư