Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ Công thương muốn DN nhập ô tô qua sử dụng phải có giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng
Thanh Hương - 11/08/2017 14:47
 
Không chỉ các ô tô mới 100% cần có cam kết từ phía doanh nghiệp sản xuất về trách nhiệm triệu hồi, với các ô tô đã qua sử dụng cũng cần phải có các ràng buộc nhất định để tránh tình trạng biến xe mới thành xe cũ, đưa Việt Nam thành nơi tiêu thụ xe của các nước.

Ô tô cũ cũng phải quản

Liên quan tới vấn đề ràng buộc các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng cũng cần phải có cam kết của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài về trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu như trong trường hợp nhập khẩu ô tô chưa qua sử dụng, trong dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Bộ Công thương soạn thảo đã đưa ra 2 lựa chọn.

Theo đó, trong phương án 1, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ phải có Giấy xác nhận của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài triệu hồi ô tô.

Còn với phương án 2, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng được loại trừ điều kiện được đặt ra như tại phương án 1.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được quản lý chặt chẽ như đối với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu nhằm hạn chế khả năng gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và an toàn môi trường của loại hàng hóa này.

Nguyên do, ô tô đã qua sử dụng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật và an toàn hơn so với ô tô chưa qua sử dụng. Các quy định hiện hành về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn khi áp dụng đối với loại hàng hóa này.

Trên thực tế, không hiếm các trường hợp ô tô đã qua sử dụng tồn tại những lỗi kỹ thuật có khả năng gây mất an toàn cho người tiêu dùng, cần thiết phải triệu hồi để khắc phục, sửa chữa, tuy nhiên chủ sở hữu không thực hiện hoạt động này mà tìm cách bán ra thị trường nước ngoài. Đó là chưa kể tới thực tế, có những ô tô đã qua sử dụng không còn đủ điều kiện lưu hành hoặc không thể đăng kiểm tại nước sở tại nên được xuất khẩu sang các quốc gia khác, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng các quốc gia nhập khẩu ô tô cũ.

“Ngoài các rủi ro đối với người tiêu dùng, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu cũng tiềm ẩn các ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhiều ô tô đã qua sử dụng không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải nước sở tại cũng có khả năng tràn vào thị trường nước thứ ba, gây ảnh hưởng đến môi trường quốc gia nhập khẩu”, là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trong văn bản số 6369/BCT-CNNg gửi tới Văn phòng Chính phủ.

Bởi vậy dù có 2 phương án, nhưng Bộ Công thương cũng đề xuất chọn phương án 1 để ưu tiên xem xét, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn môi trường trong quá trình lưu thông, vận hành ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

Người tiêu dùng lĩnh đủ

Luật gia Trần Đình Thu cho hay, những khuyết điểm phổ biến trong việc thiếu thông tin về những chiếc ô tô được nhập khẩu không chính hãng là tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng nước sở tại, thông tin về chính sách bảo hành của nhà sản xuất. Đối với xe đã qua sử dụng nhập khẩu không chính hãng thì còn thiếu thông tin cụ thể về đời xe, tình trạng kỹ thuật của xe. Bởi vậy, người tiêu dùng sẽ phải mất thêm chi phí để tìm hiểu các thông tin này, đồng thời chịu gia tăng thêm chi phí trong quá trình sử dụng, vận hành do không nắm được những tình trạng kỹ thuật của xe.

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô và có thời gian dài sống và làm việc ở Đức và Mỹ cũng từng cho hay, phát hiện một lỗi kỹ thuật là trách nhiệm hoàn toàn ở nhà sản xuất chứ không phải là người bán hàng. Thực tế là trên thế giới, nhà sản xuất ô tô bị lỗi luôn có trách nhiệm phải liên lạc với cơ quan đăng kiểm để tìm ra khách hàng nào đang sử dụng chiếc xe bị lỗi đó. Từ đó, nhà sản xuất viết thư gửi đến người dùng sản phẩm đó để mang xe đến sửa chữa hoặc thay thế linh kiện bị lỗi miễn phí hoàn toàn.

Dẫu vậy, nếu chiếc xe đó lại được nhập khẩu về Việt Nam và không có hồ sơ lịch sử nối tiếp thì cơ hội để người tiêu dùng được kiểm tra tình trạng của xe với những lỗi kỹ thuật và được khắc phục bài bản từ phía nhà sản xuất là hoàn toàn không bao giờ diễn ra.

“Việc thiếu thông tin về đời xe và model xe đặt người tiêu dùng vào tình trạng tìm kiếm các linh kiện, phụ tùng thay thế phù hợp với ô tô cũ nhập khẩu sẽ có những khó khăn nhất định trong quá trình sử dụng sau này. Trong nhiều trường hợp, các linh kiện, phụ tùng thay thế này phải được nhập khẩu, làm gia tăng chi phí trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng cũng như tăng phí bảo hiểm đối với người tiêu dùng sử dụng ô tô cũ nhập khẩu không chính hãng”, ông Thu nói.

Là cơ quan có trách nhiệm giám sát chất lượng xe ô tô tại Việt Nam, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho hay, Dự thảo nên quy định, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải là ô tô đã đăng ký lưu hành tại EU, G7, Hàn Quốc hoặc các quốc gia có khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.

“Khi tiến hành thủ tục kiểm tra, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương”, là góp ý của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại văn bản 4760/ĐKVN-VAQ do ông Đăng Việt Hà, Phó cục trưởng ký.

Ưu đãi phù hợp cho công nghiệp ô tô
Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình đang được kỳ vọng sẽ trở thành những trung tâm sản xuất ô tô của Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư