Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 11 năm 2024,
Bộ Công thương tiếp tục đề xuất EVN tiếp nhận Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2
Thanh Hương - 07/09/2023 10:27
 
Bộ Công thương đã thống nhất với Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 thời điểm chuyển giao Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 cho phía Việt Nam là 0h00 ngày 1/3/2024.

Để chuẩn bị cho việc chuyển giao Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 sau khi kết thúc thời hạn hiệu lực của Hợp đồng BOT, Bộ Công thương đã thông báo việc thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn vận hành nhà máy sẽ được thực hiện trong tháng 11/2023.

Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 cần gửi thông báo tới Bộ Công thương trước 15 ngày kể từ ngày thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn  vận hành để phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan Việt Nam giám sát.

Với Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2, Bộ Công thương cũng đề nghị Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông tiếp tục phối hợp với EVN để hoàn thiện và triển khai Chương trình đào tạo, phương thức quan sát các lần đại tu cuối nhằm đảm bảo việc vận hành các nhà máy liên tục, chất lượng sau chuyển giao cho phía Việt Nam.

Trung tâm điện lực Phú Mỹ nơi có hai Nhà máy BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2

Trước đó, vào ngày 10/8/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc họp với các Bộ ngành liên quan đến chuyển giao Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 khi hết hợp đồng. Theo kết luận, các bộ ngành dự họp thống nhất việc Bộ Công thương đề xuất giao EVN tiếp nhận các nhà máy này cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công thương cũng được giao nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về tài sản công và các pháp luật có liên quan để làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền và đề xuất theo đúng quy định, đúng thẩm quyền việc chuyển giao tiếp nhận các nhà máy điện BOT, bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, an toàn, vận hành liên tục của 2 nhà máy, bảo đảm nguồn cung ứng điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/8/2023. 

Trong báo cáo của mình sau đó, Bộ Công thương cũng đã tái đề nghị Chính phủ chấp thuận giao EVN là đơn vị tiếp nhận, vận hành, kinh doanh, bảo trì và bảo quản các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 và cùng với Bộ Công Thương ký Biên bản nhận chuyển giao.

Đồng thời giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thực hiện công tác chuẩn bị nhận chuyển giao các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2.

Trước đó năm 2022, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng giao Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 cho EVN quản lý và vận hành, kinh doanh theo hình thức ghi tăng vốn.

Theo Bộ Công thương, EVN là đơn vị đang vận hành các nhà máy điện chạy khí tương tự cùng với các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 trong Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, đồng thời EVN cũng là đơn vị đã tham gia trong toàn bộ quá trình thực hiện các dự án nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 cho đến nay (từ quá trình chuẩn bị đầu tư, đàm phán ký kết các Hợp đồng dự án cũng như là đơn vị thực hiện các nhiệm vụ điều phối hàng năm liên quan đến vận hành, điều độ, bảo dưỡng cũng như giám sát các thông số vận hành của nhà máytheo cơ chế Ban điều phối liên hợp quy định trong Hợp đồng Mua bán điện).

Trong quá trình thực hiện, EVN được giao trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh thay cho phía Việt Nam mà không phải do lỗi của EVN như: Thay đổi pháp luật; Sự kiện Chính phủ; hoặc Bất khả kháng tự nhiên ảnh hưởng đến các đối tác Việt Nam. EVN cũng chịu các loại chi phí liên quan đến vận hành và bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng dùng chung trong TTĐL Phú Mỹ cho đến hết Thời hạn của Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Vì vậy, việc được tiếp nhận, vận hành, kinh doanh và bảo trì các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 sau khi hết hạn PPA sẽ bảo đảm được tính kế thừa và liên tục của hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung, giúp các nhà máy vận hành liên tục và ổn định.

Cũng theo Hợp đồng BOT, EVN là đơn vị nhận chuyển giao toàn bộ hệ thống Cơ sở hạ tầng chuyển giao sớm (đường dây đấu nối 500kV, kênh làm mát, đường ống đấu nối cung cấp nhiên liệu phụ, hệ thống kết nối dữ liệu) từ dự án BOT Phú Mỹ 3 khi nhà máy đi vào vận hành và EVN có thêm trách nhiệm phải nhận chuyển giao nhà máy trong trường hợp dự án bị chấm dứt sớm đối với dự án BOT Phú Mỹ 2.2.

Với chức năng tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động phát điện cũng như trách nhiệm riêng ở hai nhà máy BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 theo Hợp đồng Mua bán điện, Bộ Công thương cho rằng, EVN là đơn vị phù hợp để thực hiện việc mua bán nhiên liệu, bảo trì, bảo dưỡng nâng cấp thiết bị nhà máy sau chuyển giao, là đơn vị phù hợp để làm việc với địa phương về những vấn đề liên quan đến đất đai cho khu vực có nhà máy và là đơn vị có đủ năng lực vận hành, kinh doanh, cấp điện ổn định cho hệ thống điện, không làm ảnh hưởng tới tính liên tục, chất lượng cung cấp điện.

Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 được đầu tư bởi Sembcorp (Singapore), Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation (Nhật Bản) tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhà máy có công suất hợp đồng 716,8 MW với công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên mua từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với lượng tiêu thụ khoảng 0,85 tỷ m3/năm và bán điện cho EVN.
Hợp đồng BOT của Dự án được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ký với Chủ đầu tư/Công ty BOT vào ngày 22/5/2001. Nhà máy bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 01//3/2004 với thời hạn 20 năm và sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 01/3/2024 sau khi kết thúc thời hạn theo Hợp đồng BOT.
Ngày 15/2/2022, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị tham gia chứng kiến đại tu cuối cùng của nhà máy trong khoảng thời gian từ ngày 19/3 đến ngày 3/4/2022. Theo đó, Bộ Công Thương đã mời đại diện EVN cùng tham gia chứng kiến, khảo sát đợt đại tu cuối cùng của nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3.
Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục phối hợp với EVN rà soát hồ sơ, tài liệu chuyển giao của nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3; lựa chọn thời gian phù hợp để triển khai việc Thử nghiệm đáp ứng Tiêu chuẩn vận hành; và rà soát dự thảo Thư tín dụng dự phòng để đảm bảo nhà máy đáp ứng các tiêu chuẩn khi chuyển giao.
Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 được đầu tư bởi EDFI, SUMMIT Global Management II B.V và TEPCI tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhà máy có công suất hợp đồng 715 MW với công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên mua từ PVN với lượng tiêu thụ khoảng 0,85 tỷ m3/năm và bán điện cho EVN.Hợp đồng BOT của Dự án được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ký với Chủ đầu tư/Công ty BOT vào ngày 18/9/2001.
Nhà máy bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 4/2/2005 với thời hạn 20 năm và sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 4/2/2025 sau khi kết thúc thời hạn theo Hợp đồng BOT.
Theo quy định, trước khi chuyển giao, Doanh nghiệp dự án (Công ty BOT) thực hiện các công việc như: Xây dựng kế hoạch chuyển giao; Thực hiện đại tu cuối cùng; Chỉ định Chuyên gia độc lập để tổ chức thử nghiệm nhà máy đáp ứng Tiêu chuẩn vận hành theo quy định cụ thể tại hợp đồng; Đào tạo, làm quen, tìm hiểu về nhà máy cho nhân sự của phía Việt Nam để vận hành nhà máy khi tiếp nhận; Lập danh sách các nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà máy; Chuẩn bị tín dụng thư hoặc bảo lãnh để đảm bảo nhà máy đáp ứng các tiêu chuẩn khi chuyển giao.
Đối với nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2, theo quy định tại Hợp đồng BOT, ngày 27/1/2022, Công ty đã gửi kế hoạch chuyển giao sơ bộ và đề nghị thông báo về đơn vị nhận chuyển giao để cùng phối hợp triển khai các bước tiếp theo.
Tiếp đó, ngày 18/5/2023, Công ty Phú Mỹ 2.2 đã có văn bản thông báo về lịch đại tu lần cuối trước khi chuyển giao. Cụ thể là cho Tổ máy 1 sẽ được tiến hành từ ngày 1/10/2023 đến ngày 20/11/2023 và cho Tổ máy 2 cùng tuabin hơi (GT2 và ST) sẽ được tiến hành vào tháng 8/2024.
Bộ Công Thương hiện cũng đang tiếp tục phối hợp với EVN để rà soát hồ sơ, tài liệu chuyển giao của nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2; hoàn thiện Chương trình đào tạo và Phương thức quan sát các lần đại tu lần cuối do Công ty PM2.2 đề xuất và Lựa chọn đại diện phù hợp để tham gia chương trình đào tạo cũng như tham gia quan sát, chứng kiến đại tu lần cuối Đợt 1 của nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 theo quy định tại Hợp đồng BOT.
Đầu tư nguồn điện, một mình EVN gánh không nổi
Tại Quyết định 428/2016/QĐ-TTg, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư