Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ Công Thương xác minh vụ phải "lót tay" 20.000 USD mới xin được giấy phép xuất khẩu gạo
Phương Dung (Dân trí) - 24/02/2017 07:50
 
Ngay sau khi một số báo chí phản ánh thông tin "xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD", hôm qua (23/2), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thành lập Đoàn xác minh nhằm làm rõ sự việc trên.
TIN LIÊN QUAN
Người đứng đầu ngành công thương yêu cầu xác minh thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD.
Người đứng đầu ngành công thương yêu cầu xác minh thông tin "xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD".

Ngày 23/2/2017, một số báo điện tử có đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017 tại TPHCM.

Theo nội dung đăng tải của một số tờ báo, tại buổi toạ đàm, ông Nam thông tin, mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”, “Lý do là mỗi lần xin là “mấy chục ngàn đô”, rất lãng phí... chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Sau khi nhận được thông tin trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập Đoàn xác minh, đồng thời giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ sự việc mà các báo đã nêu.

Liên quan đến việc cấp phép xuất khẩu gạo, Nghị định 109 được đánh giá là gây méo mó thị trường. Mấu chốt của Nghị định này là muốn được cấp giấy phép xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí như: Phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo.

Khi Nghị định 109 ra đời, ngay lập tức, hàng loạt doanh nghiệp bị loại khỏi “cuộc chơi” do không đáp ứng được điều kiện trên. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh, để đáp ứng được điều kiện mà Nghị định đưa ra, DN phải bỏ ra khoảng 20 đến 25 tỷ đồng đầu tư - đây là số tiền không nhỏ. Nếu không đáp ứng được, doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường, hoặc tìm cách sáp nhập, thầu phụ và bán lại cho doanh nghiệp khác có quyền xuất khẩu.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có một số cải thiện về quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các thương nhân tham gia thị trường. Mới đây, ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT. Theo đó, sẽ bỏ các quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo.

Ngoài những quy định trên, trong những năm vừa qua, một loạt các chính sách được ban hành tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của các chủ thể trên thị trường lúa gạo.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kể từ cuối thập kỷ 80 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng. Sự gia tăng gần như liên tục này trong suốt hơn hai thập kỷ qua đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vấn đề đặt ra hiện nay là sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của người nông dân.

Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.

Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra. Giá trị và lượng xuất khẩu mặt hàng này giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư