Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận giữ nguyên tỷ lệ vốn Nhà nước tại Công ty Cảng An Giang
Anh Minh - 29/06/2021 16:02
 
Với tư cách là cảng đầu mối giao thương hàng hóa với Campuchia, việc duy trì tỷ lệ vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng An Giang như hiện nay là cần thiết.
Công ty cổ phần Cảng An Giang đã niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán là
Công ty cổ phần Cảng An Giang đã niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán là CAG.

Bộ GTVT vừa có công văn số 6135/BGTVT – QLNN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến đối với đề xuất của UBND tỉnh An Giang về việc không thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần Cảng An Giang.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (nhóm 6) được phê duyệt tại Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT ngày 28/10/2016 đã định hướng phát triển cảng biển An Giang là phát triển mở rộng tại khu bến Mỹ Thới và bến vệ tinh Bình Long hiện có, tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn gắn kết với đầu mối logictics sau cảng.

Khu bến Mỹ Thới do Công ty cổ phần Cảng An Giang quản lý khai thác được quy hoạch là bến cảng tổng hợp, container trong giai đoạn đến năm 2020 gồm 2 cầu cảng với tổng chiều dài 226m và 8 bến phao tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn với công suất thông qua đáp ứng từ 3,3-4 triệu tấn/năm, có diện tích đến 4,75ha; trong giai đoạn đến năm 2030 gồm 3 cầu cảng với tổng chiều dài 386m và 8 bến phao tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn với công suất thông qua đáp ứng từ 4 -5 triệu tấn/năm, có diện tích đến 11,4ha.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, lượng hàng thông qua khu bến cảng Mỹ Thới hàng năm là rất lớn, tuy hiệu quả kinh tế không cao, nhưng Công ty cổ phần Cảng An Giang thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và làm đầu mối kết nối giao thương hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển với nước bạn Campuchia. Hiện nay UBND tỉnh An Giang đã có chủ trương quy hoạch đầu tư mở rộng Cảng Mỹ Thới đến năm 2030 với quy mô 4,2ha, hiện đang triển khai giải phóng mặt bằng.

Như vậy, theo Bộ GTVT, để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương và làm tốt công tác quản lý, định hướng phát triển hoạt động hàng hải tại khu vực thông qua Cảng Mỹ Thới, đề xuất của UBND tỉnh An Giang về việc không thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần Cảng An Giang là có cơ sở. 

Được biết, Công ty cổ phần Cảng An Giang, tiền thân là Cảng Mỹ Thới An Giang, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh An Giang làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và được chuyển đổi sang công ty cổ phần từ năm 2011 với số vốn điều lệ là 138 tỷ đồng, trong đó: giá trị cổ phần do Nhà nước nắm giữ là 73,116 tỷ đồng, chiếm 52,98% vốn điều lệ. Ngày 22/12/2015, UBND tỉnh An Giang đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp nhà nước của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2020, trong đó xác định Công ty cổ phần Cảng An Giang là doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020 với tỷ lệ là 53% vốn điều lệ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư