Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm về Dự án nạo vét luồng hàng hải Kỳ Hà - Quảng Nam
Anh Minh - 11/08/2024 08:32
 
Tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực miền Trung, Tây nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia qua cảng Chu Lai.
Một góc cảng Chu Lai.
Một góc cảng Chu Lai.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 8526/BGTVT – KCHT gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Trưởng Hải liên quan đến đề xuất thực hiện dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà đạt độ sâu -9,3m hải đồ.

Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng vừa qua, Bộ GTVT có văn bản trao đổi với UBND tỉnh Quảng Nam về tuyến luồng hàng hải này.

Tại công văn số 8526, Bộ GTVT cho biết, việc xem xét, chấp thuận giao Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải thực hiện nạo vét tuyến luồng Kỳ Hà theo đúng trình tự, thủ tục pháp lý quy định tại Nghị định số 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Theo Bộ GTVT, Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, vào tháng 3/2009, Cục Hàng hải Việt Nam đã bàn giao tuyến luồng Kỳ Hà cho địa phương quản lý, thực hiện đầu tư nâng cấp để tiếp nhận tàu trọng tải 20.000DWT.

Trong quá trình triển khai, do vướng mắc, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương dừng triển khai, tiếp tục thực hiện các bước nghiệm thu, thanh toán, quyết toán để kết thúc Dự án.

Hiện nay, tuyến luồng chưa được bàn giao cho Bộ GTVT quản lý vận hành. Vì vậy, để có cơ sở thực hiện theo quy định của Nghị định số 57/2024/NĐ- CP, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan liên khẩn trương hoàn thành quyết toán Dự án nạo vét luồng vào bến cảng Kỳ Hà và triển khai các thủ tục theo quy định của Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải để bàn giao luồng hàng hải Kỳ Hà cho Bộ GTVT tổ chức quản lý.

“Sau khi hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận quản lý luồng hàng hải Kỳ Hà, Bộ GTVT sẽ xem xét việc chấp thuận đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải thực hiện nạo vét tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà theo quy định của Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20/5/2024 của Chính phủ”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Liên quan đến hồ sơ đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải thực hiện nạo vét luồng hàng hải Kỳ Hà, Bộ GTVT đề nghị Công ty căn cứ quy định của khoản 1 Điều 20 Nghị định số 57/2024/NĐ-CP, bổ sung Hồ sơ đề xuất dự án.

Các nội dung cần bổ sung gồm: sự cần thiết, phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành, địa phương; hiện trạng tuyến luồng; mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án; dự kiến khối lượng nạo vét; vị trí dự kiến đổ chất nạo vét; tiến độ, thời gian thực hiện dự án; thuyết minh phương án tổ chức quản lý, thi công; đảm bảo an toàn giao thông hàng hải; đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực miền Trung, Tây nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia qua cảng Chu Lai.

Tuy nhiên, sau thời gian dài dừng thi công từ tháng 6/2022, nhiều vị trí tuyến luồng đã bị bồi lấp nghiêm trọng (một số đoạn đến nay chỉ đạt độ sâu -8mHĐ) nên không đảm bảo độ sâu cho tàu có tải trọng lớn vận chuyển ra vào bến Cảng Chu Lai, dẫn đến Cảng Chu Lai không thể tiếp nhận và khai thác các tàu biển theo đúng thiết kế, buộc hàng hóa vận chuyển bằng tàu lớn phải di chuyển qua các cảng biển của địa phương khác gây lãng phí kết cấu hạ tầng cảng đã đầu tư và tăng chi phí logistics, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương cho phép công ty thực hiện nạo vét tuyến luồng này đạt độ sâu tối thiểu -9,3 m, bảo đảm tiếp nhận tàu 30.000 DWT giảm tải.

Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải với cam kết không đề nghị nhà nước hoàn lại.

Sau khi nghiệm thu hoàn thành dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải sẽ bàn giao công trình cho nhà nước sở hữu, quản lý sử dụng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư